Chương 8
Camilla
Tôi không có ý định góp tay giết con trai tôi.
Chỉ đọc những từ đó thôi cũng đủ thấy lạ lùng rồi - giống như thứ ta có thể nhìn thấy trên một trang bìa báo, hoặc trên một trong những loại tạp chí giật gân mà cô gái giúp việc đó vẫn thường để thò ra ngoài túi xách, với đầy rẫy những câu chuyện về những người phụ nữ có con gái trốn nhà theo lũ người tình lừa đảo hay chuyện về hiện tượng giảm cân thần kỳ và chuyện những đứa trẻ sơ sinh hai đầu.
Tôi không phải kiểu người phải đón nhận những chuyện thế này. Hoặc ít nhất, tôi nghĩ là như vậy. Cuộc đời tôi gần giống như một công thức - một cuộc đời bình thường, theo những tiêu chuẩn hiện đại. Tôi kết hôn được gần ba mươi bảy năm, tôi nuôi lớn hai con, tôi vẫn đi làm, hỗ trợ công việc ở trường, trong hội Phụ huynh và Giáo viên, rồi vào làm việc trong tòa án khi các con không còn cần tôi nữa.
Đến giờ tôi đã là một thẩm phán được gần mười một năm. Tôi quan sát tất thảy đời người đi qua tòa án của tôi: những người lang thang vô vọng không đủ sức lết mình đến cuộc hẹn ở tòa đúng giờ, những kẻ phạm tội nhiều lần, những cậu thanh niên hung hãn, xấc xược và những người mẹ tuyệt vọng, ngập trong nợ nần. Rất khó có thể giữ bình tĩnh và thông cảm khi ta nhìn thấy cùng những gương mặt đó, cùng những tội lỗi đó được thực hiện đi thực hiện lại nhiều lần.
Đôi khi tôi có thể nghe thấy sự mất kiên nhẫn trong giọng nói của tôi. Sự khước từ tuyệt đối dù chỉ là cố gắng thực hiện nghĩa vụ làm người sao cho có trách nhiệm quả là một điều vô cùng đáng buồn.
Và thị trấn nhỏ của chúng tôi, bất chấp vẻ đẹp của tòa lâu đài, của những dãy nhà cổ kính lâu đời, những con đường đồng quê tuyệt mỹ, cũng không thể miễn nhiễm khỏi tội ác. Quảng trường Regency ở đây luôn quy tụ đám thanh niên nổi loạn, những ngôi nhà lợp lá che giấu tiếng những người chồng đánh đập vợ con.
Đôi khi tôi thấy mình giống Vua Canute, đưa ra những lời tuyên án vô nghĩa đối với một cơn thủy triều của những hỗn loạn và sự tha hóa từng ngày. Nhưng tôi yêu công việc của mình. Tôi làm công việc này bởi vì tôi tin vào kỷ cương, tin vào một hệ thống đạo đức.
Tôi tin rằng có sự tách bạch cái đúng và cái sai, một quan điểm cũ kỹ hết mức.
Tôi vượt qua được những ngày khó khăn trong cuộc sống là nhờ có khu vườn. Khi bọn trẻ lớn, khu vườn gần như đã trở thành mối quan tâm thường trực của tôi. Tôi có thể đọc cho bạn nghe tên Latin của hầu hết mọi loại cây mà bạn muốn biết. Điều đáng buồn cười là, tôi thậm chí còn chưa được học tiếng Latin ở trường - trường tôi là một ngôi trường công nhỏ bé dành cho nữ sinh, tập trung chủ yếu vào dạy nấu ăn và khâu vá, những công việc giúp chúng tôi trở thành người vợ tốt - nhưng tên của những loại cây đó lại cứ găm chặt vào đầu tôi. Tôi chỉ cần nghe một lần là nhớ mãi: Helleborus niger (Cây bông hồng Giáng sinh), Eremurus stenophyllus (Hoa eremurus vàng xanh), Athyrium niponicum (Cây dương xỉ Nhật Bản). Tôi có thể nhắc lại những cái tên đó với sự trôi chảy mà tôi chưa bao giờ có với bài học ở trường.
