Chương 73: Trên đỉnh núi phía Đông
Tôi tròn xoe mắt ngắm nhìn căn phòng hoa lệ trước mặt, rồi quay sang Rajiva dò hỏi, nhưng chỉ thấy trên gương mặt gầy guộc của chàng là nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện, đôi đồng tử màu xám nhạt không ngừng dõi theo từng biểu cảm của tôi. Thấy tôi quá đỗi ngạc nhiên, niềm vui nở bừng trên gương mặt chàng, kéo dãn đôi mày thường ngày vẫn nhíu lại, và quét sạch những u sầu đè nặng nhiều tháng qua.
- Đây là nhà trọ lớn nhất trong thành Guzang của Lý Cảo. Gặp phải nạn đói, nên tạm thời đóng cửa. Hôm nay, ông ấy cho chúng ta thuê trọ miễn phí căn phòng thượng hạng nhất ở đây.
Chàng ôm lấy vai tôi dịu dàng nói:
- Việc trong nhà nàng không cần bận tâm, ta đã căn dặn Hô Diên Bình. Hôm nay,
nàng hãy vui vẻ đón sinh nhật lần thứ hai mươi bảy của mình ở đây nhé!
Tôi nhìn lại căn phòng thoáng đãng, sạch sẽ, đã bao lâu rồi mới lại được nhìn thấy một nơi đẹp đẽ thế này? Sống mũi cay cay, chưa kịp cất lời đã nghe thấy có tiếng gõ cửa. Chàng tủm tỉm cười, đỡ tôi ngồi xuống ghế, tự mình ra mở cửa.
Cửa vừa mở, tôi liền ngửi thấy hương thơm ngào ngạt, là mùi thơm của thịt! Khứu giác của kẻ luôn luôn trong trạng thái nửa ngày chịu đói, lâu dần đã trở nên vô cùng nhạy bén. Chàng nói lời cảm ơn, bưng vào một bát mì nóng bốc hơi nghi ngút, đặt trước mặt tôi. Tôi tròn xoe mắt, thèm thuồng, miệng nuốt nước bọt ừng ực.
Bát mì rất to và rất đầy, bên trên là những lát thịt mỏng. Một mình tôi không thể ăn hết, thầm nghĩ, đây hẳn là "thâm ý" của Lý Cảo.
Chàng đưa đũa cho tôi, dịu dàng cười bảo:
- Đây là mì trường thọ, dành cho ngày sinh nhật. Nàng từng nói, ở thời đại của
nàng, nếu không có bánh ngọt, người ta sẽ ăn mì vào ngày sinh nhật, với mong muốn
được trường thọ
Tôi xúc động, sụt sịt, ngước nhìn chàng, tươi cười:
- Chúng ta cùng ăn nhé!
Chàng lắc đầu, khẽ đáp:
- Nàng ăn đi. Nàng quên là ta không được phép dùng bữa sau giờ ngọ rồi ư?
- Đó là trong điều kiện bình thường, còn bây giờ nạn đói đang hoành hành, Phật tổ
chắc chắn sẽ thấu hiểu.
Tôi gắp một miếng thịt, đưa tới miệng chàng, nũng nịu:
-Chàng không ăn, em cũng không ăn.
Chàng nhìn tôi chăm chú, nở nụ cười tươi tắn, khẽ gật đầu, ngoan ngoãn đón lấy
miếng thịt và nhai ngon lành. Một bát mì mà hai chúng tôi ăn mãi không hết. Bởi vì,
tôi phải chờ chàng ăn hết một miếng mới chịu ăn miếng tiếp theo. Lúc đầu chàng chỉ ăn chút ít cho tôi vui lòng. Nhưng chàng ăn bao nhiêu, tôi sẽ ăn bấy nhiêu, chàng bảo no rồi, tôi cũng gác đũa bảo no rồi. Chàng đành đầu hàng, cùng tôi ăn cho bằng hết bát mì, húp cạn cả nước dùng.
Hôm nay tôi đã được một bữa no đã đời! Tôi chường bụng trống ra trước mặt chàng, nói rằng đây là bát mì ngon nhất mà tôi từng ăn. Và chắc chắn trên đời này sẽ không có món gì ngon hơn thế nữa.
Chàng mỉm cười nhìn tôi tíu tít nói cười, dịu dàng gạt sang bên những sợi tóc mai lòa xòa trước trán tôi, bảo tôi ngồi chờ một lát. Rồi chàng lẳng lặng đi ra ngoài, lát sau chàng quay lại, tủm tỉm cười.
Chàng đưa tôi ra khỏi căn phòng khi nãy, để đến một căn phòng khác sau vườn. Đó là một phòng nhỏ, kín đáo, chỉ có một cửa sổ nhỏ trên nóc nhà, hai bên trái phải đều có một chậu than hồng, một bức bình phong đặt giữa nhà, phía sau, hơi nước bốc lên nghi ngút, khiến cho căn phòng trở nên ấm áp. Mấy chú nhỏ xách nước nóng bước vào, đổ xong, liền bước ra và đóng cửa lại.
Chàng vẫn mỉm cười không nói, dắt tôi vòng ra phía sau tấm bình phong, tôi thấy một thùng gỗ cỡ lớn đang nghi ngút hơi nước. Tôi nuốt nước bọt thèm thuồng, kể từ khi nhà tôi biến thành trại tị nạn, đến nay đã hơn một tháng chúng tôi không hề tắm rửa, để tiết kiệm củi lửa. Thường ngày, tôi đã phải cắn răng chịu đựng mùi hôi bốc ra từ cơ thể và đầu tóc ngứa ngáy, vô cùng khó chịu. Khi đến nhà Mông Tốn giảng bài, anh ta nhiều lần bịt mũi, nhăn mặt, đề nghị tôi đi tắm gội, nhưng tôi không yên tâm về con người này và lo lắng sẽ gây chuyện đàm tiếu không hay. Thà cứ để bản thân bốc mùi như vậy, sẽ không khơi dậy hứng thú với anh ta. Nhưng xin ông trời chứng giám,
tôi thèm được tắm nhường nào!
- Vợ muốn chồng ra ngoài, hay là
Chàng cởi dây buộc tóc cho tôi, mái tóc rối bù, bết gàu xổ tung ra, chàng ghé sát
tai tôi thì thào:
- Hay là ở lại phục vụ nàng?
Hai má tôi nóng bừng bừng. Chỉ khi thân mật, chàng mới xưng hô với tôi như vậy.
Hơi ấm trong căn phòng thẩm thấu vào từng tế bào da, toàn thân được thư giãn, mồ
hôi tuôn ra đầm đìa. Chúng tôi kết hôn được hơn một năm, đã quen thuộc với cơ thể của nhau, nhưng chưa bao giờ tắm chung. Chỉ nghĩ như vậy thôi mà mồ hôi đã chảy ròng ròng, toàn thân tôi đỏ ửng như tôm luộc.
