Chương 67: Vua Tây Lương
Rajiva đứng cách đó không xa, vạt áo cà sa phất phơ bay, vẻ điềm nhiên, tự tại. Thư Cừ Mông Tốn nhìn tôi, rồi lại nhìn Rajiva, chau mày kinh ngạc. Thừa lúc anh ta lơ đễnh, tôi vùng thoát, chạy đến bên Rajiva.
Thư Cừ Mông Tốn há miệng, ấp úng:
- Hiểu rõ bản thân, làm chủ bản thân, thì mọi suy nghĩ và hành động sẽ mang tính
Phật. Mọi sự trên đời đều do nhân duyên tạo nên. Rajiva và vợ chính là kết quả của nhân duyên đó.
Mông Tốn cười nhạo, ánh mắt lộ vẻ coi thường không giấu giếm:
- Chỉ viện vào hai chữ "nhân duyên" mà cho phép mình đắm chìm trong thế giới
lưu ly kỳ ảo, pháp sư làm vậy sao khiến chúng sinh tin phục được!
Rajiva hiền hoà cất giọng:
- Nhìn thẳng vào cái "không" và cái "có", thấu hiểu nó nhưng không lệ thuộc vào
nó, cũng như không bận lòng vì nó. Vạn vật trong trời đất đều do nhân duyên mà ra và đều tồn tại hai mặt "có" và "không", "thực" và "không thực", đó là bản chất và là hình tướng của hết thảy sự vật, hiện tượng. Nếu có thể thấu suốt mọi sự "có" và "không", thì sẻ như sen kia trong bùn lầy, sống giữa thế nhân thường tục mà vẫn giữ được đạo hạnh thanh cao, điềm tĩnh trước sự sống chết, thản nhiên trước nỗi nhục vinh.
Gương mặt lạnh lùng, đầy vẻ khinh khi của Mông Tốn đã phần nào thay đổi, trầm
tư một lát, anh ta đẩy ánh mắt dò xét về phía tôi, gật gù:
- Sống giữa thế nhân thường tục mà vẫn giữ được đạo hạnh thanh cao, điềm nhiên trước sự sống chết, bàng quan trước nỗi nhục vinh. Pháp sư quả là người uyên bác, thâm thuý, chả trách ngài sống giữa thế tục mà vẫn giữ được Phật tâm, Mông Tốn
hôm nay đã được mở mang rất nhiều!
Tôi khá bất ngờ. Mông Tốn quả nhiên là người tinh thông văn sử, nhạy bén, linh hoạt, khác hẳn những người Hung Nô vốn ưa dùng vũ lực để trấn áp kẻ khác. Có lẽ vì vậy mà Nam Thành, Đoàn Nghiệp và cả Lữ Quang đều kiêng nể anh ta.
Chuyện trò đãi bôi thêm đôi câu, Rajiva bèn cáo từ Mông Tốn. Đôi mắt sắc lạnh của Mông Tốn không buông tha cho tôi, vẻ thăm dò, xét nét chiếu ra từ đó khiến tôi cảm thấy khó chịu. Rajiva đưa tôi về nơi ở, quan sát xung quanh không có ai mới làm
mặt nặng nhẹ với tôi:
- Ngải Tình, đừng gây sự với những người đàn ông như thế nữa!
- Em có gây sự đâu...
Tôi ấm ức, cả hai lần đều không phải do lỗi ở tôi kia mà! Mông Tốn cũng chỉ
muốn đóng kịch, chỉ là không may đối tượng lại là tôi mà thôi.
Sắc mặt Rajiva rất khó coi, chợt nhớ tới màn thân mật mà Mông Tốn cố ý diễn khi
nãy, tôi bỗng chột dạ:
- Rajiva... sự việc không phải như chàng thấy đâu. Em và người đó hoàn toàn không có...
- Ngải Tình!
Chàng nhẹ nhàng ngắt lời tôi.
- Nàng là vợ ta, sao ta có thể nghi ngờ nàng được!
Trong lòng không khỏi lo lắng, tôi làu bàu:
- Nhưng sao chàng vẫn khó đăm đăm như vậy?...
Rajiva khó nhọc ngồi xuống, vẻ mặt mỏi mệt, đưa tay với ấm trà:
- Ngải Tình, Lữ Quang không chịu mở kho phát lương thực.
Thì ra là vì chuyện này. Tôi thở phào, rót trà cho chàng:
- Vì sao? Lẽ nào ông ta không hiểu rằng, người dân đói khát cùng cực sẽ gây loạn
ư? Nếu chuyện đó xảy ra thì có lợi gì cho ông ta?
- Ông ta hiểu chứ.
Chàng thở dài nặng nề, hai hàng lông mày xô lại, giọng buồn bã:
- Thái thú Tửu Tuyền là Tống Hạo, Thái thú Nam Đô là Sách Phán, Thái thú Tây
Bình là Khang Ninh và còn cả kẻ từng trốn chạy trước đây là Vương Mục, đều đã dấy
binh làm phản. Lữ Quang xưng vương chưa đầy hai tháng mà quân phản loạn đã nổi dậy khắp nơi, ông ta muốn trữ lương thực dành cho đánh trận. Bộ lạc Thốc Phát, người Tiên Tì ở Hà Tây, bộ lạc Thư Cừ, người Hung Nô ở Lô Thủy dẫn theo mấy vạn bộ tộc đến xin hàng Lữ Quang, một trong những điều kiện mà họ đưa ra là lương thực. Lữ Quang đã đồng ý cấp lương thực để vỗ về họ. Trong mắt ông ta, nạn dân không đáng để quan tâm.
Vẻ mặt chàng nhuốm màu u ám, khuôn ngực căng đầy nỗi bi phẫn.Với tính khí của chàng, chắc rằng trong buổi chầu hôm nay, đã lại căng thẳng với Lữ Quang. Tôi
vừa nhẹ nhàng mát-xa huyệt thái dương cho chàng, vừa rủ rỉ:
- Lữ Quang không chịu cấp lương thực thì chúng ta sẽ tự giải quyết vậy. Tạm thời hãy sử dụng tiền bạc mà chúng ta có để cứu trợ cho nạn dân, sau đó sẽ nghĩ cách thuyết phục các hộ giàu có trong thành quyên góp ủng hộ.
Chàng gật đầu, quay lại nhìn tôi:
- Ngày mai ta sẽ gắng thuyết phục văn võ bá quan trong triều.
Chàng nắm tay tôi, ánh mắt rạng rỡ:
- Ngải Tình, đừng để bất cứ nạn dân nào phải chết đói.
Tôi sững sờ, điều này là không thể. Nhưng mà...
Tôi gắng gượng ngẩng đầu, trong lòng như có một tảng đá đè lên.
Sau khi dọn dẹp tinh tươm, ngôi miếu hoang trở thành điểm cứu đói lâm thời của
tôi. Hàng ngày, Hô Diên Bình và Đoàn Sính Đình đều đến giúp tôi một tay. Hô Diên Bình lo tổ chức đám thanh niên để đảm bảo nạn dân duy trì trật tự. Anh ta từng làm quan, nên chỉ đạo đâu ra đấy. Mộ Dung Siêu ngày ngày bám rịt lấy tôi, giúp tôi chia thực phẩm cho đám đông nạn dân. Lúc rảnh rỗi, chú nhóc đòi tôi cho chơi trò oẳn tù tì hoặc kể chuyện Lưu Bang và Hạng Vũ. Bài hát "Ngủ ngoan, bé yêu" lại được dịp phát huy tác dụng.