Người ta nói rằng phải tới một ngưỡng tuổi nào đó bạn mới thật sự quan tâm đến khu vườn, tôi nghĩ điều đó có phần đúng. Có lẽ chuyện này liên quan đến vấn đề vòng đời chung. Dường như có điều gì đó thật kỳ diệu khi cảm nhận niềm lạc quan vô bờ của những mầm xanh vươn lên sau mùa đông ảm đạm, một niềm vui sướng với sự đổi thay qua từng năm, con đường mà tự nhiên lựa chọn để làm nổi bật từng mảnh khác nhau để tôn lên vẻ hoàn mỹ nhất của khu vườn.
Đã có những thời gian - những thời gian khi hôn nhân của tôi dường như nặng nề hơn tôi tưởng - khu vườn đã là nơi nương náu, những thời gian khi khu vườn trở thành niềm vui.
Cũng có những lúc khu vườn này, nói một cách chân thực, là một nỗi đau trong tôi. Chẳng có gì có thể tuyệt vọng hơn khi trồng một bờ giậu mới mà phải thấy nó không tốt tươi nổi, hay khi nhìn một hàng tỏi tây tuyệt đẹp bị đám côn trùng phá nát sau một đêm. Nhưng ngay cả khi tôi than thở về thời gian và công sức bỏ ra để chăm sóc vườn, về những khớp xương chống đối lại buổi chiều dài nhổ cỏ, hay về những chiếc móng tay chẳng bao giờ thật sự sạch sẽ, tôi vẫn yêu nó. Tôi yêu cảm giác thảnh thơi trong cơ thể khi ở ngoài trời, hương vị của khu vườn, cảm giác chạm vào đất dưới ngón tay tôi, niềm vui sướng khi nhìn thấy cây cỏ sinh động, tươi sáng, rạng rỡ với vẻ đẹp viên mãn nhất thời của chính chúng.
Sau tai nạn của Will suốt một năm tôi không làm vườn. Đó không chỉ là vấn đề thời gian, mặc cho những giờ dài không dứt trong bệnh viện, những lúc lái xe chạy tới chạy lui, và những cuộc hội chẩn - ôi Chúa ơi, những cuộc hội chẩn - đã ngốn mất bao nhiêu thời gian. Tôi phải nghỉ việc sáu tháng vì hoàn cảnh đặc biệt và chừng đó vẫn còn là chưa đủ.
Mà đó là bởi đột nhiên tôi không còn tìm được ý nghĩa trong việc làm vườn.
Tôi thuê một người làm vườn đến chăm sóc cho khu vườn gọn gàng và tôi không nghĩ tôi đã dành cho khu vườn nhiều hơn những cái nhìn thoáng qua trong suốt gần một năm.
Chỉ đến khi đưa Will về nhà, khi khu nhà phụ đã được chỉnh sửa thích hợp, tôi mới lại tìm ra ý nghĩa của việc làm đẹp khu vườn. Tôi cần phải cho con trai tôi một cái gì đó để ngắm nhìn. Tôi cần phải âm thầm nói với nó rằng mọi thứ có thể thay đổi, sinh trưởng hay lụi tàn, nhưng cuộc đời vẫn tiếp tục. Rằng tất cả chúng ta đều chỉ là một phần của vòng đời chung, của tạo hóa mà chỉ có ý Chúa mới hiểu được. Tôi không thể nói bằng lời với con điều đó, dĩ nhiên rồi - trước nay Will và tôi chưa bao giờ nói chuyện nhiều với nhau - nhưng tôi muốn chỉ cho nó thấy. Một lời hứa hẹn thầm lặng, cứ cho là thế, rằng có một viễn cảnh lớn lao hơn, một tương lai tươi sáng hơn.
Steven đang đẩy củi vào lò sưởi. Ông khéo léo gạt những thanh củi cháy dở bằng que cời, hất những tàn lửa lấp lánh bay lên ống khói rồi bó một khúc gỗ mới vào giữa lò. Ông đứng lùi lại - ông luôn làm thế - để ngắm nhìn ngọn lửa đang cháy với sự mãn nguyện âm thầm, rồi quẹt hai bàn tay vào chiếc quần nhung. Ông quay lại khi tôi bước vào phòng. Tôi mang cho ông một ly nước.
