Ads

TIN MỚI NHẤT

Thursday, January 8, 2015

Giải mã những điều chưa biết về giấc mơ

Bạn có bao giừo thắc mắc tại sao mình lại mơ, đôi khi ta nhớ được những giấc mơ đêm qua nhưng đôi khi lại chẳng nhớ được gì? Giấc mơ có thực sự là một điềm báo hay liệu chúng ta có thể điều khiển nó,...Tất cả sẽ được giải mã trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về giấc mơ và một vài nghiên cứu của những nhà khoa học trên toàn thế giới về giấc mơ.

Một số khám phá khác có thể bạn quan tâm: 

Bạn đang buồn ngủ, đầu óc đang dần trở nên mơ hồ. Và rồi bạn chìm sâu vào giấc ngủ. Trên thực tế, giấc ngủ là khoảng thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi những tổn thương và là một trong những quá trình nạp lại năng lượng cho chúng ta. Tuy nhiên, không phải tất cả các tế bào trên cơ thể đều được nghỉ ngơi khi chúng ta đang chìm vào trong giấc ngủ. Ở một số người, khi chìm vào trong giấc ngủ, họ vẫn còn nhìn thấy những hình ảnh, tai họ dường như vẫn nghe thấy những tiếng động. Những giấc mơ chính là bằng chứng rõ ràng nhất nói với chúng ta rằng bộ não vẫn hoạt động ngay cả khi chúng ta tưởng chừng toàn bộ cơ thể đang nghỉ ngơi.

Bản thân giấc ngủ đã là một trong những hiện tượng chưa được khám phá hết và tất nhiên, những giấc mơ - một phần của giấc ngủ - cũng là một yếu tố mà chúng ta chưa thể hiểu rõ được. Tại sao có người có giấc mơ, có người lại chìm sâu sự tĩnh lặng của giấc ngủ? Tại sao lại tồn tại những giấc mơ đẹp, tại sao lại tồn tại những cơm ác mộng? Bao năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng đi sâu vào bộ não của con người, cố tìm lời giải thích thỏa đáng cho những câu hỏi hóc búa này.

1. Lý do ta có giấc mơ là gì?

Có phải ai trong chúng ta cũng biết về khởi nguồn của những giấc mơ và tại sao giấc mơ của mỗi người lại khác nhau: có người mơ đẹp, nhưng có người lại gặp toàn ác mộng?
Có rất nhiều lý do giải thích cho câu hỏi này nhưng nhìn chung chúng ta có thể tổng hợp lại và đưa ra một số lý do dưới đây:

Lấp đầy mong ước

Vào đầu thế kỷ XX, nhà tâm lý học Sigmund Freud đã có nghiên cứu hành vi mơ của hàng trăm người, qua đó, ông đã đưa ra lý thuyết về việc hiện thực hóa mong muốn chưa đạt được của mỗi người trong giấc mơ. Lý thuyết này đã gây tiếng vang lớn và được coi là một trong những thành quả đầu tiên về nghiên cứu giấc mơ.




Theo đó, giấc mơ không có gì đáng sợ, nó đơn giản chỉ là để hoàn thành những gì bạn mong muốn khi còn thức mà thôi: được đến những nơi chưa bao giờ đến hay nắm tay vui đùa với "người trong mộng" của mình.

Lý thuyết này cũng giải thích nguyên nhân của những cơn ác mộng. Đó là giúp giải quyết hoặc xóa khỏi đầu hình ảnh bạn không mong muốn. Sigmund Freud nói rằng, nếu bạn mơ thấy một người thân trong gia đình bị mất, mặc dù đấy không phải là những gì bạn muốn nhưng cũng là một cách để “lấp đầy mong ước” của mình.



Hay như bạn đang có mâu thuẫn nào với người thân, việc xóa bỏ hình ảnh của người đó trong giấc mơ sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với bạn. Bằng cách này, Freud đã giúp rất nhiều bệnh nhân của mình phát hiện và khơi dậy những cảm xúc “ẩn” mà họ chưa thể giải quyết chúng.

Quên và nhớ

Khi tìm hiểu về nguyên nhân của những giấc mơ, các nhà khoa học đã đưa ra 2 lý thuyết khá trái ngược nhau. Nhưng thật bất ngờ, khi kết hợp lại, chúng giúp tạo ra một lý thuyết mới khá đầy đủ và bao quát: đó là "quên" và "nhớ".




