Ads

TIN MỚI NHẤT

Wednesday, June 1, 2016

Đọc truyện Trước Ngày Em Đến - Jojo Moyes - Online - Chương 25


Chương 25


Katrina

Trong vòng ba mươi sáu tiếng kể từ khi trở về từ kỳ nghỉ, Louisa không ra khỏi phòng. Chị từ sân bay về vào chiều muộn ngày Chủ nhật, nhợt nhạt như bóng ma dù làn da rám nắng - và thoạt đầu chúng tôi không hiểu vì sao, khi chị nói chắc chắn rằng chị sẽ gặp chúng tôi ngay sáng thứ Hai. Con chỉ cần ngủ

thôi, chị nói, rồi nép mình trong phòng và nằm bẹp trên giường. Chúng tôi cũng nghĩ trông chị hơi lạ, nhưng chúng tôi biết làm gì được chứ? Nói cho cùng từ lúc sinh ra, Lou đã lạ tính lạ nết rồi.

Sáng thứ Hai, mẹ pha một tách trà nhưng Lou không động đến. Tới bữa tối, mẹ lo lắng lên lay chị, kiểm tra xem chị còn sống không. (Mẹ hơi cường điệu một chút nhưng công bằng mà nói, mẹ đã làm chả cá nên có lẽ mẹ chỉ muốn đảm bảo rằng Lou không bỏ lỡ nó).
Nhưng Lou không ăn, không nói mà cũng không xuống lầu. Con chỉ muốn nằm đây một lát thôi mẹ, chị nói, đầu vẫn vùi trong gối. Cuối cùng, mẹ để chị yên.

“Nó không còn là nó nữa,” mẹ nói. “Mọi người có nghĩ đây là phản ứng muộn về chuyện với Patrick không?”

“Nó chẳng quan tâm gì tới Patrick đâu,” bố nói. “Anh đã kể với nó là Patrick gọi điện thông báo với chúng ta rằng nó về thứ 157 trong cuộc thi Viking gì đó, mà nó có thèm để ý tí nào đâu.” Bố nhấp một ngụm trà. “Thật ra cũng phải công bằng với nó, ngay cả anh cũng khó lòng thấy hào hứng với vị trí 157.”

“Anh có nghĩ con nó ốm không? Da thì rám nắng nhưng trông nó vẫn nhợt nhạt kinh khủng. Lại ngủ triền miên như thế. Chẳng giống nó tí nào. Hay nó bị một căn bệnh nhiệt đới đáng sợ nào đó.”

“Chị ấy chỉ say máy bay thôi,” tôi nói. Tôi nói với giọng cả quyết, vì vốn biết bố mẹ thường xem tôi là chuyên gia của mọi vấn đề mà không ai trong chúng tôi hiểu rõ.

“Say máy bay! Ôi, nếu đi chơi xa mà bị như thế thì bố nghĩ bố cứ ở lì trong Tenby thôi. Em nghĩ sao, Josie, em yêu?”

“Em không biết nữa... ai nghĩ được đi nghỉ lại khiến người ta mệt mỏi tới vậy?” Mẹ lắc đầu.

Sau bữa tối tôi đi lên lầu. Tôi không gõ cửa. (Rốt cuộc, nói một cách thẳng thắn thì đây vẫn là phòng tôi.) Không khí nặng nề ngột ngạt, tôi kéo mành lên và mở cửa sổ, thế là Lou bơ phờ chui ra từ dưới chăn, đưa tay che ánh sáng, bụi bay tả tơi xung quanh chị.

“Chị sẽ kể với em có chuyện gì chứ?” Tôi đặt một tách trà xuống bàn ngủ. Chị chớp mắt nhìn tôi.
“Mẹ nghĩ chị bị virus Ebola. Mẹ đang hối hả cảnh báo mấy nhà hàng xóm đã đặt vé tới câu lạc bộ Bingo ở công viên PortAventura, Tây Ban Nha.”

Chị không nói gì. “Lou?”
“Chị từ bỏ rồi,” chị nói khẽ. “Sao cơ?”
“Em nghĩ là sao nào?” Chị ngồi thẳng dậy, lóng ngóng với tách trà, nhấp một ngụm dài.

Vừa đi nghỉ hai tuần ở Mauritius mà trông chị phờ phạc không tả nổi. Mắt híp lại và đỏ hoe, da dẻ nổi nhiều tàn nhang hơn. Tóc chị vất qua một bên.

Trông chị như đã thức suốt mấy năm trời. Nhưng biểu hiện rõ ràng nhất là nỗi buồn. Tôi chưa bao giờ thấy chị buồn tới vậy. “Chị nghĩ chuyến đi này sẽ giúp anh ấy vượt qua?”
Chị gật đầu. Rồi chị nuốt vào nặng nhọc. “Chết tiệt. Ôi, Lou. Em thực sự rất lấy làm tiếc.”
Tôi bảo chị ngồi xích vào, rồi tôi trèo lên giường bên cạnh chị. Chị uống một ngụm trà nữa, rồi ngả đầu lên vai tôi. Chị đang mặc áo

phông của tôi. Tôi không nói gì về chuyện đó. Điều đó cho tôi thấy chị đang rất buồn. “Chị phải làm gì, Treen?”
Giọng chị thật nhỏ, như giọng Thomas, khi nó làm mình đau và đang cố tỏ ra dũng cảm. Bên ngoài, chúng tôi nghe thấy tiếng con chó nhà hàng xóm chạy tới chạy lui dọc hàng rào quanh vườn, đuổi theo lũ mèo nhà hàng xóm. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe thấy tiếng sủa; giờ thì đầu con chó đã ngóc qua hàng rào, hai mắt nó căng ra với vẻ thất vọng.