Thấy tôi bối rối, gương mặt chàng cũng đỏ rực lên. Chàng hắng giọng, chuẩn bị bước ra. Tôi kéo tay áo chàng lại, mặt cúi gằm xuống nền nhà với những viên gạch lát màu xanh dương.
- Chàng cũng nhiều ngày không tắm còn gì, em không muốn phải ngửi mùi hôi trên người chàng nữa đâu.
Tôi ngước lên nhìn chàng, cười tinh nghịch để che đậy nỗi thẹn thùng:
- Hôm nay là sinh nhật em, chàng phải chiều theo ý em
Chàng cúi người, khẽ đáp:
- Vợ không nói thì sao chồng biết vợ muốn gì chứ!
- Chàng
Tôi ngắc ngứ, chàng biết trêu chọc người khác từ bao giờ thế nhỉ! Sao cứ ép người
ta phải nói ra những lời này kia chứ!
Nói thì nói, đã sao nào! Tôi đón lấy ánh mắt chờ đợi của chàng, dõng dạc đáp:
- Hầu vợ tắm rửa
Nụ cười âu yếm lan trên gương mặt chàng tựa như những làn sóng dập dìu, êm ái,
hơi nóng nghi ngút đã phủ lên đôi mắt chàng lớp sương mỏng mờ ảo. Mồ hôi lấm tấm trên cánh mũi tôi khi toàn thân chìm trong ánh mắt đắm đuối như sóng trào của chàng.
- Ừ
Giọng chàng thả dài miên man, tôi nghe mà như mê đi, đầu óc bất trị bắt đầu liên
tưởng tới những cảnh tượng ngọt ngào tiếp theo.
Chàng lồng tay vào tóc tôi bóp nhẹ, bọt xà bông xào xạo. Động tác của chàng không mấy lành nghề, chốc chốc lại giật mạnh chân tóc tôi. Tôi nén đau, vì không muốn phá hỏng khung cảnh lãng mạn như trong mơ này mà tôi hằng khao khát và tưởng tượng. Chàng múc một gàu nước ấm, chậm rãi dội từ đỉnh đầu cho nước thấm vào tóc, chảy xuôi xuống dưới, tôi uốn cong người vặn tóc, mỉm cười kín đáo. Tôi chợt nhớ tới một đoạn quảng cáo dầu gội đầu với sự diễn xuất của Châu Nhuận Phát hơn mười năm trước. Người đàn ông ở vào độ tuổi hấp dẫn nhất ấy cũng gội đầu cho một thiếu nữ tóc dài giống như thế này. Những dòng nước chảy xuôi, dài miên man và long lanh như những hạt trân châu, lăn trên mái tóc bóng mượt của cô gái. Khung cảnh ấy đã đọng lại vĩnh viễn trong tim tôi.
- Chàng cũng vào đi
Sau khi tôi gội đầu xong, áo cà sa của Rajiva cũng đã ướt sũng, tôi ấp úng:
- Nếu không, nước sẽ nguội mất
Thật may là hơi nước nghi ngút đã che đi gương mặt như gấc chín của tôi, nhưng
tôi tin, mặt chàng còn đỏ dữ dội hơn. Bởi vậy, khi chàng vừa bước vào và chưa kịp ngồi vững, đã bị tôi tinh nghịch té nước đầy mặt. Tôi bật cười sảng khoải khi thấy chàng tá hỏa lấy tay lau mặt. Chàng đưa tay ra bắt lấy vai tôi, cứ nghĩ sẽ bị chàng "trả thù", tôi đưa hai khuỷu tay lên chắn trước mặt. Nhưng giọng chàng dịu dàng vang lên:
- Ngoan nào
Những giọt nước long lanh đậu trên trán, trên má chàng, chầm chậm chảy xuôi
theo gò má, tụ lại nơi chiếc cằm nhọn, thấm vào từng sợi râu lún phún, nhỏ xuống khuôn ngực chàng theo nhịp thở đều đặn. Nước dâng lên nửa ngực chàng, sự va chạm tạo thành những lớp sóng nhẹ, lăn tăn. Dưới làn nước làn da màu bánh mật lấp
loáng
Tôi gắng sức lấy giọng, ánh mắt bị cơ thể chàng thôi miên, không sao dứt ra được:
- Tay chàng thấm nước có sao không?
- Không sao.
Chàng nhấc cánh tay lên, quan sát vết thương đã lành, hàng mi khép hờ, giọng lý
nhí:
- Quay lưng lại đây, để ta kỳ cọ cho nàng.
Tôi nghe lời, xoay người lại, nhưng đã vô tình chạm phải "vật đó" của chàng, hai
má tôi nóng bừng như bị ánh mặt trời mùa hạ thiêu đốt. Chàng sững người, sau đó áp sát thân thể nóng bỏng của mình vào lưng tôi, hơi thở nóng hổi phả vào tai tôi, thì
thầm, âu yếm:
- Ta muốn nàng
Toàn thân tê dại, cảm giác như có một ngọn lửa đột ngột bùng lên từ phần bụng
dưới, bản năng kích thích tôi phát ra những tiếng rên rỉ khe khẽ. Tôi quay đầu lại, đắm đuối ngắm nhìn đôi mắt sâu hun hút của chàng, môi hé mở, mắt khép lại.
- Nhưng không phải ở đây, nước lạnh sẽ khiến nàng bị cóng mất.
Chàng bất ngờ bật cười, khẽ tách ra khỏi tôi, vỗ nhẹ vào trán tôi, bắt đầu công việc
kỳ lưng cho tôi bằng một mảnh khăn tắm.
- Nên là nàng đừng tưởng tượng lung tung, tập trung tắm rửa đi.
Tôi ngượng chín mặt.
Chúng tôi dắt tay nhau ra khỏi buồng tắm, gương mặt cả hai đều đỏ như gấc chín,
không biết có phải vì hơi nước quá nóng hay không? Vừa bước vào một căn phòng khác và chốt cửa lại, chàng đã lùa tay xuống dưới gáy, nâng đầu tôi lên và hôn tôi. Tôi tựa lưng vào tường, để mặc môi chàng tìm và cuốn lấy môi mình, để mặc lưỡi chàng thám hiểm trong miệng mình. Hơi thở của chúng tôi hòa quyện vào nhau, phả lên má lên mắt lên trán, nóng ran, ngọn lửa khao khát bị kìm nén bấy lâu, nay đã được dịp cháy bùng.
Đã bao lâu rồi chúng tôi chưa được dành cho nhau? Kể từ khi nạn đói ập tới, trong đầu chúng tôi chỉ toàn những vấn đề sinh tồn. Trại tị nạn trong không gian gia đình
quá ư chật chội, dạ dày gõ trống mỗi đêm, trong tình cảnh ấy, ai còn có thể nghĩ tới
thứ gì khác ngoài miếng cơm manh áo? Hôm nay, được ăn một bát mì to kèm thịt, được tắm rửa sạch sẽ sau một tháng trời nhịn tắm, lại có một căn phòng sáng sủa, thoáng đãng dành riêng cho hai chúng tôi thế này, ngọn lửa khát khao ấy không bùng lên mới lạ.