Lý thuyết "quên" cho rằng, việc chúng ta mơ mỗi đêm là để giúp bộ não thoát khỏi các kết nối không mong muốn đã hình thành trong suốt thời gian chúng ta thức.

Nói một cách đơn giản, giấc mơ giống như một cây chổi, nó sẽ giúp “quét dọn” những thứ vô ích và khiến bộ não có thêm khoảng trống để tiếp tục lưu giữ thông tin. Cơ sở của lý thuyết này chính là việc chúng ta thường không thể nhớ rõ những gì chúng ta đã mơ.


Ngược lại, thuyết "nhớ" nêu ra, giấc mơ sẽ giúp củng cố trí nhớ và những gì ta đã trải qua. Điều này dựa trên một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trong giấc mơ của chúng ta xuất hiện những gì đã học, hoặc đọc được chúng ta sẽ nhớ lâu hơn bình thường.

Ví dụ khá rõ ràng trong trường hợp này đó là khi một người trải qua sự việc vô cùng đau thương thì khi ngủ, họ thường có những giấc mơ khủng khiếp liên quan đến trải nghiệm đó. Việc này sẽ ngày càng hằn sâu vào tâm trí, khiến họ không thể quên đi được. Cách duy nhất để giải quyết chính là uống thuốc an thần, hoặc tìm cách tiếp xúc với người bệnh, giữ cho họ không ngủ càng lâu càng tốt; kể cả khi họ kiệt sức nhằm ngăn chặn việc "nhớ" xảy ra.

Cơ chế “giả chết”

Theo các nhà khoa học, giấc mơ là sự tiến hóa của cơ chế “giả chết” ở động vật. Khi gặp nguy hiểm, các loài động vật thường có nhiều cách để tự vệ như xù lông, bỏ chạy, quay lại chiến đấu… và giả chết khiến đối phương không chú ý nữa. Trong giai đoạn này, bộ não hoàn toàn tỉnh táo và hoạt động bình thường cùng với đó là sự tiết ra của chất dopamine - có tác dụng dẫn truyền thần kinh.




Trong khi mơ, con người chúng ta cũng tiết ra chất như vậy. Dưới tác động của chất dopamine, giấc mơ lấp đầy tâm trí chúng ta bằng vô số các kích thích cùng cảm xúc.

Về sau, nhà tâm lý học người Phần Lan - Antti Revonsuo đã “nâng cấp”, bổ sung cho lý thuyết trên. Theo đó, giấc mơ của con người thậm chí còn là sự tiến hóa của cơ chế "giả chết". Ông cho rằng, giấc mơ là sự mô phỏng lại các mối đe dọa, giúp con người học cách "đối phó" mối nguy đó một cách an toàn mà không bị bất kỳ tổn thương về thể xác nào. Nhờ đó, con người sẽ phản ứng tốt và nhanh hơn nếu họ vô tình mơ đến các mối đe dọa vào ban đêm.

Tái cấu trúc những quá khứ đau buồn

Chuyên gia nghiên cứu rối loạn giấc ngủ Ernest Hartmann khi nói về lý thuyết đương đại của những giấc mơ cho rằng: bất kỳ một trải nghiệm nào trong giấc mơ cũng gắn liền với cảm xúc.


Nếu gặp phải điều gì đó quá đau buồn và ta không muốn nhớ đến, bộ não sẽ “tái cấu trúc” lại bằng cách áp đặt một trải nghiệm mới thay thế cho trải nghiệm cũ ta trải qua.




Ví dụ như một người đang gặp bế tắc trong công việc thì trong giấc mơ, anh ta sẽ mơ thấy mình đang đi trong một mê cung không có đường ra. Tuy đều mang đến cảm xúc bế tắc nhưng điều này sẽ giúp người đó giảm bớt áp lực với vấn đề của mình.



Càng nhiều vấn đề và cảm xúc, giấc mơ càng nhiều, phức tạp hơn. Như vậy, giấc mơ chỉ đơn thuần là một kết nối được tạo nên để liên kết và tái cấu trúc những cảm xúc của mình. Có thể đây là một sự tiến hóa của tổ tiên chúng ta nhằm đối phó với những chấn thương về mặt tinh thần mà họ không tài nào giải quyết được.