Tôi thấy mình rất có duyên với trẻ con, có lẽ vì tôi không bao giờ áp đặt hoặc ra uy
với chúng, tôi lại biết nhiều trò chơi mà chúng yêu thích. Tuy mới ba tuổi, nhưng vì
phải trải qua quá nhiều khổ nạn dọc đường lưu lạc, biểu cảm trên gương mặt của cậu nhóc nom già dặn hơn con trai Cầu Tư của Pusyseda rất nhiều. Nhưng dù sao nó vẫn chỉ là một đứa trẻ, ham chơi, ham vui. Hô Diên Tĩnh hơn Mộ Dung Siêu khoảng năm tuổi, nhưng giống như tên gọi của mình, cô bé lúc nào cũng bẽn lẽn, trầm tính, ngày ngày lẳng lặng đứng nhìn tôi và Mộ Dung Siêu chơi đùa cùng nhau, rất ít khi tham gia.
Thời gian đầu, mỗi ngày chúng tôi phát thực phẩm một lần, mỗi nạn dân được nhận một bánh bao. Mấy ngày sau, tôi mới nhận thấy cần phải tiết kiệm, không thể tiếp tục tiêu tiền như nước, tôi quyết địnhh mua gạo kê và cao lương về nấu. Đoàn Sính Đình cùng một vài chị em bắc bếp trong miếu hoang nấu cháo kê, cháo cao lương, bỏ thêm ít rau và muối trắng vào làm gia vị. Tuy không ngon miệng nhưng có thể no bụng. Mục tiêu của tôi là không để ai phải chết đói.
Nhưng tôi lo lắng không biết chúng tôi phải dùng tiền của mình để chống đỡ đến khi nào. Mùa đông đang đến gần, dân chạy nạn ngày một đông, tính sơ sơ cũng phải hàng vạn người. Cũng may Rajiva đã thuyết phục được một số quan chức quyên góp ủng hộ, tuy không được nhiều, nhưng cũng giúp cầm cự được một thời gian. Có điều, đến nay vẫn chưa có một "Mạnh Thường Quân" tiền của dồi dào nào chịu đứng ra chống đỡ. Tôi nghĩ tới một người. Sau khi bàn bạc với Rajiva, tôi đã xuất hiện trước cổng dinh cơ bề thế nhất thành Guzang.
Trên tường nhà treo những bức tranh thuỷ mặc vẽ cảnh sơn thuỷ hữu tình, một tấm bình phong độc đáo, bàn ghế chạm khắc tinh xảo, phòng khách được sắp đặt và trưng bày rất mực tinh tế, trang nhã, quả không hổ danh là gia đình phú hộ số một ở Lương Chân. Điều khiến tôi chú ý chính là bộ bàn ghế của gia đình này. Nếp sống của con người thời đại này cũng giống thời Hán, thường ngồi xếp bằng trên chiếu. Nhưng Lương Châu nằm ở mạn Tây Bắc của Trung Nguyên, chịu ảnh hưởng của văn hoá Tây vực, nên nơi đây bắt đầu lưu hành các đồ dùng có chân cao như bàn, ghế tựa, ghế băng.
Tôi đang mải quan sát bằng con mắt nhà nghề thì một người đàn ông trung niên
dáng vẻ nho nhã bước vào, ánh mắt sắc bén quét qua tôi, lịch thiệp cúi chào:
- Tại hạ chính là Lý Cảo, phu nhân đây hẳn là vợ của đại pháp sư lừng danh Tây
vực - Kumarajiva? Không biết phu nhân tìm ta có việc gì?
Giọng nói thâm trầm, trang phục kiểu cách, bộ ria tỉa tót khá cầu kỳ. Gương mặt
sáng sủa, chính trực, cử chỉ lời nói nho nhã, lịch duyệt. Người đàn ông này cũng đang ở độ tuổi của Rajiava, cơ thể săn chắc vạm vỡ, có thể thấy, anh ta rất chăm chỉ tập luyện võ nghệ.
- Thiếp tôi không mời mà đến, xin Lý công tử thứ lỗi.
Tôi cúi người chào hỏi, sau đó đi thẳng vào vấn đề:
- Thiếp tôi đến đây để thương lượng với Lý công tử về việc cứu trợ nạn dân.
Anh ta không trả lời ngay, mà mời tôi ngồi, rồi sai người hầu rót trà. Anh ta từ tốn
nhấp một ngụm trà, rồi mới quay sang tôi, nói:
- Nhiều ngày qua, pháp sư và phu nhân đã dốc toàn bộ của cải, tài sản, bỏ công lập ra điểm phát chẩn cứu đói, công đức của pháp sư lan truyền khắp nơi trong thành Guzang, tại hạ biết tiếng đã lâu, trong lòng muôn phần cảm phục. Tại hạ tài hèn sức mọn, nhưng cũng muốn tận tâm tận lực cứu giúp bà con nạn dân. Có điều, chỉ với một mình sức lực của tại hạ sẽ chỉ như muối bỏ bể. Vả lại, vua Lương đang lo dẹp quân phản loạn, chẳng màng chuyện cứu đói cho dân, dù tại hạ có ra sức cống hiến, cũng chẳng ai biết đến mà tán thưởng...
Anh ta ngừng lại, nhấp thêm một ngụm trà, vậy là tôi đã hiểu. Đối với anh ta, việc cứu đói này chẳng qua chỉ là một cách bỏ vốn để kinh doanh lợi ích chính trị, anh ta là một thương gia kiêm chính trị gia điển hình, luôn đặt tiền vốn và lợi nhuận lên bàn
cân để đong đo, tính toán. Tôi mỉm cười, chậm rãi nói:
- Nếu thiếp tôi nhớ không nhầm, thì Lý công tử chính là hậu thế của Phi tướng
quân Lý Quảng đời Hán, người mà dân Hung Nô chỉ nghe tiếng đã kinh hồn bạt vía?
Tôi biết anh ta không chỉ có vị tổ tiên lừng danh thiên cổ - Lý Quảng. Ông nội của anh ta từng là tướng quân, là hầu tước của Trương Quỹ, nhà Tiền Lương. Cha anh ta cũng rất nổi tiếng, tiếc là mất sớm, Lý Cảo mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Nhưng cũng không thể so sánh với hậu thế của anh ta. Bởi vì hậu thế nhà họ Lý, mấy trăm năm sau đã gây dựng nên một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử các triều đại
phong kiến Trung Quốc - nhà Đại Đường . Nhắc đến tổ tiên, Lý Cảo không ngăn nổi [ 1]
nụ cười tự hào:
[1] Vua Lý Uyên, người lập ra triều đại nhà Đường vốn tự xưng là cháu đích tôn đời thứ 7 của
Lý Cảo. Tuy nhiên giới học thuật đến nay vẫn chưa khẳng định được điều này.
- Tại hạ chính là cháu đích tôn đời thứ mười sáu của Phi tướng quân Lý Quảng. Vào đầu đời Hán, tổ tiên ta nhận lệnh đi chinh phạt người Khương ở Lũng Tây, không may tử trận. Con cháu cùng nhau kéo về Lũng Tây chịu tang và an táng người tại Lũng Tây. Sau đó, cả gia đình đã di cư đến đây, tính đến nay đã được hơn bốn trăm năm.
Tôi gật đầu, tiếp lời:
- Tướng quân Lý Quảng chinh chiến cả đời nhưng không thoả nguyện, vì ngài
không được phong hầu. Sau cuộc bại trận năm sáu mươi, vì không muốn phải chịu nỗi nhục xét xử, ngài đã tự vẫn, thật xót xa. Có điều...
Tôi ngừng lại, anh ta trở nên hiếu kỳ, hai tay chắp lại:
- Tại hạ xin được rửa tai lắng nghe ý kiến của phu nhân.
- Thiếp tôi nói lời thẳng thắn, có phần mạo phạm, xin công tử bỏ quá cho!
Tôi khẽ cúi người.