Miệng chàng vẫn vương vất hương vị của món mì khi nãy, toàn thân chàng vẫn tỏa ra mùi đàn hương quyến rũ thân thuộc. Đó là mùi vị đặc trưng của cơ thể chàng, mùi hương ấy đã hớp hồn tôi từ khi chàng còn là một thiếu niên. Bao năm qua, tôi như một con nghiện, chìm đắm trong mùi hương ấy, không sao "cai" nổi. Tôi tham lam liếm đầu lưỡi chàng, mời gọi chàng "giao lưu". Tôi khẽ cắn vào lưỡi chàng, như để thưởng thức lại hương vị thơm ngon của bát mì khi nãy, "động thái" đó khiến chàng rên lên khe khẽ.
Hơi thở ngày một gấp gáp, hừng hực, ngọn lửa trong mắt chàng bùng lên mãnh liệt. Một tay đỡ lấy vai tôi, tay kia luồn xuống dưới eo tôi, nụ hôn nồng nàn chưa dứt, chàng đã nhấc bổng tôi lên.
- Ngải Tình, nàng gầy đi nhiều quá
Tôi ngả đầu vào ngực chàng mỉm cười, bàn tay mân mê gương mặt thanh tú với
hàng lông mày dài, cao vút của chàng, dịu dàng nói:
- Chàng cũng vậy
Đặt tôi lên chiếc giường đã được trải một chiếc ga sạch sẽ, chàng trùm người lên cơ
thể tôi, bàn tay với những ngón thon dài, gầy guộc âu yếm vuốt ve gương mặt tôi, ánh
mắt chứa chan yêu thương:
- Chờ khi nạn đói này qua đi, ta nhất định sẽ vỗ béo cho nàng trắng mập ra mới được.
Tôi gật gầu, khẳng khái đáp:
- Vâng, em đồng ý, béo ục ịch còn hơn là gầy trơ xương, không thèm đua đòi thân
hình siêu mỏng!
Chàng nhìn tôi băn khoăn, không hiểu "siêu mỏng" có nghĩa là gì. Lúc này tôi làm
gì còn tâm trạng giải thích nữa. Tôi níu lấy cổ chàng, cùng chàng tiếp tục cuộc hân hoan, giao quyện, quấn quít. Hơi thở ngày một gấp gáp, nặng nhọc hơn, ánh mắt như mê đi, ngón tay chàng tựa như những ngọn đuốc, chạm đến đâu là đốt cháy cơ thể tôi đến đấy. Chiếc nhẫn cưới treo trên chiếc cổ thiên nga thon dài của chàng lúc lắc qua lại trên ngực tôi, như muốn kết hợp với nhiệt độ cơ thể chàng khêu gợi những khát khao cháy bỏng, thầm kín trong tôi.
- Vợ yêu ơi
Giọng nói yêu chiều chộn rộn bên tai, trái tim tôi đập loạn, chờ đợi, khao khát.
Như con thuyền nhỏ giữa biển động sóng xô, hết lớp này đến lớp khác cuồn cuộn,
trào dâng, sóng thuyền lên đỉnh cao bồng bềnh.
- Ta yêu nàng
Mồ hôi chàng chảy xuôi theo gò má, nhỏ xuống ngực tôi. Chiếc nhẫn cưới đung
đưa trước ngực tôi, đón lấy giọt mồ hôi, rồi lại đung đưa trở về khuôn ngực chàng. Những dao động qua lại ấy tạo nên trước mắt tôi ảo giác về một chùm sáng rực rỡ, kỳ ảo như bông hoa trong sương sớm.
- Ngày mai hãy về, được không?
Tôi hỏi chàng khi sóng triều của cuộc đam mê đã thôi dâng, hơi thở đã lấy lại nhịp
đều đặn. Tôi biếng nhác tựa người vào bờ vai gầy guộc của chàng, vòng tay qua chiếc cổ thiên nga quyến rũ của chàng. Thực lòng, tôi không muốn dứt ra khỏi khoảnh khắc
ngọt ngào, say mê này chút nào!
- Được chứ!
Chàng kéo chăn cho tôi, dịu dàng nói:
- Lý Cảo bảo rằng chúng ta có thể ở đây bao lâu cũng được, nhưng như thế không
ổn, ta chỉ đề nghị ông ấy cho mượn phòng một ngày thôi.
- Một ngày là đủ rồi.
Tôi cọ người vào vai chàng, lòng đầy mãn nguyện.
- Chúng ta phải chăm lo cho hơn hai trăm con người trong nhà. Nhưng hôm nay,
hãy tạm quên đi trách nhiệm đó. Bất luận gánh nặng đó nhọc nhằn bao nhiêu, em mong rằng, chúng ta sẽ chỉ phải nghĩ về nó khi ngày mới bắt đầu. Còn bây giờ, em
muốn chúng ta dành trọn tâm tư cho thế giới của riêng chàng và em
Nụ cười rạng rỡ đậu mãi trên khóe môi chàng không muốn tắt, chàng nhẹ nhàng gạt sang bên những sợi tóc lòa xòa, ướt đẫm mồ hôi trên trán tôi, ghé sát vào tai tôi,
thì thào:
- Ừ
Chàng âu yếm ôm tôi vào lòng, mới nằm được một lúc, như chợt nhớ ra điều gì,
chàng bật dậy, với lấy y phục dưới chân giường, lôi ra một vật gì đó. Tôi nhận ra vật dụng thiết thân của chàng - chiếc vòng mã não tôi tặng chàng năm xưa.
- Năm nay ta không có tiền để mua quà sinh nhật tặng nàng, đành phải tự làm lấy.
Chàng đẩy chuỗi hạt ra trước mặt tôi, lúc này tôi mới nhìn kỹ và phát hiện, chiếc
vòng mã não rất dài mà trước đây tôi phải quấn hai vòng mới vừa cổ tay, thì nay đã được làm thành hai chiếc vòng nhỏ. Chàng chọn ra chiếc vòng nhỏ hơn, đeo vào tay tôi, chiếc lớn hơn, chàng đeo vào tay mình. Chợt nhớ trước ngày thành hôn, khi mà tôi đóng giả Hiểu Huyên, chàng đã lồng chiếc vòng mã não vào tay tôi khi chúng tôi gặp nhau trong lán trại của Pusyseda. Khi ấy, thấy chiếc vòng quá cỡ so với cổ tay tôi, chàng từng nói, sau này sẽ cắt ra làm thành hai chuỗi, không ngờ, chàng đã thực hiện lời hứa đó.
- Em yêu món quà sinh nhật này.