“Cảm ơn em. George xuống chưa?”
“Chắc là chưa.”
“Nó đang làm gì vậy?”
“Xem ti-vi trên lầu. Nó không muốn nói chuyện. Em cũng không hỏi.”
“Nó sẽ khỏe lên thôi. Chắc đang mệt sau chuyến bay dài.”
“Em hy vọng là vậy, Steven. Nó không hạnh phúc lắm khi ở nhà thời điểm này.”
Hai chúng tôi đứng lặng lẽ nhìn lò lửa. Xung quanh chúng tôi, căn phòng u tối và tĩnh mịch, khung kính cửa sổ rung lạch cạch khe khẽ khi mưa gió thổi tạt vào.
“Thật là một buổi tối rét mướt.”
“Vâng.”
Con chó chạy vào phòng, thở phì một tiếng rồi nằm phịch xuống trước lò sưởi, tha thiết nhìn cả hai chúng tôi từ chỗ nó nằm.
“Em nghĩ thế nào?” ông nói. “Về mái tóc gọn gàng đó.”
“Em cũng không biết nữa. Em mong rằng đó sẽ là một dấu hiệu tốt.”
“Cô Louisa đó cũng khá cá tính đấy, phải không?”
Tôi nhìn cách chồng tôi mỉm cười với chính ông. Chẳng phải cô ta cũng vậy sao, tôi thấy mình suy nghĩ thế, rồi tự dập tan ý nghĩ ấy đi.
“Vâng. Đúng vậy, em nghĩ cô ấy khá cá tính.”
“Em có nghĩ cô ấy là người thích hợp?”
Tôi uống một ngụm nước trước khi trả lời. Hai đốt ngón tay rượu gin, một lát chanh và thật nhiều tonic. “Ai biết được chứ anh?” tôi nói. “Em không nghĩ em còn biết cái gì là phù hợp, cái gì là không phù hợp một chút nào nữa.”
“Will thích cô ấy. Anh chắc chắn là nó thích con bé. Tối hôm trước khi anh và nó nói chuyện trong lúc xem bản tin, anh thấy nó đã nhắc đến con bé hai lần.
Trước đây nó chưa bao giờ làm vậy cả.”
“Vâng. Phải. Nhưng em vẫn không thể làm tăng thêm hy vọng của anh được.”
“Em có nhất thiết phải như vậy không?”
Steven quay lại từ lò lửa. Tôi có thể thấy ông đang nhìn tôi dò xét, có thể ông nhận ra những nếp nhăn mới quanh mắt tôi, hay cách tôi mím môi vì căng thẳng trong lúc này. Ông nhìn cây thánh giá bằng vàng nhỏ bé luôn luôn nằm trên cổ tôi. Tôi không thích khi ông nhìn tôi như vậy. Tôi không bao giờ thoát được cảm giác đang bị so sánh với một ai đó.
“Em chỉ muốn thực tế thôi.”
“Em nói như thể... em nói như thể em đã sẵn sàng chờ đợi điều đó xảy ra.”
“Em hiểu con trai em.”
“Con trai chúng ta.”
“Phải. Con trai chúng ta.” Con trai em thì đúng hơn, tôi thấy mình đang nghĩ vậy. Anh chưa bao giờ thật sự ở bên nó. Không bên nó về phương diện tình cảm. Dù nó có nỗ lực gây ấn tượng thế nào thì anh vẫn rất xa xôi.
“Nó sẽ thay đổi ý định,” Steven nói. “Từ giờ đến lúc đó vẫn còn nhiều thời gian.”
Chúng tôi đứng yên. Tôi uống một ngụm nước, dòng nước đá mát lạnh tương phản với hơi ấm phả ra từ lò sưởi.
“Em vẫn nghĩ...” tôi nói, chằm chằm nhìn vào bếp lò. “Em vẫn nghĩ là em đang mất một cái gì đó.”
Chồng tôi vẫn quan sát tôi. Tôi có thể cảm thấy ông nhìn tôi trân trối nhưng tôi không nhìn lại. Có lẽ lúc đó ông ấy đã có thể chìa tay ra vỗ về tôi. Nhưng tôi nghĩ có lẽ chúng tôi chắc đã quá xa nhau để làm được như vậy.