Xét thấy anh ta không có phản ứng gì gay gắt, tôi liền tiếp tục:
- Tướng quân Lý Quảng yêu lính như con, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi trận
đánh, khiến binh sĩ tâm phục mà xả thân vì ngài, uy danh của ngài lẫy lừng trong quân đội. Tiếc thay, ngài quá ư tự mãn, không giỏi mưu lược, tuy ngài là bậc anh hùng, dũng mãnh, nhưng không phải là một vị chỉ huy tài ba. Ngài lại có khuyết điểm là lòng dạ hẹp hòi, thường lấy việc công trả thù riêng, ngài lại là người liều lĩnh, ưa mạo hiểm.tính cách ấy tuy có thể giúp ngài lập nên kỳ công, nhưng cũng dễ khiến ngài thảm bại. Và điều đáng trách nhất ở ngài là sự cố chấp, không tuân theo mệnh lệnh, nên không được lòng thượng cấp, đặc biệt ngài bị đại tướng quân Vệ Thanh và Hán Vũ Đế ghét bỏ. Lý Quảng không được phong hầu phần vì số phận trêu ngươi, nhưng phần cũng do những sai lầm của bản thân ngài.
Tôi vừa nói vừa quan sát. Anh ta chứng như không nhẫn nhịn nổi, mặt mày sa sầm, định lên tiếng, nhưng lại thôi. Nhấp thêm một ngụm trà, chỉ một lát, vẻ mặt anh
ta đã trở lại trạng thái bình thường, khẽ gật đầu:
- Phu nhân phân tích rất sâu sắc, tại hạ đã được mở mang rất nhiều!
Tôi thầm thán phục con người này, anh ta quả nhiên là người làm nên nghiệp lớn,
trầm tĩnh, sâu xa khó đoán, nhưng cũng rất thức thời, ứng xử đúng mực, khôn khéo. Sử sách mô tả anh ta là một người văn võ song toàn, kết giao rộng rãi với những người nổi tiếng, tính tình hiền hoà, sâu sắc. Khi Lý Cảo còn rất trẻ, nhiều người khẳng định, ngày sau anh ta sẽ thành tài. Trong giai đoạn mà nhà Tiền Tần vẫn còn sự thống trị của Lữ Quang, Lý Cảo buộc phải ngậm ngùi chôn vùi tuổi thanh xuân trong suốt nhiều năm tháng bất đắc dĩ, đối với anh ta, sự chịu đựng đó hẳn rất đau khổ.
- Lý công tử không vì những lời ngoa ngôn của thiếp tôi mà nổi trận lôi đình, công
tử quả là người đại lượng, chả trách danh tiếng của công tử nổi như cồn, chỉ tiếc là...
Tôi liếc nhìn anh ta. Tôi không thể hù doạ một người có tham vọng và thận trọng như anh ta bằng những quẻ bói giống như với Đoàn Nghiệp. Nếu muốn anh ta tình nguyện rút tiền cứu trợ nạn dân, tôi phải phân tích thiệt hơn, phải thuyết phục anh ta bằng lí lẽ về hướng phát triển của lịch sử và tâm nguyện của người dân.
- Chỉ tiếc điều gì vậy?
Anh ta nhướng mày, giọng nói vẫn giữ nguyên độ trầm tĩnh. Tôi mỉm cười, dõng
dạc:
- Cuộc đời bi kịch của tướng quân Lý Quảng không khỏi khiến người ta ngậm ngùi tiếc nuối, nhưng Lý công tử hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm từ bài học của người đi trước để chuẩn bị cho tương lai của mình. Công tử là người sáng suốt, giàu tham vọng lại giỏi mưu lược, nếu nhà Tiền Lương của họ Trương vẫn tồn tại, với xuất thân danh gia vọng tộc, chắc chắn công tử sẽ được phong hầu phong tước giống các bậc tiên tổ. Tiếc thay, họ Lữ kia thừa cơ nhà Tần đại loạn, chiếm lấy Lương Châu. Nhà họ Lý lại chưa từng có công lao gì với họ Lữ, nên cha con Lữ Quang đương nhiên không xếp họ Lý vào hàng tâm phúc. Văn ôn võ luyện, mong thành tài để được giúp sức cho bậc đế vương, đó vốn là khát vọng của các đấng nam nhi. Có điều...
Tôi cố ý ngừng lại, thong thả thưởng trà. Đến lúc này thì Lý Cảo dường như đã hết
kiên nhẫn, đổ người về phía trước, giọng thành khẩn:
- Xin phu nhân chỉ giáo!
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, hạ thấp giọng:
- Có điều, nếu bậc đế vương ấy tài hèn đức mọn, sớm muộn cũng sẽ làm mất lòng
dân. Lữ Quang là kẻ đa nghi, bạo ngược, đám con cháu của ông ta lại càng ngỗ nghịch, hung hãn. Nếu công tử nuôi hy vọng một ngày kia họ Lữ sẽ thu dụng nhân tài, thì e là công tử sẽ phải thất vọng. Công tử đã gần bốn mươi tuổi, tuy sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhưng lại không biết tận dụng thời kỳ loạn lạc này mà gây dựng cơ
nghiệp, công tử không thấy đáng tiếc hay sao?
Ánh mắt anh ta lộ vẻ kinh ngạc, nhìn tôi trân trân, nhưng sắc mặt vẫn không hề
biến đổi. Tôi khẽ sáp lại gần anh ta, hạ thấp giọng hơn nữa:
- Công tử cứu trợ nạn dân, cần chi tính toán chuyện có được tiếng tốt, lọt vào mắt xanh của ai đó không. Quyên góp làm từ thiện chẳng phải là một cách thu phục lòng
dân, đặng phục vụ cho việc gây dựng nghiệp lớn sau này đó sao?
Mười năm sau, Lý Cảo hưởng ứng cuộc nổi dậy chống lại Lữ Quang của Đoàn Nghiệp và Thư Cừ Mông Tốn, với mục đích tìm kiếm cơ hội. Anh ta được Đoàn Nghiệp phong tước Thái thú Đôn Hoàng. Nhưng Đoàn Nghiệp tài mỏng, không khống chế nổi Lý Cảo, để cho thế lực của họ Lý ở Đôn Hoàng ngày càng lớn mạnh. Và rồi vào năm 400 sau Công nguyên, Lý Cảo tự lập mình làm Lương công, sử gọi là nhà Tây Lương, một trong mười sáu nước thời Thập lục quốc. Khi ấy Lý Cảo đã năm mươi tuổi.
Anh ta đứng phắt dậy, nhìn tôi trừng trừng, khuôn ngực phập phồng. Tôi nâng tách
trà lên, nhấp một ngụm, điềm tĩnh đón lấy ánh mắt khó đoán của anh ta:
- Đây chỉ là nội dung câu chuyện phiếm của pháp sư và tôi, có chỗ nào không
phải, xin công tử bỏ quá cho!
Lý Cảo nhìn tôi hồi lâu, trịnh trọng thi lễ:
- Chả trách phu nhân có thể bỏ ngoài tai những định kiến của người đời, kết duyên
cùng vị cao tăng. Trí tuệ và sự hiểu biết của pháp sư thật sâu sắc. Nơi này tai vách mạch rừng, nếu phu nhân tin tưởng tại hạ, xin mời theo tại hạ vào nhà trong bàn chuyện.
Tôi hân hoan rời khỏi phủ họ Lý, đi thẳng tới điểm xuất phát cháo cứu đói. Nạn
dân phần lớn đến từ Đôn Hoàng. Tửu Tuyền, chính là vùng đất mà ngày sau Lý Cảo cát cứ, xưng vương. Cha con Lữ Quang là những kẻ vô đạo, không có bất cứ động thái nào cứu trợ nạn dân, sớm muộn cũng sẽ mất đi sự tín nhiệm của nhân dân. Lúc này dốc sức làm việc thiện sẽ là một dịp tốt để mua chuộc lòng dân, chuẩn bị cho cuộc phản loạn ngày sau. Lý Cảo hiểu rõ điều này, nên tôi chỉ nói vài câu, anh ta đã gật đầu đồng ý cấp lương thực cứu trợ. Sau khi bàn bạc các công việc cụ thể liên quan đến việc phát chẩn, anh ta đã yên tâm giao phó toàn quyền cho tôi.