“Em không chắc chị có làm được gì không. Chúa ơi. Tất cả mọi thứ chị đã thay đổi cho anh ấy. Mọi nỗ lực đó...”

“Chị nói với anh ấy chị yêu anh ấy,” chị nói, giọng chị hạ xuống nghe như tiếng thì thầm. “Thế mà anh ấy bảo vậy vẫn không đủ.” Đôi mắt chị trũng sâu, hốc hác. “Làm sao chị sống nổi với chuyện này?”

Trong gia đình, tôi là người biết mọi thứ. Tôi đọc nhiều hơn bất cứ ai khác. Tôi học đại học. Tôi được cho là người có mọi câu trả lời.
Nhưng tôi nhìn chị gái tôi, rồi lắc đầu. “Em chẳng biết nữa,” tôi nói.

Ngày hôm sau, cuối cùng chị cũng xuất đầu lộ diện, tắm táp và mặc đồ sạch sẽ, và tôi bảo bố mẹ đừng nói một lời nào. Tôi ám chỉ đó là chuyện rắc rối với bạn trai, và bố nhướng mày cau mặt như thể điều đó giải thích mọi thứ và Chúa biết chúng tôi đã đẩy bản thân vào một mớ bòng bong ra trò. Mẹ vội chạy đi gọi cho câu lạc bộ Bingo để bảo họ rằng bà đã nghĩ lại về mối nguy hiểm của du lịch bằng máy bay.

Lou ăn một lát bánh mì nướng (chị không muốn ăn trưa) rồi chị đội một chiếc mũ mềm rộng vành và chúng tôi cùng Thomas thả bộ lên lâu đài cho vịt ăn. Tôi nghĩ chị không muốn đi nhưng mẹ cứ khăng khăng rằng cả mấy đứa chúng tôi đều cần chút không khí trong lành. Trong ngôn ngữ của mẹ tôi, điều này có nghĩa là bà đang rất muốn vào phòng ngủ lau dọn cho thoáng đãng và thay chăn ga.
Thomas nhảy lóc cóc phía trước chúng tôi, tay nắm chiếc túi nhựa đựng đầy mẩu bánh, còn hai chúng tôi luồn lách qua biển du khách đông đúc một cách thành thạo, rẽ lối giữa những chiếc ba-lô đung đưa, chia tách quanh những cặp đôi đang tạo dáng chụp hình rồi gặp lại nhau khi đã đi qua. Tòa lâu đài rám mình dưới cái nóng đỉnh điểm của mùa hè, đất nứt nẻ và cỏ lưa thưa như những sợi tóc còn sót lại trên đầu ông hói. Hoa lá trong các bồn đều tàn tạ, như thể chúng đã nửa phần chuẩn bị sang thu.

Lou và tôi không nói nhiều. Mà biết phải nói gì đây?

Khi chúng tôi đi qua khu đỗ xe của du khách, tôi thấy dưới vành mũ, chị liếc nhìn về phía nhà Traynor. Nó đứng đó, thanh lịch một màu gạch đỏ, những ô cửa sổ trơn cao vút đang che giấu một màn kịch đầy biến động đang diễn ra ở đấy, có khi vào ngay chính lúc này.

“Chị có thể tới nói chuyện với anh ấy, chị biết đấy,” tôi nói. “Em sẽ đợi ở đây.” Chị nhìn xuống đất, khoanh tay trước ngực, và hai chúng tôi cứ bước tiếp.
“Chẳng ích gì đâu,” chị nói. Tôi biết phần còn lại của câu nói đó, cái phần mà chị không nói to lên. Có khi anh ấy chẳng còn ở đó nữa cũng nên.

Chúng tôi chầm chậm dạo quanh lâu đài, quan sát Thomas mò xuống bậc thang trên đồi để cho lũ vịt ăn, nhưng vào mùa này chúng no béo tới độ chẳng mấy con thèm bơi lại nhặt mẩu bánh nhạt. Tôi quan sát chị gái khi chúng tôi sóng bước, nhìn tấm lưng nâu lộ ra từ chiếc áo yếm, đôi vai khom của chị, tôi nhận ra rằng dù chị chưa hay biết, nhưng cuộc đời chị đã thay đổi hoàn toàn.

Chị không thể ở lại đây, dù có chuyện gì xảy ra với Will Traynor đi nữa. Có một bầu không khí mới bao quanh chị, không khí mới của tri thức, của những điều đã thấy, những nơi đã đến. Cuối cùng chị tôi đã gặp những chân trời mới.

