Chương 87: Hạnh phúc ngọt ngào
Những dịu dàng, ve vuốt êm ái cứ mãi nấn ná trên trán tôi. Lúc hé mắt trong cơn ngái ngủ mơ hồ, tôi bắt gặp đôi mắt màu xám nhạt gần mình trong gang tấc. Ánh sáng ngập đầy căn phòng, nụ cười ngọt ngào của chàng tỏa rạng trên môi, chàng đang chăm chú "thưởng thức" tôi. Tiếng chim kêu ríu rít, giòn tan ngoài cửa sổ, bóng nắng rực rỡ này nhắc tôi rằng, bình minh đã qua từ lâu. Má tôi nóng ran, đây là lần đầu tiên kể từ khi sinh nhóc Rajiva, tôi dậy muộn thế này. Đã bao lâu rồi, không được ngon giấc như vậy? Tôi đánh răng, rửa mặt và dùng bữa sáng cùng chàng. Có tiếng gõ cửa
và một giọng nói cung kính vang lên:
- Thưa thầy, Bệ hạ cho người báo tin, sau nửa canh giờ nữa, ngài sẽ đến đây.
Tôi mỉm cười vì biết chắc nhà vua sẽ đến. Ngài quả là con người thấu tình đạt lý,
nên mới dành cho chúng tôi hai ngày trọn vẹn vừa qua. Rajiva mở cửa bước ra, giọng
nói cung kính lại cất lên:
- Bệ hạ còn bảo, ngài rất muốn gặp gặp sư mẫu.
Từ "sư mẫu" phát ra thật khó khăn, sau rất nhiều ngập ngừng, do dự, ấp úng và
gắng gượng. Tôi cười trừ, tiếp tục gấp gọn chăn đệm.
- Tăng Triệu, theo ta vào trong.
Rajiva khẽ thở dài.
Tôi ngạc nhiên hướng mắt ra cửa. Hai ngày qua, mỗi khi đệ tử của chàng mang đồ
đến cho chúng tôi, chàng đều đích thân ra ngoài nhận, không cho phép bất cứ ai vào phòng.
Nhà sư trẻ tuổi bối rối bước vào và dừng chân tại nơi ánh mặt trời xuyên qua ô cửa sổ, đầu cúi thấp. Tôi quan sát và đoán nhà sư trẻ này chưa đến hai mươi tuổi, gương mặt thanh tú, nho nhã, vóc dáng gầy gò, trong nắng mai rực rỡ, người đó giống như một trang giấy trắng, tinh khôi.
- Ngải Tình, đây là đại đệ tử của ta, tên gọi Tăng Triệu.
Rajiva bước đến bên tôi và giới thiệu nhà sư trẻ.
Tôi gật đầu, tôi biết nhà sư này. Sau khi đến Trường An, Rajiva đã thu nhận ba
ngàn đệ tử, đều là những nhân tài. Trong đó, những người tài giỏi bậc nhất được mệnh
danh là "Thập môn tứ thánh" , "Bát tuấn" hay "Thập triết" . Tăng Triệu luôn ở vị trí
[1]
[ 2]
[ 3]
số một. Trong số các đệ tử người Hán, Tăng Triệu là người đi theo Rajiva nhiều năm nhất, cũng là người được truyền dạy nhiều nhất. Tặng Triệu để lại bốn cuốn luận xuất sắc, được người đời sau tập hợp lại trong quyển "Triệu luận" - là cuốn kinh văn quan trọng của phái Tam luận tông. Chỉ tiếc rằng, Tăng Triệu qua đời rất sớm (năm ba mươi mốt tuổi), nếu không vị sư trẻ này còn có thể gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.
[1] Bốn đệ tử xuất sắc nhất của Kumarajiva.
[2] Tám đệ tử tài giỏi nhất trong pháp hội của Kumarajiva.
[3] Mười đệ tử thông minh trí tuệ nhất của Kumarajiva.
Tôi đang mải quan sát vị sư trẻ tuổi, tài giỏi, thì nghe Rajiva nói khẽ:
- Cẩu Nhi, con hãy quỳ lạy sư mẫu như quỳ lạy mẹ mình, vì chính sư mẫu đã cứu
sống con.
Cả tôi và Tăng Triệu đều bàng hoàng ngẩng lên. Tôi kinh ngạc nhìn nhà sư trẻ nho nhã, hiền hậu này, không còn chút dấu vết nào của hình hài chú bé con năm xưa trên
tay tôi nữa. Cẩu Nhi ư? Tăng Triệu chính là bé Cẩu Nhi tôi nhận nuôi năm xưa ư?
- Thưa thầy!