Dù rằng giấc mơ đôi khi rất kỳ lạ nhưng nó cũng có một vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới suy nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên, vẫn có một điều mà chưa ai giải thích được hoàn toàn, giấc mơ là một sự tiến hóa, hay đơn thuần chỉ là một sự ngẫu nhiên mà thôi.

Lý giải theo nghiên cứu khoa học

Xuất phát từ cõi vô thức

GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, nguyên viện trưởng Viện Văcxin, tác giả cuốn sách "Chúng ta là ai", "Khoa học và vấn đề tâm linh"... cho biết, cơ thể gồm 7 cấu phần: Cơ thể vật lý, cơ thể năng lượng, cơ thể cảm xúc và 4 cơ thể tâm thần (linh cảm - nhân quả - trí tuệ - tinh thần).

Trong 7 cấu phần này chỉ có cơ thể vật lý là hữu hình, 6 cấu phần khác là vô hình. Tuy nhiên, tất cả 7 phần đều là vật chất thuộc 7 trạng thái khác nhau của vật chất.

Trong vài thập kỷ gần đây, các nhà y học Tây phương cũng vào cuộc nghiên cứu phần vô hình của cơ thể con người với mục tiêu làm sáng tỏ những lực nào, cấu trúc nào đứng đằng sau các khả năng đặc biệt của con người, đằng sau hiện tượng ngoại cảm, linh cảm, bệnh tâm thần, tâm thể... và người ta thấy rằng, giấc mơ là biểu hiện của cõi vô thức.

Theo học thuyết vô thức của Freud, nội dung mộng mị là những thông tin xuất phát từ cõi vô thức. Tùy theo tầm quan trọng của giấc mơ mà người ta nhớ hoặc quên đi khi tỉnh dậy. Nếu giấc mơ có ý nghĩa quan trọng người ta nhớ rành rọt và theo đó để hành động.

Sở dĩ người ta nhớ được giấc mơ là vì các thông tin được truyền tải qua một cầu nối từ cõi vô thức sang cõi hữu thức và được đưa vào bộ nhớ. Khi cầu này đóng thì giữa vô thức và hữu thức không còn liên lạc.

Vì thế mà ý thức không liên lạc được với vô thức thường xuyên. Phần vô thức hoạt động theo quy luật đặc biệt của nó. Trong đời người ta vô thức hoạt động nhiều hơn hữu thức.

Khi người ta ngủ rất sâu và thấy những cảnh tượng lạ lùng là khi não làm việc ở nhịp Teta 8 - 5 nhịp/giây. Khi hôn mê bất tỉnh não làm việc ở nhịp Delta - ứng với tần số dưới 5 nhịp/giây. (ảnh minh họa)

Theo GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện ra quy luật hoạt động của vô thức để giải mã các giấc mơ.

Theo đó, bảng điện não đồ khoa học đã chứng minh được sự phụ thuộc của trạng thái ý thức vào nhịp sinh học của sóng não.

Lúc người ta thức và hoạt động bình thường là lúc não làm việc ở nhịp sóng Beta, tương đương tần số 25 - 12 nhịp/giây. Khi người ta nhắm mắt lại hoặc khi ngủ và chiêm bao là khi não chuyển sang làm việc ở nhịp Alfa, tương đương tần số 12 - 8 nhịp/giây.

Khi người ta ngủ rất sâu và thấy những cảnh tượng lạ lùng là khi não làm việc ở nhịp Teta 8 - 5 nhịp/giây. Khi hôn mê bất tỉnh não làm việc ở nhịp Delta - ứng với tần số dưới 5 nhịp/giây.

Theo dõi một cách có hệ thống người ta thấy một người đi vào giấc ngủ nhịp sóng não chậm dần lại, chuyển tuần tự từ nhịp Beta sang Alfa, Teta, Delta rồi chuyển theo trật tự ngược lại cho đến nhịp Alfa.

Cứ như thế trong một thời gian khoảng 8 tiếng ngủ đêm, chu kỳ ấy lặp lại 7 - 8 lần và do đó có thể thấy chiêm bao 7 - 8 lần trong 1 đêm với nội dung khác nhau hoặc có thể lặp đi lặp lại một giấc mơ quan trọng khi não ở nhịp Alfa.

Nếu tính gộp thời gian nhịp Delta trong một đêm ngủ kéo dài từ 30 - 90 phút, nhịp Teta từ 30 - 60 phút. Thời gian còn lại não làm việc ở nhịp Alfa khoảng 360 phút. Những người rèn luyện khả năng ngoại cảm của mình đã sử dụng phương pháp chủ động làm thay đổi nhịp sinh học của sóng não để đạt được trạng thái biến đổi của ý thức.