Sống mũi cay cay, tôi mân mê, lật giở, ngắm nghía chuỗi hạt lóng lánh. Hình như
còn có chữ gì đó, nhìn kỹ mới biết, thì ra trên mỗi hạt mã não nhỏ màu đỏ đều có khắc các chữ Hán. Đó là bảy chữ tượng hình được khắc rất điêu luyện: "Không phụ Như Lai, không phụ nàng".
Tôi kinh ngạc ngẩng đầu, bắt gặp ánh mắt êm dịu như nhung lụa của chàng đang bao phủ mình.
- Chuỗi hạt của ta cũng khắc "Không phụ Như Lai, không phụ nàng".
Chàng đưa tay lên cao, lắc lắc chuỗi hạt trước mắt tôi. Như chợt nhớ đến điều gì,
chàng lắc đầu than thở:
- Nhiều lần ta định đem đi cầm cố, nhưng rốt cuộc vẫn không nỡ.
- Chàng
Tôi ngắm nghía mấy chữ Hán thanh thanh, mềm mại ấy bằng cặp mắt tò mò:
- Mã não vốn rất cứng, chàng khắc chữ lên đây bằng cách nào?
Chàng mỉm cười:
- Ta định tự mình khắc lấy, nhưng mất bao công sức mà vẫn không thành, lại còn
bị cắt vào tay nữa.
Thì ra vết thương trên tay chàng là do khắc chữ. Không kìm nổi nỗi xúc động,
nước mắt tôi trào ra, tôi nâng bàn tay chàng lên, áp vào trái tim mình:
- Chàng sao chàng lại bất cẩn như vậy!
- Ta không sao!
Chàng cười dịu dàng:
- Hết cách, ta đành nhờ Lý Cảo tìm giúp một thợ thủ công lành nghề. Ông ấy đã
khắc những chữ này bằng mũi khoan kim cương đó.
Thấy tôi chực khóc, chàng vội vàng sáp lại, thơm vào má tôi:
- Hôm nay là sinh nhật nàng, không được khóc.
Chàng kéo tôi vào lòng, cảm thán mà mãn nguyện:
- Nàng từng nói, câu thơ của nhà sư ấy đã gói trọn ước nguyện của ta trong kiếp
này, đúng không? So với ngài, Rajiva may mắn hơn rất nhiều. Nàng còn nói, vị sư đó
đã viết rất nhiều thơ tặng cho cô gái kia, nàng còn nhớ bài nào không?
Tôi biết chàng muốn thay đổi đề tài để tôi không khóc nữa. Ngẫm ngợi một lát, tôi
ngồi thẳng dậy, đáp:
- Thay vì ngâm thơ, em hát cho chàng nghe nhé! Lời bài hát cũng được chuyển thể
từ thơ của vị đại sư đó. Chàng có thể phá giới "tránh xa ca múa hội hè" không?
- Nàng hát kia mà, tất nhiên là ta bằng lòng.
Chàng ngồi dậy, quấn chăn bông kín người tôi, nhè nhẹ vuốt tóc tôi, ánh mắt long
lanh như đang cười trong niềm hạnh phúc ngọt ngào.
Tôi lấy giọng, cất tiếng hát đằm thắm:
- Vầng trăng vằng vặc trên đỉnh núi phía Đông, gương mặt thiếu nữ rạng rỡ trong
tim ta Nếu ta không gặp gỡ, ta đã chẳng yêu nhau. Nếu ta không thấu hiểu, ta đã
chẳng thương nhau
Ánh mắt đắm đuối của chàng không ngừng dõi theo tôi, ánh mắt tán thưởng ấy đã cổ vũ giọng hát của tôi truyền cảm hơn. Tôi không thể hát những đoạn mà âm vực lên cao vút như danh ca Đàm Tinh, chỉ có thể cố gắng hát cho ra giai điệu mượt mà, uyển chuyển của ca khúc, và bản thân cũng tự cảm thấy hài lòng với phần biểu diễn của mình. Bây giờ tôi mới biết, được hát cho người mình yêu nghe, hạnh phúc và lãng mạn nhường nào.
Hát xong, tôi mỉm cười nhìn chàng. Chàng kéo tôi sát vào vai chàng, còn chàng thì
tựa lưng vào thành giường, tấm tắc khen:
- Nếu ta không gặp gỡ, ta đã chẳng yêu nhau. Nếu ta không thấu hiểu, ta đã chẳng
thương nhau. Tình cảm của ta dành cho nàng, đúng là như vậy đó!
Tôi tựa vào vai chàng, lồng tay vào bàn tay chàng, nhớ lại những bài thơ tình của vị Đạt Lai đời thứ sáu - Tsangyang Gyatso. Nhiều bài thơ tình của ngài đã được chuyển dịch sang tiếng Hán hiện đại, nên Rajiva chưa hẳn đã hiểu được ngay. Bởi vậy
tôi đã chọn một bài thơ mà nhà sư viết theo lối thơ cổ:
- Một đời ngắn ngủi có bao nhiêu.
Mơ được cùng em kết thương yêu.
Ước chi trong kiếp lai sinh ấy.
Tựa cửa chờ em dưới ráng chiều.
Hồi tưởng về cuộc đời ngắn ngủi mà bi kịch của Tsangyang Gyatso, tôi bất giác thở
dài:
- Kiếp này không được ở bên cạnh người thương, nên nhà sư đành gửi gắm niềm hy vọng vào kiếp sau.
Mắt chàng long lanh, nhìn tôi chăm chú:
- Ta phạm nhiều tội nghiệt, có lẽ sẽ bị đày xuống tầng địa ngục sâu nhất, chẳng thể
tái sinh. Nhưng nếu Phật tổ xót thương, ban cho ta kiếp sau, ta vẫn nguyện được cùng
nàng kết duyên chồng vợ, nàng có bằng lòng không?
Tôi ngồi thẳng dậy, nghiêm nghị nhìn chàng:
- Em tham lam hơn chàng, em muốn được làm vợ chàng đời đời kiếp kiếp. Dù phải
trải qua bao nhiêu cửa ải sinh tử, dù phải trầm luân đến bất cứ nơi đâu trong vòng quay của lục đạo luân hồi, em vẫn muốn được ở bên chàng, được nắm lấy tay chàng, ngả đầu vào vai chàng, cười trông nhân thế. Nếu như chàng bị đày xuống tầng địa
ngục sâu nhất, em nguyện được theo chàng. Chàng có đồng ý không?