Tăng Triệu dường như đã mất bình tĩnh, giọng run run:
- Cô ấy, cô ấy chính là sư mẫu mà người ngày đêm mong nhớ? Chính là sư mẫu
năm xưa đã nhận lời kí thác của mẹ con đã cứu mạng và nhận nuôi con lúc nạn đói
hoành hành ở thành Guzang?
Rajiva gật đầu khẳng định:
- Bởi vậy, người khác có thể không nhận sư mẫu, nhưng con thì không được.
- Sư mẫu!
Tăng Triệu đột nhiên quỳ sụp xuống và bật khóc:
- Cẩu Nhi lạy tạ ơn đức của sư mẫu. Nếu không có người, con đã bỏ mạng cùng
cha mẹ trong trận đói năm ấy, đâu thể theo thầy học đạo như bây giờ.
Nước mắt chứa chan, tôi vội đỡ Tăng Triệu đứng dậy, năm nay cậu đã mười tám tuổi. Sau khi tôi đi, Rajiva đã nuôi dưỡng và nhận cậu làm đệ tử. Vậy nên, mặc dù là người trẻ nhất trong số mười đệ tử ưu tú của Rajiva, nhưng Tăng Triệu lại là đệ tử được Rajiva truyền dạy nhiều nhất. Mười sáu năm sớm tối nương tựa vào nhau, hai người không chỉ có tình thầy trò, mà còn có cả tình cha con.
Hàn huyên với Tăng Triệu được đôi câu, thì chúng tôi hay tin Diêu Hưng sắp tới nơi. Rajiva nắm tay tôi bước ra ngoài sau hai ngày giam chân trong phòng. Từ lúc gặp chàng, tôi như người mất hồn, chẳng để tâm mình đang ở đâu, chỉ lờ mờ nhớ rằng, sau cuộc hội ngộ trong chùa Thảo Đường, chàng dìu tôi đi chừng mười lăm phút thì tới nơi này. Như vậy, nơi ở của chàng cách chùa không xa lắm, có điều tôi chắc chắn rằng chàng không sống trong chùa.
Tôi nheo mắt ngắm nhìn dinh cơ này trong nắng trưa chói chang, đó là một khu
vườn rộng lớn và trang nhã, nửa này của hoa viên là hàng tùng bách cao vút, nửa kia
là những cây lạp mai , hoa cỏ muôn màu đua nhau khoe sắc. Đúng vào mùa hoa lạp [4]
mai nở rộ, hương thơm ngan ngát, đằm đượm, thấm vào tận buồng tim lá phổi. Giữa vườn là một hồ nước nhân tạo nhỏ xinh, ven hồ là kiến trúc vọng đình được xây trên một ngọn núi giả. Chạy dọc hoa viên là dãy nhà chính năm gian được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với ngói chồng và chiếu nghỉ, cột trụ dầm xà được điêu khắc và trang trí hoa văn hết sức tinh tế, hai dãy nhà ngang ở hai bên cũng rất trang nhã, hoa lệ.
[4] Lạp mai, tiếng Nhật gọi là Roubai, tiếng Anh là: Wintersweet, hoa lạp mai nở vào mùa đông, cánh hoa trong như là sáp nến, mùi thơm dìu dịu, thoang thoảng.
Người hầu đang hối hả quét dọn, các nhà sư tấp nập ra vào, thấy chàng nắm tay tôi, ai nấy đều tỏ ra kinh ngạc. Rajiva căn dặn người hầu gọi tôi là phu nhân, lại nhắc nhở các đệ tử gọi tôi là sư mẫu. Theo sự sắp xếp của chàng, từ nay mọi việc trong nhà sẽ do tôi cai quản. Sau đó, chàng đưa tôi đến phòng khách trong dãy nhà chính. Giữa phòng bày một sạp gỗ lớn với các họa tiết khá cầu kì, hai bên là các sạp gỗ nhỏ và bàn trà. Tượng Phật tổ được đặt trên một chiếc bàn dài, hương thơm của gỗ đàn hương vấn vít tỏa lan khiến bầu không khí trở nên thanh khiết, êm dịu.
Bao năm bên nhau, đây là lần đầu tiên tôi được sống cùng chàng ở một nơi sang trọng như vậy. Truyện kể về chàng viết rằng, chàng "không sống trong chùa cùng các sư sãi khác, mà ở nhà riêng, có người hầu kẻ hạ, sung túc, đủ đầy". Diêu Hưng quả đã biệt đãi chàng.
Nhắc đến Diêu Hưng chợt nhớ lại một chuyện, tôi khẽ hỏi Rajiva:
- Hôm đó, trên đại điện chùa Thảo Đường, lúc chàng đi về phía em, Diêu Hưng đã
ngăn chàng lại. Sau đó, chàng đã nói gì với nhà vua?