Đang bước đi hoan hỉ, bỗng tôi nghe thấy tiếng gọi từ phía sau:
- Công chúa!
Kể từ lúc đến Guzang, trừ những người cùng đi với chúng tôi, không ai gọi tôi là
công chúa. Quay đầu lại, tôi nhận ra Đỗ Tấn trong bộ áo giáp sắt, cùng một toán tuỳ tùng đang rảo bước về phía mình. Có vẻ như ông ta lại chuẩn bị xuất chinh.
- Tôi đang đi tìm công chúa, không ngờ gặp được ở đây. Tôi mời công chúa một
tách trà được không?
Đỗ Tấn lịch sự cúi chào tôi, bộ giáp sắt hắt lên những tia sáng lạnh sắc.
Chúng tôi cùng bước vào một quán trà. Đang thời kỳ thiên tai, nên khách khứa
vắng vẻ, chúng tôi chọn một buồng dành cho thượng khách và ngồi xuống chiếc bàn kê cạnh cửa sổ. Bộ râu quai nón rậm rạp trên gương mặt thân thiện, giọng nói của Đỗ
Tấn rất mực chân thành:
- Được biết pháp sư và công chúa dốc toàn bộ tài sản cứu trợ thiên tai, tôi vô cùng khâm phục và lấy làm hổ thẹn.
Tôi khiêm tốn đáp lời, trong lòng không khỏi băn khoăn, vì sao Đỗ Tấn lại muốn
gặp riêng tôi. Ông ta tươi cười đôn hậu, lấy ra một túi nhỏ đặt vào tay tôi:
- Đây là chút lòng thành của tôi, mong rằng có thể giúp được pháp sư.
Tôi nhanh nhẹn cảm tạ và đón lấy túi ngân lượng nặng trình trịch.
- Còn đây là chìa khoá căn nhà mà tôi mua được ở khu phía Tây thành Guzang.
Tuy không rộng lắm, nhưng đồ đạc trong nhà đầy đủ cả.
Ông ta rút ra một chùm chìa khoá, đặt trước mặt tôi.
- Tôi chuẩn bị lên đường chiến đấu, không biết ngày nào trở về. Nếu pháp sư và
công chúa không chê, tôi xin giao căn nhà cho hai vị quản lý giùm.
Tôi lấy làm khó hiểu, Lữ Quang buộc chúng tôi phải sống trong cung kia mà, vì
sao ông ta lại tặng căn hộ cho chúng tôi?
Như thể đọc thấy những băn khoăn trong mắt tôi, Đỗ Tấn thở dài:
- Trong buổi chầu hôm nay, nhà vua ban lệnh phân phối lương thực cho trận đánh
dẹp quân phản loạn lần này, viên quan phụ trách kho lương báo cáo rằng, trong kho vẫn còn một lượng lương thực dư thừa. Pháp sư nghe vậy đã yêu cầu nhà vua phát chẩn cứu trợ thiên tai. Nhưng nhà vua không chịu, nên hai người đã xảy ra tranh chấp kịch liệt. Trong lúc tức giận, nhà vua đã đuổi pháp sư ra khỏi cung.
Tôi hoảng hốt:
- Pháp sư có sao không? Ngài bây giờ ở đâu?
- Nhà vua nổi trận lôi đình, nhưng sau khi nghe lời khuyên giải của bá quan văn
võ, ngài chỉ ra lệnh cho pháp sư dọn ra khỏi cung, từ nay không được can dự việc triều chính nữa. Có lẽ lúc này pháp sư đã quay về nơi ở để thu dọn đồ đạc.
Tôi thở phào, nhìn chùm chìa khoá đặt trên bàn, do dự.
Đỗ Tấn chắp tay cung kính, giọng nói thành khẩn:
- Đỗ Tấn được pháp sư và phu nhân giúp đỡ nhiều lần, từ lâu đã muốn được báo
đáp. Nhưng nếu giao chìa khóa trực tiếp cho pháp sư, với tính cách của ngài, e là ngài không chịu nhận, nên tôi đành đến tìm công chúa.
Ông ta đẩy chùm chìa khoá về gần phía tôi hơn nữa, chòm râu rung rung:
- Phật pháp ở Guzang không mấy phát triển, trong thành chỉ có vài ngôi miếu nhỏ.
Với thân phận cao quý như pháp sư, không thể sống ở những nơi như vậy. Tiền bạc của hai vị, xin hãy dành để cứu trợ cho nạn dân.
Ngẫm nghĩ một lát, tôi nhận lấy chùm chìa khoá, không quên bày tỏ lòng biết ơn. Đỗ Tấn nói đúng, với tính cách cao ngạo của mình, Rajiva sẽ không chịu nhận món quà này. Nhưng chúng tôi phải dành tiền để làm việc quan trọng khác, không thể bỏ ra một khoản lớn để mua nhà được.
Hôm đó, sau khi gặp Đỗ Tấn, tôi đến thẳng điểm phát chẩn, giao việc cho Hô Diên Bình và Đoàn Sính Đình, đồng thời thông báo với họ tôi đã tìm được nguồn tài trợ dồi dào, ngày mai sẽ có nhiều lương thực cho nạn dân. Sau đó tôi vội vã trở về.
Rajiva đang thu dọn hành lý, y phục đã được trút từ tủ quần áo xuống và bày la liệt trên giường. Chàng chau mày căng thẳng, chắc là đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Những bộ áo quần đã gấp một lần, lại tháo tung ra, cứ thế hồi lâu mà vẫn không món nào ra món nào. Tôi bước tới, đỡ việc thay chàng. Chàng không quen làm việc nhà, để chàng đụng vào, chỉ càng thêm rối.
Tôi kể qua loa với chàng về căn nhà mà Đỗ Tấn giao cho chúng tôi, và rằng, chỉ cần mang theo đồ dùng thiết yếu là chúng tôi có thể dọn đến đó ở được. Tôi vừa thu dọn, vừa động viên chàng, rời khỏi hoàng cung cũng là một chuyện đáng mừng. Lữ Quang đang phải lo đối phó với quân phản loạn, không có thời giờ để mắt đến chàng nữa, chàng có thể tự do làm những việc chàng thích.
Chờ khi tôi đã sắp xếp mọi thứ ổn thoả, tâm trạng chàng cũng đã khá hơn, sắc mặt tươi tắn hơn nhiều. Chúng tôi ra khỏi cung, ngồi lên chiếc ngựa mà Đỗ Tấn chuẩn bị sẵn, lên đường đến nhà mới của chúng tôi.
Chương 68: Sự sống mong manh
Chỗ ở mới của chúng tôi là một căn hộ không quá rộng gồm hai dãy nhà, mỗi dãy có bốn gian và một phòng khách ở giữa có năm cửa chia về năm hướng. Nếu chỉ hai chúng tôi sống ở đây thì quá ư rộng rãi. Đồ đạc trong nhà đều đã được sắm sửa đầy đủ, cho thấy Đỗ Tấn tận tình nhường nào. Nhờ ông ấy mà chúng tôi có ngay một nơi
ở mới, không phải vất vả tìm nhà trọ nữa.