Giải tỏa các hoạt động của não bộ

Lý giải cho sự hình thành những giấc mơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết: Một số người lý luận rằng, giấc mơ là sự "tuôn trào" của những hoạt động thần kinh mà chúng ta trải qua vào ban ngày.

Lại có những ý kiến cho rằng giấc mơ chính là biểu hiện của những suy nghĩ trong tiềm thức con người. Thực ra, giấc mơ là thể hiện quá trình hoạt động của não bộ. Não bộ là một kênh thông tin thu nhập vô vàn các thông tin khác nhau và xử lý chúng.

Giấc mơ được chia làm 3 loại: Giấc mơ tiềm thức, giấc mơ tiên tri và giấc mơ báo mộng, trong đó giấc mơ tiềm thức là chính.

Đây là giấc mơ đưa lại các thông tin trong quá khứ hoặc ban ngày được lưu giữ trong não dưới dạng tiềm thức thành một mớ lộn xộn, lằng nhằng được kìm nén dưới dạng các biểu tượng.

Khi ngủ, chúng ta tái hiện lại để giải tỏa các hoạt động bình thường trồi lên trồi xuống của não bộ. (ảnh minh họa)

Khi ngủ, chúng ta tái hiện lại để giải tỏa các hoạt động bình thường trồi lên trồi xuống của não bộ.

Giấc mơ tiên tri là giấc mơ nhìn thấy trước tương lai, có tính chất dự báo chẳng hạn như giấc mơ của Mendeleev đã giúp ông sắp sếp các nguyên tố để hoàn thành bảng tuần hoàn Mendeleev.

Hay giấc mơ của Lomonosoy về cái chết của cha mình, xác ông dạt vào hòn đảo chứ không phải mất tích - nhờ đó mà tìm được; Hoặc Abraham Lincoln,Tổng thống Mỹ thường có nhiều giấc mơ kỳ bí trong đó ông mơ về cái chết của mình và đúng 3 ngày sau ông bị ám sát, lễ tang được tổ chức đúng như cảnh ông đã nhìn thấy trong giấc mơ.

Đặc biệt nhất là các giấc mơ báo mộng - linh cảm, thường xảy ra ở những người thân thiết, nhất là có quan hệ máu mủ.

Thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp, các chiến sĩ ra mặt trận chiến đấu, khi người thân ở nhà nằm mộng thấy, các chiến sĩ trở về "đứng lặng không nói" hoặc rất thê thảm... Một thời gian sau, người thân nhận được giấy báo tử, thời gian chiến sĩ mất thường phù hợp với thời gian được báo mộng.

Đặc biệt, hiện tượng linh cảm này, còn có thể xảy ra ngay cả khi chúng ta thức, chẳng hạn như nhà bác học Nobel trong một lần đang làm việc tại phòng thí nghiệm, ông linh cảm thấy đầu của anh mình lơ lửng bên ngoài. Mấy tiếng sau, ông nhận được tin báo: Xưởng sản xuất của người anh trai bị cháy, đầu của người anh trai bị lìa ra khỏi xác bay lên không trung.

2. Tác động của giấc mơ

Nếu như bạn tình cơ có một giấc mơ về việc trúng xổ số hay bị tai nạn, liệu bạn có sẵn sàng chuẩn bị đón nhận nó trong cuộc sống thực tại? Chắc chắn rất nhiều người sẽ gật đầu trước câu trả lời này.

Dựa trên một nghiên cứu được công bố trên Journal of Personality and Social Psychology, chúng ta biết được rằng con người không chỉ ghi nhớ và nghĩ về những giấc mơ một cách đơn giản. Trên thực tế, rất nhiều người nhìn nhận những giấc mơ là điềm báo trước cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai tùy theo cách hiểu cũng như niềm tin của mỗi người.

Trong một cuộc thử nghiệm tại Boston, 182 người phải cố tưởng tượng về 4 tình huống: mức báo động toàn quốc tăng cao; họ nghĩ về máy bay rơi; họ có giấc mơ về máy bay rơi; một chiếc máy bay mà họ dự định đặt vé thật sự rơi. Cuối cùng, kết quả thu được từ nhóm người này là tình huống khi họ mơ thấy một chiếc máy bay bị rơi ảnh hưởng đến đầu óc họ, khiến họ căng thẳng hơn 3 tình huống còn lại.