Rajiva tủm tỉm cười, ghé sát tai tôi, thầm thì:
- Có hai đứa bé cứ nhảy múa trên vai ta, hãy ban cho ta một thiếu nữ.
Tôi gần như nghẹt thở, đưa tay lên bịt miệng, mắt tròn xoe nhìn chàng:
- Chàng chàng vì sao lại nói vậy?
Chàng mỉm cười bình thản:
- Nếu ta không nói như vậy, theo nàng, sử sách có thể được sửa lại không?
Tôi không biết phải trả lời ra sao. Quả thực, dù chàng có nói gì với Diêu Hưng
chăng nữa, cũng chẳng thể thay đổi những ghi chép "đáng sợ" kia. Biết vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn không nguôi tấm tức. Tuy nhiên, thấy chàng dường như xem chuyện đó nhẹ tựa lông hồng, tôi cũng thấy bình tâm. Đúng thế, chàng nói gì cũng không quan trọng nữa, vì dù sao người đời sau cũng sẽ ghi chép như vậy, bận lòng
làm chi nữa?
Tăng Triệu bước vào, thông báo Diêu Hưng chuẩn bị tới nơi. Rajiva gật đầu, dẫn chúng tôi ra ngoài cổng nghênh đón. Tiếng chân người, tiếng vó ngựa, tiếng bánh xe lộc cộc rầm rộ vang lên, cả một đội quân đông đảo đi theo hộ tống hai, ba cỗ xe ngựa. Ở giữa là cỗ xe màu vàng lóng lánh, hoa lệ. Khi xe dừng trước cổng, các thái giám đon đả chạy lại, rước Diêu Hưng xuống xe.
Rajiva cung kính cúi chào, nếu theo đúng quy tắc mà tôi được học thì trong trường hợp này, tôi phải quỳ lạy nhà vua. Trong lúc còn đang bối rối không biết nên ứng xử ra sao, tôi nhận được tín hiệu từ Rajiva, nên chỉ cúi đầu hành lễ. Diêu Hưng chắp tay vái chào Rajiva, và không quên đưa mắt về phía tôi. Qua cái nhìn của ngài, tôi nhận ra rằng, ngài không hề nhớ đã từng gặp tôi trước đó.
Ngài ngự trên ghế cao trong phòng khách, Tăng Triệu dâng trà. Diêu Hưng cười
vui vẻ:
- Chẳng hay chuyến viếng thăm của trẫm có làm phiền quốc sư không?
Ngài đưa mắt về phía tôi, lời nói đầy hàm ý:
- Trẫm nghe nói, hôm đó, sau khi đưa cô gái này đi, quốc sư hai ngày liền không
rời khỏi phòng.
Rajiva mỉm cười, gật đầu đáp:
- Bệ hạ có biết khi còn ở Lương Châu, bần tăng từng có vợ?
- Trẫm nghe nói, phu nhân của quốc sư tuy là công chúa Khâu Tử nhưng lại là
người Hán. Đó là một cô gái hiền thục, đoan trang, tài trí hơn người. Mười sáu năm trước mang thai, nhưng không may mất sớm.
Ánh mắt Rajiva trôi nhẹ về phía tôi, rồi chàng khẽ thở dài, cất giọng thâm trầm:
- Rajiva và vợ vốn là duyên trời định, trải qua mấy mươi năm dâu bể, cứ ngỡ chỉ
có thể gặp lại nhau nơi địa ngục. Chẳng ngờ, Phật tổ đoái thương, ban cho bần tăng cơ hội được gặp lại vợ mình, bần tăng không mong cầu gì hơn.
Diêu Hưng hoàn toàn bị bất ngờ, ngài quay sang quan sát tôi kỹ hơn:
- Chả trách đang lúc giảng kinh mà quốc sư hành động lạ lùng như vậy. Thì ra vì
tướng mạo của cung nữ này giống hệt phu nhân của quốc sư. Quốc sư quả là người nặng tình nặng nghĩa, bao nhiêu năm vẫn không nguôi nhớ nhung vợ hiền, trẫm lấy làm cảm phục.
Tôi há hốc miệng vì ngỡ ngàng. Trí tưởng tượng của Diêu Hưng thật phong phú. Rajiva chỉ mỉm cười, không nói, ý chừng muốn để mặc nhà vua thoải mái với những
suy đoán của mình. Diêu Hưng tiếp tục:
- Nếu năm đó phu nhân quốc sư có thể sinh hạ quý tử, thì bây giờ công tử của quốc sư đã là một trang nam nhi phong độ ngời ngời, giống hệt quốc sư. Cứ nghĩ như vậy, trẫm lại khôn nguôi tiếc nuối.