Tôi và Rajiva đã bàn bạc và thống nhất sẽ đón cả gia đình Mộ Dung Siêu về đây ở cùng. Hô Diên Bình là người đàn ông chí tình chí nghĩa, cảm kích trước lòng tốt của chúng tôi, anh ta nhận cáng đáng mọi công việc vất vả trong nhà. Công Tôn Thị lo việc cơm nước và giặt giũ. Hằng ngày, Hô Diên Bình và Đoàn Sính Đình cùng tôi nấu cháo kê và cháo cao lương phát cho nạn dân. Buổi tối, lúc rảnh rỗi tôi dạy Mộ Dung Siêu và Hô Diên Tĩnh học bài. Cả nhà họ vẫn giấu giếm thân phận thực sự, nhưng tôi không truy xét.
Còn Rajiva, bây giờ không phải theo hầu Lữ Quang nữa nên hàng ngày, chàng cùng tôi đến điểm tập trung nạn dân, khám bệnh và thuyết giảng kinh Phật cho họ. Con người gặp lúc thiên tai địch hoạ, trải bao cay đắng tủi cực, mang trong lòng nỗi tuyệt vọng với cuộc đời hiện tại, nên họ rất dễ tiếp nhận Phật giáo, vì họ gửi gắm niềm hi vọng vào kiếp sau. Tín đồ của Rajiva ngày một đông. Và chàng dường như cũng thoải mái với cuộc sống này hơn, vì từ nay chàng có thể truyền bá đạo Phật cho dân chúng. Ngày nào cũng bận rộn, nhưng gương mặt chàng luôn rạng rỡ, không còn vẻ ủ dột, u tối như thời gian trước nữa.
Hô Diên Bình một mình sống trong nhà kho, anh ta ít nói, chỉ lặng lẽ chăm sóc và bảo vệ cả nhà Mộ Dung Siêu. Thi thoảng mới bắt gặp ánh mắt âu yếm của anh ta dành cho Đoàn Sính Đình. Tôi tin rằng Sính Đình cũng có tình cảm với Hô Diên Bình. Nhưng giữa họ là sự ngăn trở về thân phận, nên đành kìm nén tình cảm. Nhiều lần muốn tác thành cho họ, nhưng tôi không biết phải mở lời ra sao. Không có tài liệu nào ghi chép về việc Đoàn Thị tái giá. Có lẽ họ sẽ kìm nén tình cảm của mình suốt đời. Tôi thầm thanh thở, trong thời loạn lạc này, đảm bảo sự sinh tồn còn quan trọng hơn cả tình yêu.
Giữa tháng mười một, hai mươi tư nhà sư Khâu Từ mặt mũi lem nhem bụi cát tìm đến nơi ở của chúng tôi. Họ đã bất chấp hiểm nguy, vượt qua sa mạc, đi suốt nửa năm trời để đến được đất Guzang này, tìm gặp sư phụ Kumarajiva của họ. Rajiva gặp lại họ trong nỗi xúc động dâng trào, nước mắt lưng tròng. Ngay cả tôi, cũng cảm động sâu sắc trước ý chí và quyết tâm của các nhà sư này.
Đệ tữ của Rajiva mang đến rất nhiều vật phẩm khiến chúng tôi ngạc nhiên. Ngoài ngân lượng, quần áo mới, còn có cả đặc sản của Khâu Từ, tất cả đều do Pusyseda chuẩn bị. Thì ra chính Pusyseda đã tài trợ toàn bộ kinh phí cho họ. Ngoài tiền bạc, chúng tôi còn nhận được hai bức thư. Một của Pusyseda, cậu ấy báo tin gia đình ở
Khâu Từ đều bình an, Cầu Tư, Vĩnh Tư ngoan ngoãn, đáng yêu. Cậu ấy căn dặn
chúng tôi giữ gìn sức khoẻ, nếu có dịp, hãy về thăm quê hương. Một bức thư khác là của người thầy và cũng là người bạn Buddhayassa của Rajiva viết. Thuở thiếu thời, Rajiva từng theo học giáo lý Đại Thừa từ người thầy này ở Salaq. Buddhayasa đã biết chuyện Rajiva phá giới, kết hôn, nên bày tỏ niềm nuối tiếc vô hạn, nhưng không khiển trách chàng nghiêm khắc. Được thầy thấu hiểu, Rajiva vô cùng cảm kích.
Guzang không có chùa chiền đúng nghĩa, thời điểm này chúng tôi cũng không dư dả để tìm chỗ ở khác cho họ. Bởi vậy nhà chúng tôi, trong một lúc đã có thêm hai mươi tư thành viên mới. Đôi khi, tôi cảm thấy rất kỳ lạ về gia đình này. Từ góc độ xuất thân, chúng tôi có nhà sư, vợ nhà sư, còn có cả quốc vương, hoàng hậu và thái hậu tương lai nữa. Tất cả đã họp lại thành một gia đình kỳ lạ và công việc hàng ngày của đại gia đình đó là đến khu vực tập trung đông dân chạy nạn. Giờ đây, Rajiva đã có thể giao việc giảng kinh thuyết đạo cho các đệ tử, chàng chịu trách nhiệm phần việc khác: khám chữa bệnh.
Theo như tài liệu tôi đọc được, thì giá cả lương thực sẽ còn tiếp tục tăng cao. Bởi vậy, tôi đã thuyết phục Lý Cảo, xuất tiền mua lương thực tích trữ. Riêng tôi, đã bỏ ra phần lớn số tiền mà chúng tôi có để mua hai trăm đấu cao lương, một trăm đấu gạo kê và năm mươi đấu tiểu mạch, chất đầy gian nhà kho. Tôi cứ nghĩ, với sự trợ giúp của Lý Cảo và sự chuẩn bị của chúng tôi, việc cứu tế sẽ được duy trì trong một thời gian. Nào ngờ, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông đến.
Cuối tháng mười một, trời bỗng chuyển rét đột ngột, gió lạnh căm căm, tuyết ào ạt đổ xuống như trút. Nạn dân ngày một đông. Vùng Nam Quận, Tây Bình vốn không chịu thiên tai nghiêm trọng, nhưng vì Lữ Quang tiến đánh quân phản loạn do hai Thái thú nhà Tiền Tần cầm đầu, nên người dân ở hai vùng này đã ồ ạt chạy đến Guzang lánh nạn. Hàng ngày có khoảng bảy, tám vạn con người nước da vàng vọt đứng xếp hàng trước điểm phát cháo của chúng tôi. Tuyết trắng rơi trên vai, chờ đến lượt mình được phát đồ ăn, thì ai nấy đều đã biến thành người tuyết, những cánh tay phủ đầy vết lở loét do giá rét gây nên, lẩy bẩy chìa ra. Liên tục có người ngã xuống trong lúc xếp hàng và không bao giờ đứng lên được nữa. Rajiva không muốn một nạn dân nào chết đói. Nhưng chỉ e là họ chưa chết đói nhưng đã bị chết rét rồi.
Tôi đã thuyết phục Lý Cảo quyên tặng một nghìn bộ áo bông, nhưng chỉ đủ chia cho những người già cả, bệnh tật. Chúng tôi cũng bỏ tiền ra mua thêm vài trăm bộ nữa, song hàng ngày vẫn có những chiếc xe ba gác chở những xác người chết cóng ra ngoại thành. Lương thực dự trữ cạn kiệt nhanh chóng. Mỗi ngày, sau khi phát hết
cháo, vẫn còn một hàng dài nạn dân nhìn chúng tôi trân trối. Nồi cháo cứu đói ngày
một loãng, vậy mà vẫn không đủ để chia cho mỗi người một bát. Tôi đi mua thêm gạo và phải chịu mức giá cao gấp đôi lúc trước.