“À,” tôi lên tiếng khi chúng tôi quay trở lại cổng, “chị có thư. Từ trường đại học, trong thời gian chị đi vắng. Xin lỗi nhé - em mở rồi.
Em cứ tưởng nó là của em.” “Em mở rồi hả?”
Tôi đã hy vọng có thêm tiền trợ cấp. “Chị có một buổi phỏng vấn.”
Chị chớp mắt, như thể đang nhận tin từ một quá khứ xa xăm nào đó.

“Phải. Và thông tin quan trọng là nó diễn ra vào ngày mai,” tôi nói. “Thế nên em nghĩ có lẽ tối nay chúng ta nên tập dượt một số câu dễ bị hỏi.”
Chị lắc đầu. “Mai chị không đi phỏng vấn được.” “Chị định làm gì khác à?”

“Chị không thể, Treen,” chị nói với giọng buồn rầu. “Làm sao chị nghĩ được cái gì vào một thời điểm như thế này?”

“Nghe này, Lou. Người ta không mời phỏng vấn như mời vịt ăn bánh mì đâu, ngốc ạ. Đây là một cơ hội lớn. Họ biết chị là một sinh viên nhiều tuổi, chị đang nộp đơn vào một thời điểm không thuận lợi trong năm, vậy mà họ vẫn muốn gặp chị. Chị không thể làm họ thất vọng như thế được.”

“Chị không quan tâm. Chị không thể nghĩ tới chuyện đó.” “Nhưng chị...”
“Để chị yên, Treen. Được chứ? Chị không làm được.”

“Này,” tôi nói. Tôi bước lên chặn đường để chị không đi tiếp được. Thomas đang nói chuyện với một chú bồ câu cách chúng tôi vài bước về phía trước.

“Đây chính là lúc chị phải nghĩ về chuyện đó. Đây là lúc mà dù thích hay không, rốt cuộc chị vẫn phải định hướng xem chị định làm gì với phần còn lại của cuộc đời.”

Chúng tôi đang đứng ngáng đường. Giờ đây du khách phải chia ra đi quanh chúng tôi - có người cứ thế đi thẳng xuống đồi, có người hơi tò mò nhìn hai chị em đang cãi nhau.

“Chị không thể.”

“Ồ, khó khăn đấy. Bởi vì, để em nhắc kẻo chị quên, giờ chị không còn việc nữa. Không còn Patrick làm nguồn an ủi. Và nếu chị bỏ lỡ cuộc phỏng vấn này, thì trong vòng hai ngày chị sẽ phải quay trở lại Trung tâm Giới thiệu việc làm để quyết định xem chị muốn làm công nhân mổ gà hay vũ công khiêu dâm hay chùi đít cho người ta để kiếm sống. Chị tin hay không thì tùy nhé, vì chị cũng đã sắp ba mươi, cuộc đời của chị được an bài rồi. Và tất cả những thứ này - mọi thứ chị học được trong sáu tháng qua - sẽ chỉ là một sự lãng phí thời gian. Tất cả mọi thứ.”

Chị nhìn tôi chằm chằm, mang cái vẻ mặt tức giận câm nín thường thấy khi chị biết tôi đúng và chị chẳng thể đáp lại điều gì. Lúc này Thomas tới bên chúng tôi và kéo tay tôi.

“Mẹ... mẹ nói đít.”

Chị gái tôi vẫn nhìn tôi với ánh mắt giận dữ. Nhưng tôi biết chị đang suy nghĩ.

Tôi quay sang con trai. “Không đâu con yêu, mẹ nói mít. Giờ chúng ta về uống trà - phải không Lou? - và coi ở nhà có mít không nhé. Sau đó, khi ông ngoại tắm cho con, mẹ sẽ giúp dì Lou làm việc nhà.”

Ngày hôm sau tôi tới thư viện, mẹ trông Thomas, và khi thấy Lou xuống đón xe buýt tôi biết tới tận giờ uống trà tôi mới gặp lại chị.
Tôi không kỳ vọng nhiều vào buổi phỏng vấn, nhưng thật ra từ khi rời khỏi chị, tôi không nghĩ gì về chị nữa.

Nói thì có vẻ hơi ích kỷ, nhưng tôi không muốn làm trễ khóa luận, và tôi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào khi được thoát khỏi nỗi buồn khổ của Lou trong một lát. Ở bên cạnh một người tuyệt vọng chừng ấy quả là hơi có cảm giác kiệt quệ. Có thể ta thấy thương cho họ, nhưng ta cũng không thể không muốn bảo họ hãy xốc lại tinh thần. Tôi nhét gia đình, chị gái, mớ hỗn độn bi thương mà chị tự dẫn xác tới, vào một ngăn trong óc, đóng ngăn kéo lại, và tập trung chú ý vào vấn đề miễn thuế VAT. Tôi đạt điểm cao thứ nhì cả năm trong khóa Kế toán 1, và tôi chẳng thể nào để mình tụt hạng chỉ vì những thay đổi bất thường của hệ thống thuế suất đồng loạt của Cục Thuế và Hải quan Anh.