3. Ác mộng thực sự là một điềm báo


Bản thân những giấc mơ có phải là những dự báo trước cho tương lai không còn là điều sẽ phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, những cơn ác mộng thực sự là một điềm báo đối với chúng ta.


Những cơn ác mộng thường là nguyên nhân khiến cho con người gào, thét, đấm đá, quẫy đạp, khóc lóc trong khi ngủ thậm chí là vài chục phút sau khi bừng tỉnh. Những giấc mơ dẫn đến hành vi bạo lực như vậy là một dấu hiệu xấu, cảnh báo chúng ta về một điểm sai lệch, hỏng hóc nào đó đang xảy ra trong tâm trí, não bộ bao gồm cả bệnh parkinson lẫn chứng mất trí, tâm thần phân liệt.

Trong một nghiên cứu được công bố vào 28/7/2010 trên tạp chí Neurology, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những giai đoạn đầu của những bệnh về não bộ có thể được nhận biết và đã xảy ra rất lâu trước khi được bác sỹ hay chính bản thân người bệnh có thể phát hiện ra.

4. Thức khuya - Ngủ sớm có thể ảnh hưởng đến những giấc mơ


Thức đêm và ngủ ngày mà rất nhiều người muốn làm và tự hào vì việc mình là một “cú đêm”. Tuy nhiên, những giấc mơ của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu bạn là một người thích hoạt động trong sự tĩnh mịch của màn đêm. Trong một bài viết trên tạp chí Sleep and Biological Rhythms, những nhà khoa học đã chỉ ra rằng những “cú đêm” thường gặp ác mộng hơn so với những người ngủ sớm.


Mặc dù những nhà nghiên cứu không thể hiểu rõ vì sao những người thức đêm lại thường gặp ác mộng hơn (Ngay cả khi thời lượng ngủ trong một ngày xấp xỉ như nhau), tuy nhiên, những con số trong bảng thống kê đã cho thấy rõ điều này. Lý giải hợp lý nhất cho hiện tượng này đó là hormone cortison - loại hormone gây căng thẳng - được tiết ra đặc biệt nhiều vào buổi sáng, và nếu như bạn đang trải qua giai đoạn ngủ chưa sâu vào thời điểm này, bạn sẽ dễ gặp phải những cơn ác mộng.

5. Những giấc mơ giúp trí não giải quyết rắc rối

Điều này gần giống với lý giải về tại sao có giấc mơ trong phần 1 tôi đã nói.

Đôi khi, bạn gặp rắc rối, những vấn đề hóc búa trong cuộc sống và vào một sáng đẹp trời, bạn giật mình thức giấc với câu trả lời vừa tìm thấy được trong giấc mơ.

Theo nhà tâm lý học tại đại học Harvard, bà Deirdre Barrett, những giờ chìm đắm trong giấc ngủ có thể giúp chúng ta tìm thấy lời giải cho những câu hỏi mà dưới ánh sáng ban ngày, chúng ta không thể tìm ra. Theo bà, chính thế giới phi logic trong giấc mơ là một khu vực lý tưởng giúp đầu óc chúng ta có thể hoạt động. Trong giấc mơ, đầu óc của con người không còn bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản nào nữa và có thể vượt qua được những giới hạn mà ban ngày chúng ta không thể bước qua nổi.

Suy cho cùng, mặc dù trong giấc mơ, bộ não vẫn hoạt động nhưng giấc ngủ và những giấc mơ lại là điều kiện cần thiết để bộ não có thể nạp năng lượng, thư thái hơn và giúp chúng ta sẵn sàng giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Có lẽ, chính vào thời điểm này, khi bộ não vẫn còn tích đủ năng lượng, con người mới có khả năng suy nghĩ và lập luận một cách tốt nhất.

6. Giấc mơ của phụ nữ và đàn ông

Theo nhà tâm lý học Jennie Parker tại Đại học West of England, đàn ông thường xuyên có những giấc mơ về tình dục hơn, trong khi đó, phụ nữ lại thường gặp những cơn ác mộng hơn.