Lý Cảo là người bỏ ra khoản tiền quyên góp nhiều nhất. Mặc dù nồi cháo của chúng tôi không đủ chia cho tất cả mọi người, nhưng tôi không thể yêu cầu anh ta mua thêm gạo. Rajiva yêu cầu tôi bổ sung lương thực cứu trợ bằng chính nguồn lương thực dự trữ dành cho nhà chúng tôi. Bởi vậy, gạo trong nhà kho của chúng tôi cũng nhanh chóng vơi dần. Tình cảnh của chúng tôi cũng không lấy gì làm khá hơn. Bởi vì chúng tôi không có bất cứ nguồn thu nhập nào, trong khi hàng ngày lại phải lo ăn từng bữa cho cả một núi người. Khoản tiền Pusyseda gửi cho chúng tôi không thể đủ để duy trì cả một đại gia đình như thế này. Tôi là người quản lý về tài chính, nên nỗi trăn trở mỗi ngày của tôi là đến khi nào thì chúng tôi phải rao bán đồ đạc để mua
lương thực?
Rajiva hầu như không có bất cứ ý niệm nào về tiền bạc, vì theo giới luật, chàng không được mang tiền trong người, bất kể đưa cho chàng bao nhiêu, chàng cũng sẽ tiêu hết sạch. Nếu không bố thí cho ăn mày thì sẽ dùng để mua sách. Nhiều năm sống cuộc đời thượng lưu đã hình thành nên căn bệnh quý tộc điển hình ở chàng. Đơn cử như việc ăn uống chẳng hạn, "cơm càng trắng tinh càng thích, thịt thái càng nhỏ càng
ngon" , chàng thích màu sắc tinh tế. Tuy chàng không nói ra, nhưng tôi biết chàng [ 1]
không thích cháo cao lương. Thực ra, có ai thích ăn đâu! Cháo kê còn có chút hương thơm, cháo cao lương có vị chát và rất khó nuốt.
[1] Sách "Luận ngữ", thiên 10 "Hương Đằng" - Khổng Tử.
Tôi là người Giang Nam, từ nhỏ đã quen ăn lúa gạo. Sống ở Khâu Từ lâu ngày
cũng làm quen được với bột mì. Đến Guzang, lần đầu tiên nếm thử cao lương, tôi mới biết cao lương khó ăn thế nào. Hơn nữa, ăn bánh cao lương hấp đễ khiến bụng phình ra. Nhưng cao lương lại có khả năng chịu khô hạn tốt. Vào đợt hạn hán mùa hè, khi mà lúa mì lúa mạch đều cháy khô, thì chỉ còn cao lương là cho thu hoạch, nên giá cao lương rẻ nhất. Chúng tôi chủ yếu cứu trợ nạn dân bằng cao lương và gạo kê. Còn riêng với đại gia đình chúng tôi, Công Tôn Thị và Đoàn Sính Đình làm sẵn bánh bột mì rán, bánh bao và bánh nướng, mang tới điểm phát chẩn cho chúng tôi ăn. Tôi không vĩ đại đến mức, nạn dân ăn gì chúng tôi ăn nấy. Điều kiện kinh tế hiện tại của chúng tôi, kể cả chắt bóp tiết kiệm cũng chưa đến mức phải như vậy.
Về khoản phục trang thì Rajiva rất thoải mái, bởi vì trang phục của chàng luôn
luôn là áo cà sa, nếu có khéo vá vài ba chỗ thì chàng vẫn chịu mặc. Tuy nhiên chàng
yêu cầu phải phẳng phiu, gọn ghẽ, căn bệnh ưa sạch sẽ của chàng đôi lúc hơi thái quá. Những ngày qua bận rộn giữa đám đông nạn dân, chàng không tỏ ra ngần ngại, nhưng mỗi khi về tới nhà, chàng lập tức trút bỏ y phục, và ngày hôm sau, chàng sẽ mặc một bộ quần áo sạch sẽ, thơm tho khác.
Nhưng Rajiva có một khoản chi tiêu tốn kém khác: mua sách. Khi tới đây, chàng chỉ mang theo những cuốn quan trọng trong kho tài liệu thư tịch của chàng ở Khâu Từ, nhưng chỉ thế thôi, số sách ấy cũng đã là hành lý nặng nhất của chúng tôi trên đường đi. Đến Guzang, thư tịch, tài liệu tiếng Hán bày bán khắp nơi, chàng ra sức tiếp nhận nguồn văn hoá Hán dồi dào như thể bọt biển thấm nước. Đọc sách trở thành sở thích lớn nhất của chàng lúc rảnh rỗi. Đọc sách giúp gây dựng nên nền tảng văn hoá và ngôn ngữ Hán cho công việc dịch thuật kinh Phật của chàng ngày sau, bởi vậy lúc đầu tôi không hề có ý định hạn chế chàng mua sách. Nhưng phương pháp in chữ rời bằng hợp kim chưa ra đời, giấy in lại đắt đỏ, nên vào thời đại này, sách vở, thư tịch đắt hơn vật dụng hàng ngày hàng mấy chục lần. Rajiva có thói quen là khi thấy ưng ý cuốn sách nào, chàng sẽ mua ngay mà không quan tâm đến giá cả, tôi luôn là người ngậm ngùi dốc hầu bao ra thanh toán.
Người đàn ông này chỉ giỏi làm lãnh tụ tinh thần, chàng hoàn toàn không hiểu những thứ liên quan đến đồng tiền bát gạo. Cũng may, ngay từ khi còn ở Khâu Từ, tôi đã ý thức được rằng cần phải rèn luyện bản thân để thích nghi với đời sống cổ đại, nên khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, tôi cũng không đến mức bế tắc.
Bước sang tháng mười hai, số lượng nạn dân đã tăng vọt lên con số khổng lồ hơn một trăm nghìn người, đúng bằng dân số thành Guzang. Guzang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế nghiệm trọng, mọi thứ đều trượt giá, ngoại trừ lương thực. Nhiều người đã phải treo biển rao bán tài sản, nhưng đến cuối ngày vẫn không đủ tiền để đong một đấu gạo.
Cây cối trên ngọn núi bên ngoài thành Guzang, nơi tập trung đông nạn dân đều đã bị vặt trụi lá, các loại cỏ dại tuyết phủ trắng xoá đều bị nhổ trụi gốc. Gốc cao lương, gốc rạ, gốc lúa mạch, thậm chí cả chăn bông đều trở thành lương thực cứu mạng. Nạn dân giã nhỏ những thứ đó, đổ nước vào ninh cả ngày trời, cốt để lắng chút tinh bột. Ngày nào cũng có người trúng độc vì ăn phải cây cỏ có độc. Và thường là đa số khi biết tin, Rajiva lập tức đến cứu chữa, nhưng đa số người bệnh đã sùi bọt mép, mặt mày tái dại, biến dạng và tử vong.
Trong số họ có người bắt đầu bị bệnh phù thũng, chỉ ấn nhẹ là chất dịch màu vàng
chảy ra, đi lại lắc lư khó khăn. Có người đói quá, ăn cám, ăn đất sét trắng bị táo bón, người gầy da bọc xương, nhưng vác một cái bụng ỏng to tướng. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh họ lột bỏ quần áo, chổng mông lên giời, giúp nhau đào phân bằng cành cây, máu chảy ròng ròng. Người bị đào kêu la, rên rỉ, dù tôi có chạy bao xa, những tiếng kêu thảm thiết ấy vẫn văng vẳng bên tai, ám ảnh tôi.
Cuộc chiến chống quân phản loạn của Lữ Quang không thuận lợi, trên phố xuất hiện những cáo thị kêu gọi tòng quân, độ tuổi từ mười lăm đến năm mươi. Cáo thị nêu rõ, gia nhập quân đội sẽ được ăn no mặc ấm. Chỉ mấy chữ ấy thôi, đã khiến hầu hết nam giới trong đám đông nạn dân, dù chỉ còn chút sức mỏng cũng đăng ký xung quân. Họ xếp thành hàng dài trước lầu trống.