Tôi về nhà vào khoảng sáu giờ kém mười lăm, thả tài liệu xuống chiếc ghế bành ở sảnh, khi đó mọi người đã ngồi vào quanh bàn ăn, và mẹ bắt đầu đưa đồ ăn lên. Thomas phóc lên người tôi, đung đưa hai chân quanh hông tôi, tôi hôn nó, hít vào mùi sữa đáng yêu trên cơ thể trẻ con.

“Ngồi xuống, ngồi xuống nào,” mẹ nói. “Bố vào rồi.”

“Sách của con dạo này thế nào rồi?” bố nói rồi treo áo khoác lên thành ghế.

Bố luôn gọi việc học của tôi là “sách của con”. Như thể nó có đời sống riêng của nó và phải được sắp xếp cho ngăn nắp.

“Tốt ạ, cảm ơn bố. Con hoàn thành được ba phần tư môn Kế toán 2 rồi. Mai con sẽ học luật doanh nghiệp.” Tôi thả Thomas xuống chiếc ghế bên cạnh tôi, đặt một tay trên mái đầu mềm mại của nó.

“Nghe không, Josie? Luật doanh nghiệp đấy.” Bố chôm một miếng khoai tây trong đĩa và cho vào miệng trước khi mẹ kịp nhìn thấy. Bố nói từ đó như thể bố mê mẩn âm thanh của nó. Tôi nghĩ có lẽ bố mê mẩn thật. Chúng tôi trò chuyện một chút về những thứ liên quan tới môn học của tôi. Rồi chúng tôi nói về công việc của bố - chủ yếu là về chuyện du khách làm hỏng mọi thứ. Rõ ràng là ta không nên tin

vào việc trùng tu. Đến cả những cây cột gỗ trên lối vào bãi đỗ xe cũng phải thay vài tuần một lần vì những kẻ ngu ngốc không biết cách lái xe qua khúc cua bốn mét. Nếu là tôi, tôi sẽ tăng giá vé để bảo vệ nó - nhưng đó chỉ là suy nghĩ của tôi thôi.

Mẹ bưng đồ lên xong và cuối cùng cũng ngồi xuống. Thomas ăn bốc khi nó nghĩ không ai để ý và nói thầm từ đít kèm một nụ cười tủm tỉm, ông ngoại thì vừa ăn vừa nhìn trân trân lên trần nhà, như thể ông thực sự đang nghĩ về một điều gì đó hoàn toàn khác. Tôi liếc sang Lou. Chị cúi gằm xuống đĩa, đẩy miếng gà nướng vòng quanh như thể đang cố giấu nó đi. U ô, tôi thầm nghĩ.

“Con không đói à, con yêu?” mẹ nói khi dõi theo ánh mắt tôi. “Không đói lắm ạ,” chị đáp.
“Ăn gà trời này thì hơi nóng,” mẹ thừa nhận. “Mẹ chỉ nghĩ con cần bồi bổ một chút.”

“Thế... con sẽ kể cho cả nhà nghe xem con đi phỏng vấn thế nào chứ?” Bố đưa đĩa lên miệng giữa chừng thì dừng lại. “Ồ, chuyện đó.” Trông chị ngơ ngác, như thể bố vừa lôi lên một việc chị đã làm từ năm năm trước.
“Phải, chuyện đó.”

Chị xiên một mẩu gà bé xíu. “Ổn cả ạ.” Bố liếc nhìn tôi.
Tôi khẽ nhún vai. “Ổn cả thôi à? Người ta phải nhận xét gì đó về cách chị trả lời phỏng vấn chứ.” “Chị qua rồi.”
“Sao?”

Chị vẫn cúi gằm xuống đĩa. Tôi ngừng nhai.

“Họ nói chị đúng là ứng viên họ đang tìm kiếm. Chị phải học một khóa kiến thức nền, mất một năm, sau đó chị có thể chuyển tiếp.” Bố ngồi thẳng dậy. “Quả là một tin tuyệt diệu.”

Mẹ đưa tay vỗ vai chị. “Ôi, làm tốt lắm, con yêu. Thông minh quá.” “Không hẳn vậy đâu. Con không nghĩ con đủ tiền trả cho bốn năm học.”
“Ít nhất trong lúc này, đừng lo lắng về chuyện đó. Thật đấy. Xem Treena xoay xở thế nào kìa. Nào...” bố huých tay chị “... chúng ta sẽ tìm ra cách. Chúng ta luôn tìm ra cách phải không nào?” Bố cười rạng rỡ với cả hai chúng tôi. “Bố nghĩ giờ mọi thứ rất suôn sẻ với chúng ta, các con gái. Bố nghĩ đây sẽ là thời điểm tốt đẹp của gia đình mình.”

Thế rồi đột nhiên, chị òa khóc. Nước mắt lưng tròng. Chị khóc như Thomas khóc, gào thét, nức nở, không bận tâm có ai nghe thấy, tiếng khóc của chị như lưỡi dao xé ngang không gian tĩnh lặng của căn phòng bé nhỏ.