Chúng tôi nhìn nhau, không biết phải trả lời ra sao. Diêu Hưng bắt gặp ánh mắt
chúng tôi giao nhau thì bật cười ha hả:
- Mừng thay quốc sư là người nhìn xa trông rộng, thần cơ diệu toán. Chẳng bao lâu
nữa quốc sư sẽ được đón một cặp song sinh, thật đáng chúc mừng!
Rajiva tỏ ra bối rối, chắp tay thưa rằng:
- Những lời phỏng đoán của bần tăng lúc trước là sai lầm. Đến nay bần tăng mới
biết, vợ mình mắc bệnh nặng, e là không thể sinh nở được nữa.
Diêu Hưng ngỡ ngàng, lắc đầu:
- Nếu vậy thì thật đáng tiếc.
Nhà vua nhấp một ngụm trà, suy nghĩ một lát rồi tiếp tục:
- Quốc sư hãy để trẫm sắp xếp.
Tôi giật mình, ý của nhà vua là ngài sẽ tặng cho Rajiva mười cung nữ ư? Đây là sự
thật lịch sử, chẳng thế thay đổi, vậy đến lúc đó, tôi phải ứng xử ra sao?
Rajiva lắc đầu:
- Bệ hạ chẳng nên bận lòng, bần tăng tuổi tác đã cao, vả lại bần tăng còn việc quan
trọng hơn phải hoàn thành.
Diêu Hưng tỏ ra ngạc nhiên:
- Ngoài việc giảng đạo và thu nhận đệ tử, quốc sư còn việc gì quan trọng hơn nữa?
Rajiva thong thả dạo bước, nghiêm trang đáp:
- Phật pháp được truyền bá vào Trung Nguyên bắt đầu từ thời Hán Minh Đế. Sau
thời Ngụy Tấn, các bộ kinh luận ngày càng xuất hiện nhiều. Nhưng kinh văn tiếng Hán hầu hết đều được dịch bởi các nhà sư Thiên Trúc và Tây vực. Hành văn trúc trắc, không lưu loát, ngữ nghĩa còn nhiều sai sót, và phần lớn đều chưa truyền đạt được hết cái tinh túy của bản gốc tiếng Phạn. Người dân Trung Nguyên khó mà tiếp nhận và lĩnh hội được những kinh văn ấy. Bần tăng sinh sống ở Trung Nguyên nhiều năm và đã nghiên cứu không ít thư tịch bằng chữ Hán. Bần tăng muốn chuyển dịch tất cả các cuốn kinh, luật, luận sử tiếng Phạn sang tiếng Hán, từ đó góp phần truyền bá rộng rãi giáo lý Phật giáo trên mảnh đất Trung Nguyên rộng lớn này.
Diêu Hưng càng nghe càng phấn khởi, nhà vua hào hứng vỗ tay tán thưởng:
- Hay lắm! Quốc sư tinh thông cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán, chắc chắn sẽ là dịch gỉa
kinh Phật số một. Chi bằng quốc sư hãy lập ra đạo tràng dịch thuật trong chùa Thảo Đường, trẫm hứa sẽ trợ giúp quốc sư toàn bộ kinh phí.
- Đạo tràng dịch thuật cần được tổ chức nghiêm ngặt, và cần sự đóng góp công sức
của rất nhiều người. Hai mươi tư đệ tử Khâu Tử có thể giúp bần tăng phần kinh văn
tiếng Phạn, nhưng số các tăng sĩ người Hán có đủ năng lực trợ giúp bần tăng dịch kinh Phật hiện chỉ có một mình Tăng Triệu, chỉ e, sức một người không thể cáng đáng số lượng công việc lớn như vậy.
- Chuyện đó có gì khó!
Cặp mắt Diêu Hưng phát sáng, nhà vua gật gù nói:
- Trẫm sẽ lập tức hạ chỉ, chiêu mộ tăng sĩ tài giỏi từ khắp nơi tề tựu về đây, bái
quốc sư làm thầy, trợ giúp quốc sư dịch thuật kinh Phật.