Tôi, Rajiva, Hô Diên Bình, Đoàn Sính Đình cùng hơn hai mươi đệ tử của Rajiva ngang qua lầu trống. Con trai thứ của Lữ Quang là Lữ Hoằng phụ trách thu dụng binh sĩ, nhìn thấy chúng tôi, hắn ta ngoảnh mặt làm ngơ. Tôi lấy làm bực mình, để xem ngươi đắc ý được bao lâu! Sau khi Lữ Soạn hại chết Lữ Thiệu, hắn cũng muốn xưng vương xưng bá, nhưng bị Lữ Soạn đánh bại và giết chết. Con cháu của Lữ Quang,
ngoài việc tàn sát lẫn nhau thì chẳng kẻ nào có tài cán gì!
- Thưa quan, xin hãy cho con bánh bao, con xung quân cũng chỉ vì muốn đổi bánh bao cho mẹ con thôi.
Giọng khàn khàn vỡ tiếng thu hút sự chú ý của chúng tôi. Mặt búng ra hơi sữa, chú bé này nhiều nhất cũng chỉ mười ba tuổi, vẫn còn chảy nước mũi, hai má tím tái vì cóng, chân chú xỏ một đôi giày rách bươm, ngón chân thò cả ra ngoài, két bẩn đen sì, không nhìn rõ đầu ngón chân đâu nữa.
- Khi nào vào doanh trại mới phát bánh bao, bây giờ chưa có.
Viên quan nọ đang mải ghi chép danh sách, gắt lên.
- Vậy phải đợi đến khi nào?
- Nhiều chuyện, có đăng ký không thì bảo? Người tiếp theo!
- Con có, con có ạ.
Chú bé ấn ngón tay cái đã chấm mực lên tờ giấy. Một mạng người đã được bán rẻ
như vậy đó! Chú bé vẫn còn là trẻ con kia mà!
- Thuận ơi, đừng xung quân con ơi, con mới mười ba tuổi thôi mà.
Một người phụ nữ lảo đảo chạy đến, vừa kéo tay chú bé vừa gào khóc.
- Thưa quan, con đã mười lăm tuổi rồi, mẹ con không muốn con đi nên mới nói
vậy.
Chú bé vội vàng giải thích khi thấy viên quan chau mày lại. Mấy tên lính xô lại, kéo tay người mẹ ra và dẫn chú bé đi về hướng doanh trại.
Chú bé quay đầu, gào lên gọi mẹ:
- Mẹ ơi, lát nữa được phát bánh bao, con sẽ mang về cho mẹ.
Chứng kiến cảnh tượng đáng thương ấy, không ai không mủi lòng. Chú bé ngây
thơ quá, đã vào doanh trại quân đội, em làm sao có thể ra ngoài được nữa. Tôi quay sang Rajiva, thấy chàng đưa tay vào trong ngực áo lần tìm, nhưng không còn gì cả,
chàng ghé vào tai tôi:
- Nàng còn tiền không?
Tôi gật đầu, rút ra vài đồng, bước đến bên người mẹ vẫn không thôi than khóc,
đưa tiền cho chị. Chị ta ngẩng đầu, khuôn mặt lấm lem không nhìn rõ màu da nữa.
Chị không nhận tiền mà quỳ sụp xuống trước mặt Rajiva:
- Tôi không cần tiền! Pháp sư, làm ơn tụng kinh cầu cho con trai tôi được bình an trở về.
Rajiva cảm động, muốn đỡ người phụ nữ lên, tôi vội kéo chị ta dậy.
- Pháp sư, xin hãy tụng kinh cầu cho con trai tôi nữa.
- Pháp sư, cả cháu nữa, cháu là trẻ mồ côi, xin hãy tụng kinh cho cháu.
- Pháp sư...
Những tiếng nghẹn ngào thống thiết lan khắp hàng ngũ, Rajiva đưa mắt nhìn khắp
một lượt, hàng nghìn con người áo quần rách nát, chỉ vì một bữa ăn no, họ sẵn sàng rời bỏ người thân, lao mình ra nơi chiến trường sống chết khôn lường. Khoé môi Rajiva run run, ánh mắt chàng ngập nỗi bi thương vô hạn. Chàng quay đầu căn dặn đệ tử vài câu, các đệ tử của ngài liền đến bên những người dân gặp nạn, tụng kinh cầu an cho họ. Hầu hết mọi người trong hàng ngũ đều chắp tay, nhắm mắt, cung kính đón nhận lời ban phúc của Phật tổ.
Những bông tuyết lớn bắt đầu đổ xuống ào ạt xen lẫn giữa tiếng tụng niệm rì rầm, tiếng nức nở than khóc, những trang giấy tiếp tục được đóng dấu đỏ và chồng lên chất ngất trên bàn đăng ký.
Đêm đó, Rajiva trằn trọc mãi không ngủ được, sắc trắng thê lương của tuyết lạnh ngoài trời đông hắt qua cửa sổ, dội lên thần sắc u buồn thăm thẳm của chàng.
- Ngải Tình, chúng sinh sống trong cuộc đời này phải chịu bao khổ nạn, mà ta bất tài vô dụng, không ngăn được thiên tai, càng không chặn nổi địch hoạ. Vậy ta có thể
làm gì để giúp họ?
Tâm trạng của tôi lúc này cũng nặng nề không kém chàng. Tôi lặng lẽ khoác áo
bông cho chàng, nắm lấy tay chàng và dựa vào vai chàng
- Chàng có thể làm được rất nhiều việc. Phật giáo vốn được sinh ra trong khổ nạn. Đức Phật thấu tỏ cuộc đời này chỉ toàn khổ đau, nên đã khai sáng ra Phật giáo. Đó là niềm an ủi của chúng sinh trong khổ nạn và là ước vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Một nhà triết học phương Tây từng nói rằng: "Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh
bị áp bức là trái tim của thế giới không có trái tim". [ 2]
[2] Câu nói của Kart Marx.
Xoay người lại, đối diện với chàng, tôi nắm chặt bàn tay chàng:
- Rajiva, hãy làm những gì chàng có thể làm để an ủi tâm linh những con người
khốn khổ ấy. Có thể họ không sao thoát khỏi số mệnh phải chết đói chết cóng, nhưng chí ít, hãy giúp họ nuôi dưỡng niềm tin vào kiếp sau, để họ được yên lòng khi nhắm mắt xuôi tay.
Chàng quay đầu nhìn tôi. Chúng tôi không đốt tiền để tiết kiệm tiền, màu trắng của
tuyết phản chiếu vẻ bi ai trầm lặng trong vòm mắt sâu hun hút của chàng. Kéo tôi vào lòng, chàng khe khẽ gọi tên tôi. Tôi để mặc nước mắt mình thấm đẫm ngực áo chàng. Những cảnh tượng mà tôi phải chứng kiến nhiều ngày qua, đối với tôi, đã, đang và sẽ mãi là những vết thương trong tâm hồn.
Kế hoạch chiêu dụng binh sĩ của Lữ Hoằng đã kết thúc sau năm ngày, tổng số binh sĩ xung quân khoảng hơn ba mươi nghìn người. Ngoài người già, người bệnh, tôi không còn thấy bóng dáng của thanh niên trong đám đông dân chúng bị thiên tai nữa. Ba ngày sau, Lữ Hoằng dẫn theo đoàn quân mới, cùng rất nhiều lương thực, lên đường viện trợ cho Lữ Quang. Trước giờ hành quân, Rajiva cùng các đệ tử đã đến tiễn biệt và cầu phúc cho họ. Dù sao thì các nạn dân xung quân đã được mặc áo bông, họ thắt một sợi dây ngang eo, lưng áo in đậm chữ "lính". Những đôi tay mưng mủ nắm chặt cung, khiên, ánh mắt thẫn thờ. Họ sẽ phải lấy mạng những người xa lạ chỉ vì một cái bánh bao. Thậm chí, trong sự hỗn loạn của chiến tranh, kẻ địch mà họ phải đối đầu rất có thể là người thân của họ.