Thomas nhìn chị chằm chằm, miệng há hốc, tôi phải kéo nó vào lòng và đánh lạc hướng nó để nó không khóc theo. Trong khi tôi mải bận đút khoai tây cho con, làm trò với món đậu và pha giọng nhí nhố, chị kể cho bố mẹ nghe.

Chị kể cho bố mẹ tất cả mọi thứ - về Will và hợp đồng sáu tháng và chuyện xảy ra khi họ đi Mauritius. Nghe chị nói, mẹ đưa tay lên miệng. Ông ngoại tỏ ra u sầu. Món thịt gà nguội ngoặm, nước xốt đông lại trên đĩa.

Bố lắc đầu không tin nổi. Rồi khi chị tôi kể tỉ mỉ về chuyến bay về nhà từ Ấn Độ Dương, giọng chị hạ xuống thành tiếng thì thầm khi chị kể đến những lời cuối cùng chị nói với bà Traynor, bố kéo ghế đứng dậy. Ông từ từ đi quanh bàn rồi ôm chị trong tay, như ông vẫn làm thời chúng tôi còn nhỏ. Ông đứng đó, ghì chị thật chặt.

“Ôi Chúa ôi, tội nghiệp anh chàng ấy. Tội nghiệp con. Ôi Chúa ôi.” Tôi không chắc đã bao giờ thấy bố sốc tới vậy chưa.
“Sao mà lung tung quá thế này.”

“Con phải trải qua tất cả chuyện này? Mà chẳng nói một lời sao? Và tất cả những gì bố mẹ nhận được là một tấm bưu thiếp về trò lặn biển?” Mẹ tỏ vẻ hoài nghi. “Cả nhà cứ nghĩ con đang có một kỳ nghỉ tuyệt nhất trần đời.”

“Con không một mình. Treena biết,” chị nói, nhìn tôi. “Treena giỏi lắm.”

“Em đâu có làm được gì,” tôi nói rồi ôm Thomas. Giờ nó không còn để ý tới cuộc nói chuyện nữa vì mẹ tôi đã để hộp kẹo sô-cô-la

Celebrations mở sẵn trước mặt nó. “Em chỉ nghe thôi. Chị đã làm hết. Chị đã nghĩ ra mọi ý tưởng.” “Thật là ý với chả tưởng.” Chị dựa người vào bố, giọng như lạc đi.
Bố nâng cằm chị để chị phải nhìn vào mắt bố. “Nhưng con đã làm mọi việc có thể.” “Và con đã thất bại.”
“Ai nói con thất bại?” Bố vuốt tóc khỏi mặt chị. Ông cúi mặt sát hơn. “Bố chỉ đang nghĩ về những điều bố biết về Will Traynor, những điều bố biết về những người như cậu ấy. Và bố sẽ nói điều này với con. Bố không chắc trên thế gian này đã từng có ai thuyết phục được anh chàng ấy chưa, một khi cậu ta đã quyết định điều gì. Con người cậu ấy là vậy đấy. Con không thể thay đổi bản tính con người được đâu.”

“Nhưng bố mẹ cậu ấy! Họ không thể để cậu ấy tự vẫn,” mẹ nói. “Họ là kiểu người gì vậy?”

“Họ là những người bình thường mẹ ạ. Chỉ có điều bà Traynor không biết bà ấy có thể làm gì khác nữa.”

“Ồ, không mang cậu ấy tới bệnh viện đó sẽ là một khởi đầu đấy.” Mẹ giận dữ. Hai má mẹ đỏ hồng. “Mẹ sẽ đấu tranh vì hai con, vì Thomas tới tận hơi thở cuối cùng.”

“Ngay cả khi anh ấy đã từng cố tự sát ư?” tôi nói. “Bằng những cách rất khốn khổ?”

“Cậu ấy bị bệnh, Katrina. Cậu ấy tuyệt vọng. Không nên để những người dễ tổn thương có cơ hội làm một việc mà họ sẽ...” Mẹ im bặt trong cơn giận câm lặng và đưa khăn ăn chấm mắt. “Người đàn bà đó hẳn rất tàn nhẫn. Tàn nhẫn quá. Cứ nghĩ tới chuyện họ để Louisa dính tới tất cả chuyện này xem. Bà ấy là một quan tòa, lạy Chúa. Người ta cứ nghĩ quan tòa sẽ biết đúng sai. Ai cũng nghĩ thế. Mẹ chỉ muốn xuống đó ngay bây giờ để đưa cậu ấy về lại đây.”

“Mọi chuyện phức tạp lắm mẹ à.”

“Không. Không hề. Cậu ấy dễ bị tổn thương, và bà ấy không thể nào khuyến khích một ý nghĩ như thế. Mẹ kinh ngạc quá. Anh chàng tội nghiệp. Anh chàng tội nghiệp. ” Mẹ đứng lên khỏi bàn, mang phần còn lại của món gà theo, rồi đi thẳng vào bếp.

Louisa nhìn mẹ đi, nét mặt chị hơi choáng váng. Mẹ chưa bao giờ nổi giận.