Ông uống một ngụm nước. “Em chỉ có thể làm những điều em làm được thôi, em yêu.”
“Em hiểu điều đó lắm chứ. Nhưng như thế là chưa đủ, đúng không?”
Ông quay lại phía lò sưởi, gạt gạt một thanh củi dù không cần thiết cho mãi tới khi tôi quay người lặng lẽ rời khỏi căn phòng.
Vì ông biết trước tôi sẽ làm như vậy.
Khi Will lần đầu tiên nói với tôi về điều nó muốn, nó đã phải nói đi nói lại hai lần, bởi vì tôi đã không chắc tôi nghe chính xác điều nó nói vào lần đầu tiên.
Tôi gần như câm lặng khi hiểu ra điều nó muốn, sau đó tôi bảo nó rằng nó thật quá nực cười rồi tôi đi thẳng ra khỏi phòng. Đi tránh được khỏi một người ngồi trên xe lăn quả là một lợi thế bất công. Có hai bậc cấp từ khu nhà phụ sang nhà chính, nếu không có sự giúp đỡ của Nathan nó không thể vượt qua đó được. Tôi đóng cửa nhà phụ lại rồi đứng một mình trên hành lang, văng vẳng bên tai là những lời điềm tĩnh mà cậu con trai vừa nói.
Tôi nghĩ mình đã không nhích chân trong suốt nửa tiếng đồng hồ.
Nó không chịu từ bỏ điều đó. Với con người của Will, nó luôn phải là người đưa ra quyết định. Lần nào tôi vào gặp, nó cũng nhắc lại lời yêu cầu đó cho dến khi từng ngày tôi phải làm tinh thần cho mình trước khi tới chỗ nó. Mẹ, con không muốn sống như thế này nữa.
Đây không phải là cuộc sống con đã chọn.
Không có triển vọng nào cho sự phục hồi của con, vì thế mong muốn được kết thúc tất cả theo cách mà con thấy phù hợp là một mong muốn hoàn toàn hợp lý.
Nghe nó nói, tôi có thể tưởng tượng rõ ràng trông nó như thế nào trong những cuộc đàm phán thương mại, công việc đã khiến nó giàu sang và kiêu hãnh. Rốt cuộc, nó là người đã quen được người khác nghe lời. Nó không thể chịu đựng được việc theo một cách nào đó tôi có quyền năng điều khiển tương lai của nó, một cách nào đó tôi lại trở thành mẹ nó.
Nó đã phải rất nỗ lực để khiến tôi đồng ý. Không phải vì tín ngưỡng của tôi nghiêm cấm điều đó - mặc dù viễn cảnh Will bị đẩy vào địa ngục vì sự tuyệt vọng của chính nó thật vô cùng khủng khiếp. (Tôi chọn niềm tin rằng Đức Chúa, Đức Chúa lòng lành, có thể thấu hiểu nỗi đau của chúng tôi và tha thứ lỗi lầm cho chúng tôi.)
Một điều mà ta không bao giờ hiểu về chuyện làm mẹ, cho tới khi ta thực sự làm mẹ, đó là khi nhìn con, ta không chỉ thấy một người đàn ông trưởng thành - đứa con ngỗ ngược, râu ria bồm xồm, hôi hám, cứng đầu cứng cổ - với giấy phạt đỗ xe, giày dép cáu bẩn, chuyện yêu đương đầy ngang trái. Mà là, ta thấy hình hài nó qua từng năm tháng cuộc đời gói trong con người nó lúc này.
Khi nhìn Will tôi thấy đứa trẻ sơ sinh mà tôi đã bế trên tay, mụ cả người, không tin nổi mình đã tạo ra một con người khác. Tôi thấy đứa trẻ lên ba, với tay để nắm lấy tay tôi, thấy cậu học sinh đang lau những giọt nước mắt ấm ức sau khi bị mấy đứa trẻ khác ăn hiếp. Tôi nhìn thấy những tổn thương, tình yêu, quá khứ. Đó là những gì mà con tôi yêu cầu tôi phải hủy hoại - cả đứa trẻ con lẫn người đàn ông trưởng thành - tất cả tình yêu thương đó, tất cả quá khứ đó.