Ngày hôm đó, khắp thành Guzang đều vang lên tiếng khóc thương ai oán, người ta ngửa mặt lên trời kêu than, mặc cho gió tuyết lộng hành. Tôi chợt nhớ bài dân ca "Hẻm núi chia cắt" thời Bắc triều, miêu tả thảm cảnh anh em một nhà chém giết lẫn
nhau:
"Anh ở trong thành, em ở ngoài thành Cung không dây, tên không móc, giặc đói
hoành hành, làm sao sống?
Đến cứu anh, đến cứu em!"
Nếu không có cuộc thí nghiệm vượt thời gian này, tôi sẽ mãi mãi không thể thấu
hiểu thế nào là sự mong manh của mạng sống con người.
Những ngày tháng bận rộn cứ thế trôi qua, và lần đầu tiên trong đời, chân tay tôi xuất hiện vết lở loét do giá lạnh, vừa buốt vừa ngứa, bôi bao nhiêu gừng cũng không ăn thua. Nhưng điều này cũng không thấm tháp vào đâu so với tin dữ chúng tôi nhận được.
Theo tài liệu tôi đọc được, giữa tháng mười hai âm lịch, giá lương thực sẽ lên đến đỉnh điểm năm trăm quan tiền một đấu gạo, đó là mức giá lương thực cao nhất trong
giai đoạn lịch sử này. Lý Cảo mặt ủ mày chau thông báo với chúng tôi rằng anh ta
không thể chống chịu thêm được nữa.Toàn bộ sản nghiệp của anh ta, từ nhà trọ, quán ăn, tiệm thuốc đều bị đình trệ. Nông dân bỏ ruộng vười đi tha hương cầu thực, nên anh ta cũng không thu được điền tô. Đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất của anh ta từ xưa đến nay. Phần lương thực còn lại trong kho, anh ta phải dành để nuôi sống đại gia đình họ Lý qua mùa đông giá lạnh này.
Thông tin này tựa như tiếng sấm bên tai. Mất đi sự ủng hộ của Lý Cảo, chúng tôi còn có thể duy trì đến khi nào? Tôi và Rajiva hết lời cầu cạnh, nhưng không ăn thua. Anh ta áy náy trả lời rằng: chỉ vì bất đắc dĩ mới phải làm vậy, và rằng ngoài việc cứu đói, anh ta sẵn sàng giúp đỡ.
Tối hôm đó, Rajiva lặng lẽ thu dọn đồ đạc, chàng lọc ra một số thư tịch, trang phục không dùng đến và tất cả những gì có thể bán được, giao cho tôi. Chàng nhìn tôi
mỉm cười, giọng nói chắc nịch:
- Ngải Tình, ta sẽ không mua sách nữa, cũng không cần mỗi ngày thay một bộ y phục, càng không cần cứ cách hơn mười ngày phải có một bữa mặn nữa. Người dân vùng thiên tai ăn gì ta sẽ ăn nấy. Thứ gì có thể tiết kiệm, ta sẽ ra sức tiết kiệm, dù phải khuynh gia bại sản, ta cũng sẽ cứu trợ nạn dân.
Tôi thất kinh, số sách trên tay rơi xuống đất.
- Rajiva, trừ những người xung quân, những nạn dân còn lại cũng phải bảy mươi,
tám mươi nghìn người. Chỉ dựa vào số lương thực dự trữ của chúng ta, nhiều nhất
cũng chỉ có thể duy trì hai đến ba ngày, sau đó, chúng ta phải làm sao?
Chàng lẳng lặng nhặt mấy cuốn sách đặt lên bàn, hướng ánh mắt đăm chiêu vào ngọn đèn dầu bập bùng, ánh sáng hiu hắt rọi trên gương mặt buồn thảm, bất lực của chàng. Tôi biết chàng không đành lòng, nhưng tôi buộc phải nói.
Tôi nhẹ nhàng kéo cánh tay chàng, lựa lời khuyên nhủ:
- Rajiva, từ bỏ đi, chúng ta đã cố hết sức rồi. Chúng ta phải dựa vào số lương thực
này để sống qua mùa đông...
- Không được!
Chàng ngắt lời tôi, từ ánh mắt trong veo ấy hắt ra thứ ánh sáng lạ thường của quyết
tâm cố gắng đến cùng:
- Chúng ta hãy rao bán đồ đạc. Ta sẽ đến nhà từng vị quan để kêu gọi quyên góp. Chưa đến bước đường cùng, ta quyết không từ bỏ.
Chợt nhớ đến mấy câu mô tả ngắn ngủi trong sách "Tấn thư", tôi thấy lòng buồn
vô hạn:
- Nhưng, trận đói này, vốn dĩ...
- Ngày mai, ta sẽ đi gặp Lữ Thiệu.
Chàng không để tâm những lời tôi nói, mắt chàng rực lửa, dưới ngọn đèn dầu vàng
vọt, cả con người ấy toát lên một thần thái kỳ lạ. Trong khoảnh khắc này, chàng giống hệt pho tượng Phật tổ từ bi, thánh thiện, là nguồn sáng duy nhất giữa màn đêm tăm tối.
Tôi đặt tay chàng lên ngực mình, nhìn sâu vào đôi mắt trong suốt như dòng suối
ấy, hít một hơi thật sâu:
- Vâng, đó là lựa chọn của chàng. Em là vợ chàng, em nguyện cùng chàng đồng cam cộng khổ.
Chàng vuốt ve gương mặt tôi, đặt nụ hôn nồng ấm lên má tôi:
- Ngải Tình, nàng gầy đi nhiều...
Chàng vén tóc tôi sang một bên, đáy mắt long lanh. Giọng chàng nghẹn ngào:
- Thời đại của nàng mới tốt đẹp làm sao, không có thiên tai, không có những cuộc
chiến tranh phi nghĩa. Nhưng nàng đã chọn đến bên ta, cùng ta chịu khổ...
Tôi ra lắc đầu, nỗi xúc động trào dâng, tôi ngả vào ngực chàng, bật khóc. Đúng là tôi chưa bao giờ phải chịu kham khổ như thế này, tôi đến từ thế kỷ XXI và đã quen với cuộc sống hoà bình, ổn định, vật chất dồi dào. Nhưng, thời đại của tôi không phải không có những khổ nạn này. Nạn đói ở châu Phi, chiến sự ở Trung Đông, những
cuộc chiến sắc tộc đẫm máu. Chỉ có điều, chúng ở cách tôi rất xa, và nhiều nhất tôi
cũng chỉ có thể phát biểu đôi ba câu bình luận xuýt xoa mà thôi. Không trở về thời kỳ Thập lục quốc của hơn một nghìn năm trước, làm sao tôi tưởng tượng được, sau ba ngày nữa, tôi cũng sẽ bắt đầu phải chịu cảnh đói khổ.
Nhưng tôi không khóc vì sợ hãi những ngày thiếu đói sắp tới, cũng không khóc vì ngày ngày phải chứng kiến cảnh tượng chết chóc la liệt, mà bởi vì tôi biết kết cục của trận đói này. Nhiều lần tôi muốn nói với chàng, nhưng không sao mở lời được. Những ghi chép thê thảm ấy, không nên để chàng biết sớm. Tôi sẽ chịu đựng nó một mình, sẽ làm theo tâm nguyện của chàng, sẽ dốc sức ủng hộ chàng.
------------------
>> Đọc tiếp: Chương 69 - 70
0 comments :
Post a Comment