Tôi nghĩ lần cuối cùng tôi nghe mẹ cao giọng là năm 1993.

Bố lắc đầu, tâm trí hẳn đã ở một nơi nào khác. “Bố chỉ nghĩ - chẳng trách gì bố không thấy ông Traynor. Bố cứ tự hỏi không biết ông ấy đi đâu. Bố nghĩ họ đã lên đường đi nghỉ cả gia đình hay sao đó.”

“Họ... họ đi rồi?”

“Hai hôm nay không thấy ông ấy tới.” Lou ngồi xuống, thụp người trong ghế.
“Ôi trời,” tôi thốt lên, rồi đưa tay chụp quanh tai Thomas. “Ngày mai.”
Lou nhìn tôi, và tôi liếc lên lịch trên tường. “Ngày mười ba tháng Tám. Đó là ngày mai.”
Ngày cuối cùng ấy Lou không nói gì. Chị dậy trước tôi, ngồi nhìn chăm chú ra ngoài cửa sổ gian bếp. Trời mưa, rồi tạnh, rồi lại mưa. Chị nằm trên sofa với ông ngoại, rồi chị uống trà mẹ pha cho, và cứ khoảng nửa tiếng tôi lại để ý thấy ánh mắt chị lặng lẽ liếc về phía bệ lò sưởi để kiểm tra đồng hồ. Chứng kiến chuyện này thật là kinh khủng. Tôi đưa Thomas đi bơi và tôi cố kéo chị theo cùng. Tôi nói mẹ sẽ trông thằng bé nếu lát nữa chị muốn đi mua sắm với tôi. Tôi nói tôi sẽ đưa chị đi uống rượu, chỉ hai chúng tôi thôi, nhưng chị khước từ mọi lời đề nghị.

“Nếu chị mắc sai lầm rồi thì sao, Treen?” chị nói thật khẽ để chỉ mình tôi nghe thấy. Tôi liếc nhìn ông ngoại, nhưng ông chỉ để mắt vào cuộc đua ngựa trên ti-vi.
Tôi nghĩ ông vẫn âm thầm đặt cược từng lượt đua cho mình, dù ông chối chuyện đó với mẹ. “Ýchị là sao?”
“Nếu đúng ra chị nên đi cùng anh ấy thì sao?”

“Nhưng... chị đã nói chị không thể.”

Bên ngoài, trời xám ngắt. Chị đưa mắt qua những ô cửa sổ trống trơn nhìn vào một ngày sầu thảm.

“Chị biết mình nói gì chứ. Nhưng chỉ là chị không chịu được khi biết chuyện gì đang diễn ra.” Mặt chị hơi mếu máo. “Chị không chịu được khi biết cảm giác của anh ấy. Chị không chịu được ý nghĩ rằng chị thậm chí không bao giờ tới tạm biệt.”

“Giờ chị không đi được nữa à? Thử mua vé máy bay xem sao?”

“Muộn quá rồi,” chị nói. Rồi chị nhắm mắt lại. “Chị không bao giờ tới đó kịp. Chỉ còn hai tiếng nữa là tới lúc... là kết thúc chuyện đó trong ngày hôm nay.

Chị đã tìm hiểu. Trên internet.” Tôi chờ đợi.
“Họ không... làm... chuyện đó... sau năm giờ ba mươi.” Chị lắc đầu với vẻ đau đớn. “Liên quan tới cảnh sát Thụy Sỹ, những người phải chứng giám. Họ không thích... chứng nhận... sau giờ hành chính.”

Tôi suýt phì cười. Nhưng tôi không biết phải nói gì với chị. Tôi không hình dung nổi cảm giác phải chờ đợi, như chị đang chờ đợi lúc này, thầm biết chuyện gì đang xảy ra ở một nơi xa lắc. Tôi chưa bao giờ yêu một người như kiểu chị yêu Will. Tôi đã thích nhiều chàng, tất nhiên, và muốn ngủ với họ, nhưng đôi khi tôi tự hỏi có phải mình thiếu mất mạch đa cảm đa sầu hay không. Tôi chẳng hình dung được cảnh mình khóc vì ai đó mà mình cặp kè. Chỉ có một chuyện tương đương là khi tôi nghĩ ra cảnh Thomas chờ chết ở một đất nước xa lạ nào đó, và ngay khi ý nghĩ đó đến trong đầu, tôi thấy cả lòng mình chao đảo, ý nghĩ ấy thật quá gớm guốc. Thế nên tôi vùi luôn nó vào sâu trong khoang cảm xúc trong não bộ tôi, dưới ngăn kéo dán nhãn: Không được nghĩ tới.

Tôi ngồi xuống bên chị trên ghế sofa và chúng tôi lặng lẽ xem đợt đua Maiden Stakes vào lúc ba giờ rưỡi, rồi tới đợt đua có chấp vào lúc bốn giờ, rồi bốn đợt đua tiếp theo, với cảm xúc mãnh liệt không đổi của những người hẳn đã thật sự đặt hết tiền bạc trên đời vào kẻ thắng cuộc.

Rồi chuông cửa reo.