Đôi đồng tử màu xám nhạt ấy long lanh tựa châu ngọc, nụ cười quyến rũ ấy khiến không gian xung quanh bừng sáng rạng rỡ. Những ngón tay đan chặt vào nhau, chàng
truyền sang tôi sức mạnh:
- Nàng biết câu trả lời mà
Ráng chiều len qua ô cửa sổ, nhuộm cả căn phòng thành một màu hoa hồng tuyệt
đẹp. Chúng tôi chìm trong mắt nhau giữa không gian huyền hoặc ấy, hạnh phúc như hoa. Hôm nay là ngày nắng đẹp nhất của mùa đông dằng dặc này. Phải chăng, nó báo
hiệu những ngày giá rét sắp kết thúc
Chương 74: Tiếng kêu thương dậy trời
Đầu tháng hai âm lịch, tức khoảng trung tuần tháng ba dương lịch, sau hơn một tháng phong tỏa, cổng thành Guzang, cuối cùng cũng được mở. Cư dân trong thành, ai nấy mặt mũi xanh xao, héo hắt, bị dồn đứng ở hai bên đường để nghênh đón đoàn quân chống phản loạn của Lữ Quang trở về. Sau gần ba tháng trời không ngừng rơi, băng tuyết đã tan chảy hoàn toàn trong tiết xuân ấm áp, để lộ ra vô số rác rưởi la liệt khắp phố phường. Hôm qua, Lữ Thiệu đã đốc thúc quân lính thu dọn, nhưng không bằng cách nào xóa sạch được dấu vết của nạn đói trầm trọng vừa qua.
Đoàn quân của Lữ Quang được đón rước trong tiếng kèn trống inh ỏi, nhưng phía sau âm thanh náo nhiệt ấy là những gương mặt thẫn thờ, buồn thảm. Cờ bay phấp phới, dọn đường cho Lữ Quang chầm chậm tiến vào. Bên cạnh ông ta là đám con cháu Lữ Soạn, Lữ Hoằng, Lữ Long và Lữ Siêu, tên nào tên ấy vẻ mặt vênh vang, đắc ý. Sau đoàn tướng lĩnh là đến đội binh sĩ, ai nấy mặt mày lem luốc, mỏi mệt rã rời, áo quần rách nát, để lộ những sợi bông két bẩn, trên người họ, chỉ có chữ "lính" in sau lưng áo là vẫn nhìn thấy rõ dù đứng từ rất xa. Lữ Quang xuất chinh dẫn theo năm vạn quân, viện binh của Lữ Hoằng khoảng hơn ba vạn. Nhưng giờ đây, theo tính toán sơ bộ của tôi, chỉ còn khỏang hơn ba vạn người. Tim tôi đập mạnh, vậy là chỉ còn hơn một nửa số người sống sót trở về.
Sau đội binh lính là đội xe bò chở hàng, trên những cỗ xe cỡ lớn chất ngất thứ gì đó rất giống lương thực. Đám cư dân Guzang, sau nhiều ngày đói khát, khi nhìn thấy hàng dài xe chở lương thực như vậy, bỗng nhiên náo động, ầm ĩ. Dân chúng vỗ tay rầm trời, ùn ùn kéo về giữa phố, nhưng đã bị đám lính dẹp đường cản lại. Từng cánh tay gầy guộc giơ ra, chới với trong không trung, kiếm tìm trong vô vọng.
Số lương thực lớn như vậy, chắc chắn không thể là lương thực còn dư sau trận đánh. Trong cảnh đói kém này, đào đâu ra ngần ấy lương thực? Tôi đứng ở đầu phố, nhìn đám người nhà họ Lữ đầy ngạo mạn mà cười buồn.
Thời kỳ Thập lục quốc kéo dài hơn một trăm ba mươi năm, lật mở sách sử, sẽ thấy
sự xuất hiện thường xuyên của những dòng chữ ngắn ngủi thế này:
"Mất mùa lớn, nạn đói nghiêm trọng".
"Quan Trung xảy ra nạn đói, dịch bệnh hoành hành".
"Hạn hán, bệnh dịch, giá lương thực tăng đột ngột".
"Nước lũ ngập năm châu: Kinh Châu, Dự Châu, Từ Châu, Dương Châu, Ký Châu".
Chúng ta vẫn thường tự mãn rằng: Trung Quốc đất đai rộng lớn, sản vật phong
phú, nhưng thực tế là đất tuy rộng mà sản vật không lấy gì làm phong phú. Do sự khác biệt sâu sắc về địa lý giữa các vùng Đông - Tây - Nam - Bắc, nên hàng năm thiên tai đều xảy ra cục bộ tại nhiều khu vực. Khi đất nước thống nhất, chúng ta có thể thực hiện chính sách phân phối nguồn tài nguyên. Nhưng trong giai đoạn cát cứ phân tranh, hoặc dưới sự thống trị của nhà cầm quyền quan liêu, hủ bại, người dân tại những khu vực xảy ra thiên tai mà không được cứu trợ sẽ ra sao? Họ chỉ có thể đi cướp bóc. Bởi vậy, "thiên tai" thường đi liền với "nhân họa". Trong giai đoạn chiến tranh xảy ra liên miên, hoặc khi một nhà nước đang đứng bên bờ vực diệt vong, thì trong sách sử thường xuất hiện rất nhiều những ghi chép về thiên tai. Những người mê tín cho rằng đó là do ý trời. Nhưng nguyên nhân chính là do nhà nước đã không biết cách phân phối nguồn tài nguyên, thế nên, nạn đói và chiến tranh thường không bao giờ tách rời nhau.
Như vậy có thể thấy, Lữ Quang xuất chinh nhằm hai mục đích, chống phản loạn và cướp lương thực. Hãy nhìn lại một cách tổng quát lịch sử của Dương Châu trong giai đoạn này. Nhà Tiền Lương của họ Trương bị diệt vong từ lâu nên tạm thời không xét đến, còn lại bốn nhà Lương cát cứ bốn vùng, cộng thêm nước Tây Tần chiếm vùng Thanh Hải và Cam Nam, năm tiểu quốc này tuy thế nước yếu ớt nhưng thường xuyên xảy ra xung đột. Từ góc độ kinh tế có thể thấy, diện tích lãnh thổ nhỏ bé như vậy, lại không thể khôi phục sản xuất, người dân không sống nổi, họ sẽ phải làm sao? Họ sẽ dựng cờ khởi nghĩa, vậy cách khôn ngoan nhất của nhà cầm quyền trong bối cảnh này là chuyển dịch mâu thuẫn nội tại ra bên ngoài. Tiến hành chiến tranh với ngoại bang, nếu thắng lợi, có thể tha hồ cướp bóc. Nhưng những nước lớn như nhà Hậu Tần của họ Diêu thì không thể đánh bại được. Bởi vậy, phải chọn đánh các nước nhỏ vừa tầm. Chiến tranh xung đột, kéo dài suốt mấy mươi năm, chờ đến khi người anh hùng có khả năng thống nhất lãnh thổ xuất hiện, thì những tiểu quốc này cũng từng bước tan rã.