Rồi sau đó đến ngày 22 tháng Giêng, một ngày mà tôi đang bận túi bụi ở phòng xử án với việc gọi vào tòa một danh sách bất tận những tên ăn trộm và những tay tài xế không có bảo hiểm, những cặp vợ chồng cũ đang giận dữ khóc lóc. Steven đi vào khu nhà phụ thì thấy con trai chúng tôi lịm đi, đầu ngả sang tay ghế, một vũng máu đen nhầy nhụa quanh chiếc xe lăn. Nó phát hiện ra một chiếc đinh rỉ
dài chừng một phân nhô ra từ một tấm ván đóng sơ sài ở hành lang phía sau nên đã ấn cổ tay vào đó, day đi day lại cho đến khi da thịt bị cắt rách bươm. Đến tận hôm nay tôi vẫn không thể hiểu nổi ý chí nào đã khiến nó kiên trì làm như vậy, dù chắc chắn nó đã sắp ngất vì đau. Các bác sĩ khẳng định nó chỉ cách cửa tử thần chưa đầy hai mươi phút.
Đó không phải là hành động để kêu gọi sự quan tâm, họ lưu ý gia đình với lời nói giảm vô cùng tế nhị.
Khi các bác sĩ ở bệnh viện gọi về nói với tôi rằng Will còn sống, tôi đã chạy ra vườn và nổi giận. Tôi nổi giận với Chúa, với tạo hóa, với số phận nào đó đã đẩy gia đình tôi đến vực thẳm như thế này. Giờ đây khi nhìn lại tôi nghĩ chắc lúc ấy mình rất giống người điên. Tôi đứng trong vườn vào buổi đêm lạnh giá đó, ném mạnh ly rượu brandy xa dăm mét văng vào bụi cây Euonymus compactus (chỉ suốt), rồi gào thét dữ dội đến nỗi tiếng tôi phá lan không khí, đâm vào những bức tường của lâu đài và vang vọng ra xa. Tôi vô cùng giận dữ, bạn thấy đấy, tất cả mọi thứ xung quanh tôi đều có thể di chuyển, nghiêng uốn, trưởng thành và sinh sản, vậy mà con trai tôi - cậu bé đẹp đẽ, tài năng, đầy sức sống của tôi - lại chỉ là một thứ như thế. Không thể di chuyển, tàn héo, đầy vết máu, đau đớn. Vẻ đẹp của cây cối xung quanh giống như một sự khiêu khích.
Tôi gào thét và gào thét rồi chửi thề - những từ ngữ mà tôi chưa từng biết là mình có biết - cho đến khi Steven bước ra và đứng đó, đặt hai tay lên vai tôi, chờ đợi cho tới lúc ông có thể chắc chắn là tôi sẽ im lặng trở lại.
Ông ấy không hiểu, bạn biết đấy. Ông ấy vẫn chưa nhận ra. Rằng Will sẽ làm lại. Rằng chúng tôi sẽ phải sống trong tình trạng cảnh giác triền miên, chờ đợi lần tiếp theo, chờ đợi để chứng kiến xem nó tự làm tổn thương bản thân rùng rợn đến mức nào. Chúng tôi sẽ phải nhìn thế giới qua đôi mắt của Will - những chất độc tiềm tàng, những vật thể sắc nhọn, những thứ đồ sáng chế mà với chúng Will có thể kết thúc công việc mà kẻ lái mô-tô khốn kiếp đó đã khởi đầu. Cuộc sống của chúng tôi sẽ phải co lại, chỉ còn nghĩ tới sự tiềm tàng của hành động duy nhất đó. Thế là nó lại càng có lợi thế - nó chẳng còn gì khác để nghĩ tới nữa, bạn hiểu không?
Hai tuần sau đó tôi nói với Will, “Thôi được rồi.”
Dĩ nhiên là tôi phải làm vậy.
Tôi còn có thể làm gì khác được nữa chứ?
-------------
>> Xem tiếp: Chương 9
0 comments :
Post a Comment