Louisa phóc khỏi sofa, lao ra sảnh trong chớp mắt. Chị mở cửa, và cái cách chị bật tung cánh cửa khiến cả tim tôi cũng phải ngừng

đập.

Nhưng người đứng trên bậc thềm không phải là Will. Đó là một phụ nữ trẻ, trang điểm đậm và hoàn hảo, tóc ngắn gọn gàng ôm quanh cằm. Cô ta gập ô lại rồi mỉm cười, thò tay vào lục chiếc túi lớn đeo trên vai. Trong một thoáng tôi tự hỏi đây có phải là em gái Will Traynor.

“Louisa Clark phải không?” “Sao?”
“Tôi từ The Globe. Tôi muốn trao đổi vài lời được không?” “The Globehả?”
Tôi nghe giọng Lou rất ngơ ngác.

“Tờ báo hả?” Tôi bước tới sau lưng chị gái. Tôi đã thấy cuốn sổ trên tay cô ta.

“Tôi vào được không? Tôi chỉ muốn trò chuyện một chút với chị về William Traynor. Chị làm việc cho William Traynor phải không?” “Miễn bình luận,” tôi nói. Rồi trước khi cô ta có cơ hội nói thêm lời nào, tôi đóng sầm cửa trước mặt cô ta.
Chị tôi đứng ngơ ngác giữa sảnh. Chị chần chừ khi thấy chuông cửa lại reo. “Đừng trả lời,” tôi rít lên.
“Nhưng làm sao...?”

Tôi bắt đầu lôi chị lên cầu thang. Chúa ơi, chị chậm chạp không chịu nổi. Cứ như thể chị đang ngủ gật vậy. “Ông ngoại, đừng mở cửa nhé!” tôi hét lên. “Chị đã nói với ai rồi?” tôi hỏi khi chúng tôi lên tới chiếu nghỉ. “Hẳn đã có ai đó tấu với họ. Ai biết?”

“Cô Clark,” giọng cô gái lọt qua hòm thư. “Chỉ cần cô cho tôi mười phút thôi... chúng tôi biết đây là vấn đề nhạy cảm. Chúng tôi muốn cô đưa ra ý kiến về chuyện này...”

“Như thế nghĩa là anh ấy chết rồi à?” Mắt chị tràn lệ.

“Không, nó chỉ có nghĩa bọn tồi đang cố nhúng mũi vào.” Tôi ngẫm nghĩ một phút. “Ai vậy các con?” Giọng mẹ vang lên tầng trên.
“Không ai cả, mẹ ạ. Chỉ cần không mở cửa.”

Tôi ngó qua lan can cầu thang. Mẹ đang cầm một chiếc mù-soa trên tay, nhìn chăm chú bóng người hiện rõ trên tấm kính của cửa trước.

“Không mở cửa à?”

Tôi nắm khuỷu tay chị gái. “Lou... chị không nói gì với Patrick đấy chứ?” Chị chẳng cần phải nói gì. Vẻ mặt bàng hoàng của chị đã nói lên tất cả.
“Được rồi. Đừng làm ầm lên. Chỉ cần không lại gần cửa. Không nghe điện thoại. Không nói lời nào với họ, được chưa?”

Mẹ không vui. Mẹ càng phiền lòng hơn sau khi điện thoạt bắt đầu reo. Sau cuộc điện thoại thứ năm, chúng tôi cho mọi cuộc gọi chuyển vào chế độ trả lời tự động, nhưng chúng tôi vẫn phải nghe họ, giọng nói của bọn họ xâm chiếm hành lang bé nhỏ nhà chúng tôi. Cùng lúc có tới bốn, năm người. Tất cả đều đề nghị Lou nêu quan điểm về “câu chuyện đó”, như đúng lời bọn họ. Như thể giờ đây Will Traynor đã trở thành một mặt hàng mà tất cả bọn họ muốn viết đến.

Điện thoại reo, chuông cửa reo. Chúng tôi buông rèm ngồi trong nhà, lắng nghe đám nhà báo đi lại trên vỉa hè ngay cạnh cổng nhà chúng tôi, trò chuyện với nhau và í ới trên điện thoại di động.

Thật chẳng khác gì bị vây hãm. Mẹ khoa tay múa chân và hét qua lỗ nhét thư để đuổi họ ra khỏi vườn mỗi khi có ai trong số bọn họ dám thò chân qua cổng.

Thomas nhìn ra từ cửa sổ phòng tắm trên tầng vì muốn biết tại sao lại có nhiều người trong vườn nhà chúng tôi. Bốn nhà hàng xóm gọi sang, muốn biết xem có chuyện gì xảy ra. Bố đỗ xe ở phố Ivy rồi về nhà qua ngả vườn sau, và chúng tôi có một cuộc nói chuyện khá nghiêm túc về pháo đài và dầu đun sôi.

Rồi khi nghĩ kỹ hơn, tôi gọi cho Patrick để hỏi xem anh ta được bao nhiêu từ phi vụ bần tiện này. Thoáng ngập ngừng trước khi anh ta chối bỏ mọi chuyện đã nói cho tôi mọi điều tôi cần biết.