Những cơn ác mộng của phụ nữ có thể được xếp thành 3 loại: những giấc mơ đáng sợ; những giấc mơ về mất mát trong tình yêu hoặc người thân mất đi; những giấc mơ khó giải thích. Không chỉ nhiều hơn về số lượng những cơn ác mộng, những giấc mơ xấu của phụ nữ cũng được đánh giá là gây ra nhiều cảm xúc tồi tệ hơn những giấc mơ cùng loại của đàn ông.


Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những giấc mơ của phụ nữ không có chứa những phần “vui vẻ”. Theo một nghiên cứu từ năm 2007 về giấc mơ, trong số 3500 giấc mơ của phụ nữ thì có khoảng 8% những giấc mơ liên quan đến vấn đề tình dục.

7. Bạn có thể điều khiển những giấc mơ



Chắc chắn không ít người từng nghe đến những giấc mơ mà trong đó, người mơ có thể điều khiển mọi hoạt động hay những yếu tố xảy ra trong giấc mơ. Những giấc mơ tỉnh (Lucid dream) là điều mà rất nhiều người muốn đạt được vì đó là những giấc mơ mà chúng ta không chỉ là người trả nghiệm mà còn là người kiến tạo ra, trong những thế giới trong mơ này, chúng ta giống như những vị thần đầy quyền năng, sức mạnh.

Vậy làm cách nào để bạn có thể có được những giấc mơ tỉnh? Bạn có thể lướt web và tìm thấy rất nhiều phương pháp để đi vào một giấc mơ tỉnh, tuy nhiên, phương pháp đơn giản nhất chính là luyện tập bộ não trong một khoảng thời gian dài để chúng ta có thể điều khiển được thế giới ảo này.

8. Tại sao chỉ một số người nhớ được giấc mơ của mình?

Giới nghiên cứu vừa khám phá ra việc chúng ta lưu trữ các giấc mơ và tại sao một số người không bao giờ có thể nhớ lại giấc mơ của họ vào sáng hôm sau.

Một nhóm nhà khoa học Pháp do chuyên gia Perrine Ruby thuộc Trung tâm nghiên cứu thần kinh học Lyon dẫn đầu, phát hiện có 2 loại người ngủ mơ và chỉ một trong hai loại người này có thể nhớ lại được những giấc mơ của họ vào sáng hôm sau. Họ đã nghiên cứu hoạt động não của cả 2 loại người ngủ mơ để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa họ.

Nhóm nghiên cứu khám phá thấy rằng, vùng giữa vỏ não trước trán (mPFC) và nơi tiếp giáp giữa thuỳ đỉnh và thuỳ thái dương (TPJ), một trung tâm xử lý thông tin ở bộ não, liên quan đến sự định hướng chú ý trước các kích thích từ bên ngoài, hoạt động tích cực hơn ở những người có khả năng nhớ lại giấc mơ cao. Việc tăng hoạt động ở vùng não này được cho là có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mã hóa các giấc mơ vào ký ức trong khi chúng ta ngủ.

Trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Neuropsychopharmacology, các tác giả viết, những người có khả năng hồi tưởng lại giấc mơ cao có số lần tỉnh thức trong khi ngủ cao gấp 2 lần những người còn lại. Bộ não của họ cũng phản ứng mạnh hơn đối với các kích thích thính giác trong giấc ngủ và khi tỉnh táo.

Sự tăng phản ứng não như trên có thể thúc đẩy hành vi tỉnh thức vào ban đêm, và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ghi nhớ các giấc mơ trong giai đoạn tỉnh táo ngắn ngủi. "Trong thực tế, bộ não đang ngủ không có khả năng ghi nhớ thông tin mới. Nó cần phải được đánh thức để có khả năng làm việc đó", nhà nghiên cứu Ruby giải thích thêm.

Trong các nghiên cứu trước đây, nhà tâm lý học thần kinh Nam Phi Mark Solms từng quan sát được rằng, các thương tổn ở 2 vùng não mPFC và TPJ đã dẫn tới việc chấm dứt sự gợi nhớ các giấc mơ.

Phát hiện của các chuyên gia Pháp ám chỉ có sự khác biệt về về việc ghi nhớ giấc mơ giữa 2 loại người ngủ mơ. Các nhà nghiên cứu nhận định thêm rằng, có thể những người có khả năng gợi nhớ giấc mơ cao cũng mơ nhiều hơn những người còn lại.

9. Một số nghiên cứu thú vị khác về giấc mơ

REM - Giai đoạn hình thành giấc mơ


Giấc mơ là sự tiếp nối các hình ảnh đi qua tâm trí con người trong khi ngủ. Ảnh: Enviroment.