Và trong số những vị quân chủ này, có mấy người biết chăm lo cho dân chúng khi
nạn đói ập tới. Vị anh hùng tài ba Thốc Phát Khuê, người lập nên vương triều Bắc Ngụy, trong thời gian chiến tranh với nhà Hậu Yên, khi ông đích thân đi kiểm tra tình hình ôn dịch đang hoành hành và nghe tướng lĩnh báo cáo rằng cứ mười người thì có bốn đến năm người chết vì bệnh dịch, ông đã thản nhiên đáp: "Đó là ý trời, chẳng thể cứu vãn. Cũng may vẫn còn rất nhiều người sống sót để xung quân". Khi binh lính thiệt mạng quá nửa, thì dân thường sẽ thế nào? Sử sách không ghi chép, nhưng chắc chắn nhiều hơn rất nhiều.
Bài thơ "Bảy nỗi buồn đau" của Vương Xán có đoạn:
"Ra cửa nào trông thấy?
Xương trắng ngập đồng sâu.
Bên đường có một chị
Đói, quẳng con đống lau
Đi xa còn tiếng khóc
Gạt lệ không ngoái đầu.
Một thân còn chưa chắc
Cả hai sống được sao? " [ 1]
[1] Bài thơ "Bảy nỗi buồn đau" của Vương Xán, Nhượng Tống dịch.
Tấn bi kịch thảm khốc ấy đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên mảnh đất Trung
Nguyên rộng lớn này. Nhìn vẻ dương dương tự đắc của bọn người nhà họ Lữ, nỗi căm phẫn trào dâng trong tôi. Vì sao chính quyền lại rơi vào tay những kẻ ác bá này? Vì
sao thứ rẻ rúng nhất trong thời đại này lại là mạng sống của con người?
Lữ Quang lớn tiếng tuyên bố trước đám đông đang tập trung phía trước lầu trống, rằng: Cuộc chiến chống quân phản loạn đã giành thắng lợi, tạ ơn ông trời phù hộ Lương Châu. Cư dân thành Guzang được phép mang theo hộ tịch đến nhận lương
thực. Dân tị nạn chỉ được phát hạt giống phải lập tức trở về quê hương, tiếp tục trồng
cấy. Mọi người sẽ được chia lại ruộng đất bị bỏ hoang vì thiên tai. Dĩ nhiên rồi, Lữ Quang không thể chấp nhận tình trạng thiếu lương thực cho quân đội vào mùa thu tới.
Đây vốn là một tin tốt lành, nhưng Lữ Quang có vẻ rất thất vọng, vì sau tuyên bố ấy, ông ta không hề nhận được những tiếng hoan hô vạn tuế dậy sóng mà ông ta hằng trông đợi. Lữ Thiệu vội giải thích rằng, nạn dân đều tập trung bên ngoài thành, hắn sẽ đến đó thông báo tin tốt lành của vua Lương.
Cổng thành cuối cùng cũng được mở rộng cho thường dân. Hơn hai trăm người trong nhà chúng tôi, cùng cư dân Guzang ùn ùn kéo nhau qua cầu treo, tiến về phía ngọn núi bên ngoài thành, nơi tập trung đông dân vùng thiên tai nhất.
Ngọn núi ở phía Nam thành Guzang ấy không cao, nhưng diện tích đất rất rộng. Mặt núi hướng về cổng thành, phía Nam có rất nhiều hang động, những người nghèo, không nơi nương tựa thường trú ngụ ở đó. Đây là nơi mà cư dân Guzang thường xuyên đến kiếm củi, cũng là nơi tập trung nhiều mộ địa nhất. Thời kì đầu xảy ra nạn đói, ngày nào chúng tôi cũng có mặt ở đây, nên rất rành rẽ địa hình địa thế. Nhưng lần này, vừa đặt chân tới nơi, chúng tôi đã vô cùng kinh ngạc: ngọn núi lúc trước cây cối um tùm tươi tốt là thế, giờ đây không còn sót một gốc cây ngọn cỏ nào, chỉ còn là một ngọn núi trọc.
Bước lên mấy bậc đá để vào khu vực hang động đầu tiên. Dọc lối đi là những đống đất nhỏ, những đống đất ấy thấp có cao có, trồi lên la liệt khắp ngọn núi.
Mấy chục hang động như đang há những cái miệng rộng đen sì, lạnh lẽo, thâm u, chợt nhớ tới những ghi chép trong sách "Tấn thư" mà vừa lại gần tôi vừa run sợ. Tôi
dừng lại phía sau Rajiva, túm lấy tay áo chàng, khổ sở van nài:
- Rajiva, đừng đến gần nữa.
- Sao vậy? Nàng không khỏe ư?
Chàng dìu tôi, gọi Đoàn Sính Đình đến và giao tôi cho cô ấy chăm sóc.
- Nàng ở đây nghỉ ngơi, lát nữa ta quay lại.
Sính Đình đỡ tôi ngồi xuống tảng đá bên lối đi, Rajiva tiếp tục lên cao, hơn hai
trăm nạn dân mà chúng tôi cưu mang cũng vội vã lên theo. Trong số họ, có rất nhiều người bị lạc mất người thân từ khi có lệnh cấm và đến nay đã hơn một tháng không được gặp mặt. Tôi dõi theo bóng đám người già trẻ lớn bé ấy, đột nhiên cảm thấy vô cùng sợ hãi, ngậm ngùi quay mặt đi.
- Chị Ngải Tình làm sao vậy?
Sính Đình hốt hoảng kêu lên, rút khăn tay, đặt lên môi tôi.
- Sao chị lại chảy máu cam?
Tôi giật mình, kéo chiếc khăn tay xuống nhìn, rặt một màu sẫm đỏ, tay chân tôi
bỗng dưng lạnh toát. Điều tôi lo sợ nhất, đã xảy ra rồi ư?
- Chị Ngải Tình
Toàn thân run rẩy, tôi lấy tay bịt chặt mũi lại, ngẩng lên nhìn Sính Đình:
- Tôi không sao, đừng nói với ai cả, nhất là pháp sư
Nhác thấy Mộ Dung Siêu và Hô Diên Tĩnh đang đứng bên cạnh, tôi vội vàng lấy lại
vẻ an nhiên, giữ giọng thật bình tĩnh:
- Sính Đình, hãy đưa mấy đứa trẻ về nhà, đừng để chúng nhìn thấy
- Nhìn thấy gì?
Tôi trừng mắt nhìn cô ấy, nắm chặt tay, lồng ngực nôn nao cuộn trào, hít một hơi
thật sâu, cố nén cơn buồn nôn dâng lên đến cổ họng, ngước nhìn đôi mắt thanh tú của
cô ấy, thốt ra từng chữ một đầy khó khăn:
-Người ăn thịt người
Cô ấy suýt hét lên, nhưng đã kịp đưa khăn tay lên bịt miệng, rồi trông ra bốn phía,
bỗng cô ấy gào lên kinh hãi. Theo hướng ánh mắt của cô ấy, tôi thấy Sính Đình đang giẫm lên một mô đất nhỏ, lớp đất phủ tạm bợ đã bị mũi chân cô ấy vô tình hất tung ra,
để lộ một đoạn xương người, hình như là một đoạn chân người.