“Đồ khốn nạn,” tôi hét lên. “Tôi sẽ đá gãy đôi ống quyển chạy marathon ngu xuẩn của anh để anh phải nghĩ rằng xếp thứ 157 là kết quả tốt lắm rồi.”

Lou chỉ ngồi trong bếp và khóc. Không phải khóc nức nở, chỉ là những giọt nước mắt lặng thầm lăn trên má, rồi chị đưa lòng bàn tay lau đi. Tôi không nghĩ ra phải nói gì với chị.

Thế cũng ổn. Tôi có rất nhiều thứ để nói với mọi người khác.

Tới bảy rưỡi, quanh nhà không còn bóng một phóng viên nào. Tôi không biết họ đã từ bỏ hẳn, hay chỉ là vì Thomas cứ ném những mảnh đồ chơi Lego qua khe nhét thư mỗi lần có ai thả câu hỏi vào nhà làm họ thấy chán. Tôi bảo Louisa tắm cho Thomas giúp tôi, chủ yếu là vì tôi muốn chị nhấc mình khỏi bếp, nhưng cũng vì như thế tôi mới có thể nghe hết lời nhắn trong hộp thư thoại và loại bỏ lời nhắn của đám báo chí trong khi chị không nghe thấy. Hai mươi sáu. Hai mươi sáu lời nhắn của đám chết tiệt. Ai ai cũng tỏ ra vô cùng tử tế, vô cùng thông cảm. Một số người thậm chí còn đề nghị đưa tiền.

Tôi nhấn nút xóa từng lời nhắn một. Cả những tin nhắn đề nghị đưa tiền cũng vậy, dù phải thừa nhận là tôi hơi tò mò không biết họ định đưa bao nhiêu.

Trong lúc đó, tôi nghe Lou nói chuyện với Thomas trong phòng tắm, tiếng thằng bé đưa chiếc Batmobile thả bom soàn soạt xuống chậu đầy bọt xà phòng mười lăm phân. Đó là một điều ở trẻ con mà người không có con thì không biết được - giờ tắm, đồ chơi Lego và món cá tẩm bột chiên giòn không cho phép người ta tắm cho lũ trẻ quá lâu. Thế rồi tôi nghe tới tin nhắn cuối cùng.

“Louisa à? Camilla Traynor đây. Cô gọi cho tôi nhé? Càng sớm càng tốt.”

Tôi nhìn trân trân máy trả lời tự động. Tôi bật lại. Rồi tôi chạy vù lên cầu thang và lôi tuột Thomas ra khỏi chậu tắm nhanh tới nỗi thằng bé còn chẳng biết cái gì lôi mình. Nó đứng đó, khăn tắm quấn chặt quanh người như băng cuốn, còn Lou, loạng choạng và bối rối, đã xuống tới nửa cầu thang chợt quay lại nắm vai tôi.

“Nếu bà ấy ghét chị thì sao?”

“Giọng bà ấy không có vẻ gì là ghét chị.”

“Nhưng nếu đám nhà báo đang vây họ ở đó thì sao? Nếu họ nghĩ tất cả là lỗi của chị thì sao?” Mắt chị mở to sợ hãi. “Sẽ thế nào nếu bà ấy gọi để bảo anh ấy đã thực hiện xong rồi?”

“Ôi, vì Chúa, Lou. Một lần trong đời thôi, hãy bình tĩnh. Chị chưa gọi thì làm sao biết được điều gì. Gọi cho bà ấy. Cứ gọi đi. Chị chẳng có lựa chọn chết tiệt nào nữa đâu.”

Tôi quay lại phòng tắm để giải phóng cho Thomas. Tôi nhét nó vào bộ pyjama, bảo với nó rằng bà ngoại có một chiếc bánh quy cho nó nếu nó chạy thật nhanh vào bếp. Rồi tôi ló đầu ra khỏi cửa phòng tắm để nhìn chị tôi nghe điện thoại dưới sảnh.

Chị quay lưng lại phía tôi, một bàn tay vuốt tóc sau đầu. Chị đưa một bàn tay ra để trấn an bản thân. “Vâng,” chị nói. “Tôi hiểu.” Rồi nói thêm, “Được rồi.”
Sau một khoảng ngừng, “Vâng.”

Chị nhìn xuống chân cả một phút sau khi gác máy. “Sao rồi?” tôi nói.
Chị ngước nhìn lên như thể chị chỉ vừa mới nhìn thấy tôi ở đó, rồi chị lắc đầu.

“Không có chuyện gì liên quan tới báo chí cả,” chị nói, giọng chị vẫn đờ đẫn vì kinh ngạc. “Bà ấy đề nghị chị - cầu xin chị - tới Thụy Sỹ. Bà ấy đã đặt cho chị chuyến bay cuối cùng vào đêm nay.”

---------------

>> Xem tiếp: Chương 26
Đọc truyện Trước Ngày Em Đến - Jojo Moyes - Online - Chương 25
  • Facebook Comments
  • Blogger Comments

0 comments :

Post a Comment

Top