Giấc ngủ của con người bao gồm sáu giai đoạn độc lập với nhau, gồm 4 giai đoạn non-REM (không có chuyển động mắt nhanh), 1 giai đoạn REM (chuyển động mắt nhanh) và cuối cùng là giai đoạn thức. Giấc mơ sống động nhất xảy ra trong giai đoạn REM của giấc ngủ- thời điểm mí mắt nhấp nháy rất nhanh.

Một người bình thường sẽ có giấc ngủ với 25% là các giai đoạn REM, và 75 % còn lại của giấc ngủ là non-REM. Một giai đoạn REM kéo dài từ 5 đến 30 phút. Trong một đêm có khoảng 4 đến 5 chu kì của giấc ngủ REM. Các chuyển động của mắt ở giai đoạn này có liên quan tới sóng PGO (Ponto-geniculo-occipital) và được tạo ra bởi nhân cầu não cùng các thành phần chính của não giữa ở động vật có xương sống. Trong giai đoạn này, hô hấp và nhịp tim tăng, dẫn đến hoạt động của não tăng lên, cơ bắp giãn ra và có sự thay đổi trong hệ thống nơ ron thần kinh.

Giấc mơ xảy ra ở tất cả các loài vật?

Mỗi loài vật khác nhau sẽ có sự hình thành giấc ngủ khác nhau. Đến nay, các nhà khoa học cho biết, REM xảy ra ở tất cả các loài động vật có vú. Chẳng hạn như cá heo có một số giai đoạn giấc ngủ REM, trong suốt thời gian bơi vòng tròn chậm, chúng cho phép một nửa bộ não ngủ tại một thời điểm.


Mỗi loài vật khác nhau sẽ có sự hình thành giấc ngủ khác nhau. Ảnh: Enviroment.

Loài bò sát - tổ tiên của các loài chim và động vật có giấc ngủ REM hay không?

Câu trả lời có lẽ là không, bởi bò sát không có sự phát triển não bộ như động vật có vú và cũng không có một tân vỏ não - lớp ngoài của não. Do vậy, chúng không trải qua giấc ngủ REM. Và ngay cả nếu có, nó sẽ rất khác so với động vật có vú. Điều này sẽ được làm sáng tỏ khi có nhiều nghiên cứu hơn từ các nhà khoa học trong tương lai về lĩnh vực trên.

Ai mơ nhiều nhất?

Các nghiên cứu chỉ ra trong thời thơ ấu giấc ngủ REM chiếm tỷ lệ lớn. Một người càng trưởng thành sẽ có càng ít giấc mơ hơn so với người chưa trưởng thành.

Bên cạnh đó, dù chúng ta mơ rất nhiều trong một đêm, nhưng chỉ 5 phút sau khi tỉnh dậy, 50% các giấc mơ bị quên lãng và 10 phút tiếp theo, 90-95% các giấc mơ sẽ biến mất khỏi trí nhớ.


Những người hay mơ mộng, bay bổng, giàu trí tưởng tượng dễ mơ hơn những người khác. Ảnh: Enviroment.

Mèo, chó, lợn…đương nhiên cả con người đều mơ, song gấu túi và dơi nâu mới là những “vua mơ”, đơn giản là vì chúng ngủ rất nhiều (khoảng 20 giờ một ngày). Ngược lại, có những loài động vật như hươu cao cổ, voi, hoẵng mơ rất ít bởi chúng ngủ chỉ khoảng 3-4 giờ một ngày.

Điều thú vị nhất về những giấc mơ là thời khắc thoáng qua khi bạn đang ở giữa trạng thái ngủ và thức, khi bạn không biết sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng và khi khoảnh khắc bạn cảm nhận những điều mơ thấy là hiện thực và nó thực sự đã xảy ra.

Lời kết

Đó là tất cả những gì bạn cần biết về giấc mơ của mình. Đêm qua bạn mơ gì? Còn điều gì bạn muốn thắc mắc về giấc mơ của mình không? Hãy comment để chúng ta cùng thảo luận nhé!
Giải mã những điều chưa biết về giấc mơ
  • Title : Giải mã những điều chưa biết về giấc mơ
  • Posted by :
  • Date : 8:54 AM
  • Labels :
  • Views:
  • Facebook Comments
  • Blogger Comments

0 comments :

Post a Comment

Top