Mặt mũi trắng bệch, cô ấy kéo mạnh tay tôi:
- Chị Ngải Tình, chúng chúng ta cùng về thôi.
Tôi lắc đầu:
- Pháp sư vẫn còn ở đây, tôi phải chờ chàng.
Tôi gắng nở một nụ cười an ủi:
- Cô đưa bọn trẻ về đi, chúng tôi sẽ về ngay thôi.
Cô ấy nhìn tôi lưỡng lự, rồi gật đầu, gọi hai đứa trẻ, căn dặn tôi đôi câu và ra về.
Tôi hít một hơi thật sâu, dặn lòng không được sợ hãi, đứng lên, đi tìm Rajiva.
Chưa đến hang động đầu tiên, đã nghe thấy tiếng kêu thất thanh, sau đó, có người lao ra khỏi động đá. Quan sát kỹ, tôi nhận ra người phụ nữ đó chính là chị Lưu, từng trú ngụ tại nhà tôi. Theo sau chị là một người đàn ông mà khắp người chỉ còn da bọc xương, đang chìa tay, chới với kéo chị lại.
- Sao anh có thể đối xử với Tiểu Tam như vậy
Một tay chị túm áo người đàn ông, tay kia ra sức đập lên thân thể người đàn ông ấy,
miệng không thôi gào thét thảm thương:
- Anh là đồ súc vật, anh đem con mình anh đổi con mình
- Vì tôi không còn cách nào khác!
Người đàn ông để mặc chị Lưu trút giận dữ lên thân thể mình, tấm thân gầy gò, ốm
o ấy dường như không đủ sức để đứng vững nữa.
Anh ta ngẩn ngơ nhìn miếng thịt sống trên tay, môi hé mở, răng cửa rụng sạch, để lộ phần lợi đen sì.
- Nếu không vì đói đến phát điên, ai nỡ, ai có thể ăn thứ này
Cơn buồn nôn xông lên mũi, lên cổ, tôi ra sức kìm nén, không dám nhìn thứ trên
tay anh ta thêm phút giây nào nữa, tôi vội vàng bước tiếp. Tôi ngó vào một cửa động khác trên đường đi để tìm Rajiva, chỉ có vài bóng người đang ngồi vật vờ ngoài cửa động sưởi nắng. Vào khoảng thời gian chúng tôi tiến hành việc cứu trợ, mỗi động đá như thế này phải có đến hàng hai, ba chục người chen chúc nhau náu thân. Giờ đây, trừ những người đã xung quân, ra trận, những người đã chết đói, mỗi động đá chỉ còn lại chừng bốn, năm mạng người.
Thấy tôi, mấy người đó đồng loạt ngẩng đầu nhìn, khóe môi họ vẫn còn vệt máu đỏ tươi. Ông lão ở cách tôi gần nhất, mắt đờ đẫn, chỉ ngước nhìn tôi một cái rồi lại tiếp tục cúi đầu gặm thứ gì đó cầm trong tay. Khi tôi nhìn rõ ông ấy đang gặm thứ gì, không chịu nổi nữa, tôi nôn ra cả mật xanh mật vàng. Đó là một cánh tay, ông ấy đang gặm một cánh tay.
- Cháu gái, đói không?
Ông lão vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, chìa cánh tay về phía tôi, lúc lắc bàn tay xám
ngoét của người chết trước mắt tôi.
- Quanh đây không còn gì để đốt cả, đừng sợ bẩn, ăn thịt sống cũng có thể giữ
mạng
Tôi quay đầu, chạy thục mạng, thoát khỏi động đá ấy, ngửa mặt nhìn vầng dương đang thờ ơ chiếu rọi. Vì sao trời nắng mà tôi không hề cảm thấy ấm áp. Tôi nhắm mắt lại, nắm chặt tay, hét lên với vầng dương vô cảm ấy. Vì sao tôi phải chứng kiến thảm cảnh này? Nước mắt xóa nhòa khung cảnh trước mắt, tôi chao đảo, bỗng cánh tay ai đó đỡ lấy vai tôi. Tôi mệt mỏi quay đầu lại, bắt gặp gương mặt đầm đìa nước mắt của Rajiva.
- Ngải Tình, nàng về trước đi.
Chàng nức nở, toàn thân run rẩy, giọng nói nghẹn ngào:
- Đừng nhìn nữa
Tôi nhìn thấy trên gương mặt từ tâm của chàng chút hơi ấm. Rốt cuộc đã lấy lại
được bình tĩnh, tôi nắm chặt cánh tay chàng, khóc lóc van nài:
- Em thật đáng trách, em phải biết sự thể sẽ diễn ra như thế này từ lâu rồi mới phải!
Chàng hãy theo em đi về, đừng ở đây thêm nữa
- Ngải Tình, nàng đã sớm biết kết cục này, phải không?
Tôi khóc nấc lên, lẩm nhẩm đọc cho chàng nghe những ghi chép đã giày vò tôi
suốt hơn ba tháng qua:
- "Khi ấy, giá lương thực tăng cao, năm trăm quan tiền một đấu gạo, người ăn thịt người, quá nửa số dân đã chết sau nạn đói".
Tôi gắng gượng lấy hơi, tay nắm chặt, móng tay cắm thẳng vào da thịt, cơn đau thể
xác ấy sẽ giúp tôi tỉnh táo hơn và có đủ dũng khí để tiếp tục:
- Rajiva, đối với chúng ta nạn đói này tựa như một cơn ác mộng khủng khiếp và phải trải qua bao cực nhọc, khổ ải chúng ta mới có thể tồn tại, nhưng nó chỉ được ghi lại bằng vài con chữ ít ỏi trong sử sách. Nguyên nhân của nạn đói là gì, nó bắt đầu và kết thúc khi nào, nơi nào hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, tình hình thiên tai ra sao, bao nhiêu người thiệt mạng, tất cả những thông tin này đều không được nhắc đến. Bởi vì sao chàng biết không? Bởi vì những trận thiên tai như thế này diễn ra ở khắp mọi nơi trên mảnh đất Trung Nguyên rộng lớn.
Tôi ra sức hít một hơi thật sâu, toàn thân như lên cơn sốt rét, khí lạnh lan khắp cơ
thể, giọng tôi run rẩy:
- Nhưng em không dám nói với chàng vì em không muốn chàng phải chịu đựng kết cục tàn nhẫn này. "Người ăn thịt người, quá nửa số dân thiệt mạng", đây không phải là nạn đói duy nhất. Thảm kịch tương tự sẽ còn tiếp diễn trên đất Lương Châu này và thậm chí nó còn bi thương hơn thế. Dù là con người của tương lai, nhưng ngoài việc biết trước những kết cục này ra, em chẳng thể làm gì để thay đổi lịch sử. Em đã
gắng hết sức, thực sự đã gắng hết sức rồi
- Ngải Tình
Chàng xiết chặt tôi trong lòng, vùi đầu vào gáy tôi, nước mắt chàng chảy xuôi
xuống cổ tôi.
- Nàng đã khổ tâm biết chừng nào Từ nay đừng giữ trong lòng, đừng ép mình chịu đựng tất cả. Chúng ta là vợ chồng, nàng nên chia sẻ cùng ta, bất luận khó khăn, gian khổ lớn đến đâu, hai ta sẽ cùng gánh đỡ.
Nước mắt tôi lã chã rơi trên vai chàng, thấm đẫm lớp áo nâu sòng đã bạc màu của chàng. Chưa kịp nói gì, bỗng tôi trông thấy một cánh tay gầy rộc như cành cây khô với lên, nắm chặt lấy vạt áo Rajiva. Rajiva thất kinh, vội kéo tôi ra phía sau. Đó là một người đàn ông toàn thân chỉ còn da bọc xương, không sao đoán biết được tuổi tác, đang trong cơn hấp hối, từng bước lê lết đến chân chúng tôi, gắng gượng ngẩng đầu,
giọng nói yếu ớt:
- Pháp sư, con sắp chết rồi ngài có thể tụng kinh siêu độ cho con được không? Ngài tụng kinh cho con, tích đức giúp con, để kiếp sau con được đầu thai đến nơi có
thể ăn no mặc ấm, ngày nào cũng có màn thầu để ăn, cầu xin ngài
Cánh tay túm chặt vạt áo Rajiva từ từ buông xuống, Rajiva vội vàng lật người đó lại, đưa ngón tay vào sát mũi, nhưng người đó đã tắt thở. Rajiva quay mặt đi, hai hàng lông mày chau lại, đầy thương tâm. Chàng nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, ngồi xuống xếp bằng trông tư thế thiền, lầm rầm tụng niệm, thành tâm cầu phúc cho con người vô danh ấy. Âm thanh tụng niệm vang trong gió xuân lành lạnh, trong nắng xuân bàng bạc, trôi đến từng hang đá trên khắp ngọn núi này.
Từ hang đá sâu nhất đã có người bước ra, họ dìu nhau lại gần Rajiva. Nạn dân trong các động đá trên cao cũng ùn ùn kéo xuống. Dưới ánh nắng mùa xuân chiếu rọi, thân thể gầy guộc, thanh thoát của Rajiva tựa như hình hài của một vị Bồ Tát. Chàng như một vị thánh đang chuyên tâm tụng kinh, từ con người chàng, toát ra vầng hào quang thánh khiết, và như có sức mạnh của lực hướng tâm, thu hút những con người vừa thoát khỏi kiếp nạn, lay động tâm can họ, khiến họ thành tâm quy y.
- Pháp sư! Xin hãy tụng kinh rửa tội cho con.
Một người trong số họ bỗng gào lên thảm thiết, quỳ rạp xuống, vừa khấu đầu vừa
lê thân về phía Rajiva, đến trước mặt chúng tôi, người đó cứ dập đầu mãi không thôi.
- Con đã ăn thịt ba người, con đã đem con trai con, vợ con và mẹ con để trao đổi.
Phật tổ có thể xá tội cho con không? Con sẽ phải xuống địa ngục, đúng không?
Người đó vừa dứt lời, những người khác đồng loạt quỳ xuống, tiếng khóc dậy trời, hết lớp này đến lớp khác, như sóng dội cuộn trào.
- Pháp sư con cũng đem con trai đi đổi. Con đáng tội chết, con sẽ xuống địa ngục.
Chỉ cầu xin ngài tụng kinh siêu độ cho đứa con tội nghiệp của con
- Pháp sư, cả con nữa! Xin hãy tụng kinh cho mẹ con. Lúc sống bà đã phải chịu bao nhọc nhằn, đến lúc chết còn bị ăn thịt. Cầu mong kiếp sau bà sẽ không gặp phải
đứa con bất hiếu, bất nhân như con nữa
- Pháp sư, những người sống sót ở đây, ai mà không từng ăn thịt người, ai mà không từng mặc quần áo của người chết, ai mà không mất cả gia đình người thân, chỉ còn lại một mình trên cõi đời này. Những người bỏ mạng trên ngọn núi này nhiều hơn
rất nhiều so với những người còn sống sót
Rajiva lảo đảo đứng lên, bước đến bên cạnh những người đang quỳ trước chàng, muốn đỡ họ dậy, nhưng không ai chịu.
- Xin lỗi, xin lỗi! Ta đã hứa sẽ không để ai chết đói, nhưng đã không thể bảo vệ
chúng sinh, đó là bởi vì ta bất tài vô dụng!
Nước mắt chàng tuôn trào, chàng cúi gập người xuống, tự đấm vào ngực mình. Tôi gạt lệ, vội chạy đến kéo chàng lại.
- Pháp sư, xin ngài đừng tự trách mình, ngài đã gắng hết sức rồi!
Hô Diên Bình cũng đến đây, anh ta kêu lớn, nước mắt lưng tròng. Theo sau anh ta
là hai trăm con người được chúng tôi cứu giúp. Hô Diên Bình quỳ xuống, những người phía sau nhất loạt đổ rạp người xuống theo, họ trịnh trọng vái lạy chúng tôi.
Nước mắt chảy tràn trên mặt, Hô Diên Bình chống hai tay, ngẩng lên nhìn Rajiva:
- Nếu không có ngài, hơn hai trăm con người sẽ không thoát khỏi số kiếp ăn thịt
người hoặc bị người khác ăn thịt. Chính ngài đã cứu sống chúng tôi, pháp sư, ngài là cha mẹ đã tái sinh ra chúng tôi. Ân đức này, chúng tôi không bao giờ quên.
Rajiva kéo Hô Diên Bình đứng lên, nhưng không ăn thua, chàng tiếp tục kéo
những người phía sau, nhưng không ai chịu nhúc nhích. Chúng tôi đã khóc thương đến tan nát cả cõi lòng, đứt từng khúc ruột. Ngọn núi trơ trụi không một bóng cây ngọn cỏ ấy, bỗng chốc như bị rung chuyển bởi những tiếng ai oán dữ dội ấy.
Một nhóm người đi lên từ phía lối mòn. Dẫn đầu là Lữ Thiệu và Lữ Hoằng. Phía sau bọn họ là Mông Tốn, Đỗ Tấn và Đoàn Nghiệp. Họ đứng đó giữa những thanh âm vang động núi đồi của tiếng kêu thương chất ngất, ai nấy đều kinh khiếp khi đưa mắt quan sát số nạn dân còn sống sót và cả người đứng giữa đám đông nạn dân ấy: Rajiva.
------------------
>> Đọc tiếp: Chương 75 - 76
0 comments :
Post a Comment