Sau khi Diêu Hưng ra về thì buổi chiều hôm đó, chúng tôi vui mừng đón tiếp đại sư Buddhayassa. Tiếng Hán của ngài không trôi chảy, nên ngài đã mất rất nhiều công sức để đến được chùa Thảo Đường. Trước đó, tôi đã kể cho Rajiva nghe chuyện tôi gặp đại sư trên đường đi. Chàng vui mừng khôn tả khi hay tin "người bạn tri kỷ" sắp tới Trường An trợ giúp chàng dịch thuật kinh văn. Hơn hai mươi năm mới gặp lại, họ có rất nhiều điều muốn nói với nhau. Tôi để hai người được thoải mái chuyện trò, hàn huyên, còn mình thì tập làm quen với nơi ở mới dưới sự hướng dẫn của Tăng Triệu.
Tôi dạo quanh một lượt khu nhà, gặp ai Tăng Triệu cũng dừng lại, nghiêm nghị giới thiệu với họ tôi là ai. Khi gặp lại tôi, các đệ tử Khâu Tử của Rajiva đều nhận ra tôi. Mặc dù vô cùng kinh ngạc, nhưng họ vẫn tỏ ra rất mực cung kính với tôi. Tôi cũng không muốn giải thích gì nhiều, chỉ mỉm cười nói với họ rằng, tôi vừa từ nhà mẹ đẻ trở về.
- Rajiva, chàng mệt không?
Tôi đặt thêm lên bàn một chạc đèn gồm ba cây nến, dùng kéo cắt bỏ đầu bấc đã
cháy đen. Căn phòng sáng lên rất nhiều, nhưng vẫn không thế so sánh với bóng đèn thời hiện đại. Nhìn bóng tôi và chàng quấn quít trên rèm cửa sổ, chợt nhớ đến câu thơ của Lý Thương Ẩn: "Bao giờ chung bóng song Tây, Còn bao nhiêu chuyện núi này
mưa đêm" . [ 5]
[5] Câu thơ trong bài "Dạ vũ ký bắc" (Đêm mưa gửi người phương Bắc), bản dịch của Tương
Như.
Lòng chợt thấy ấm áp lạ.
- Ta không mệt.
Chàng chấm đầu bút lông vào nghiên mực, tiếp tục công việc viết lách, nhưng
chốc chốc lại đưa tay lên dụi mắt. Ngồi cách bàn viết càng xa, mắt chàng càng nheo lại.
- Chàng dừng lại một lát đã.
Tôi dịu dàng lên tiếng, lôi trong ba lô ra chiếc kính lão, đeo lên mắt chàng.
Chàng kinh ngạc nhìn cuốn tập trước mặt, nhấc lên đặt xuống kiểm tra vài lần,
khóe môi vẽ một đường cong đẹp mắt, quay lại hỏi tôi:
- Đây là thứ gì vậy? Vì sao đeo vào lại có thể thấy rõ như thế?
Chàng đeo kính nhìn rất lạ, giống hệt các vị giáo sư uyên bác trong trường đại học.
Rajiva về già giống cha chàng như đúc. Tôi thầm cảm thán: sức mạnh di truyền mới
thật lớn lao làm sao!
- Thứ này gọi là kính lão, dành cho người nhiều tuổi, mắt kém. Chiếc kính này ứng dụng nguyên lý quang học, có thể giúp mắt chàng khôi phục khả năng tập trung. Người cao tuổi nơi em sống đều đeo kính này khi đọc sách hay viết chữ.
Chàng chưa kịp tán tụng, tôi đã thở dài:
- Em mang theo kính lão hai độ, là loại kính mà những người tầm năm mươi tuổi
thường đeo, nhưng không chắc dã chính xác, tốt nhất chàng nên đến bệnh viện để đo
mắt và kính. Nhưng tiếc là, chàng không đến đó được
Chàng không đáp, chỉ mỉm cười hiền từ, các nếp nhăn nơi đuôi mắt, trên trán, khóe môi và trên cổ chàng được dịp "khoe mình". Nhưng những dấu vết khắc nghiệt của thời gian ấy không làm mất đi vẻ nho nhã ở chàng. Khí chất thoát tục từ con người chàng đã thăng hoa tựa vò rượu quý ủ qua nhiều năm tháng, hương thơm, theo thời gian, càng thêm nồng nàn, khiến người ta say đắm, khiến người ta ngất ngây. Gương mặt từng trải ấy, tôi nhìn ngắm bao nhiêu cũng không thấy chán.
Chàng "hào phóng" để mặc tôi nhìn ngắm, không đỏ mặt như hồi trẻ nữa. Nhưng
thấy tôi không có ý định kết thúc cuộc "thưởng lãm", chàng buồn cười, định đưa tay ra kéo tôi sát lại.
- Đúng rồi, em còn món đồ này nữa.
Tôi cố ý né tránh:
- Chàng nhấc chân lên.
Tôi giúp chàng xỏ đôi tất bằng lông cừu dài đến tận đầu gối, rất dày và ấm. Đây là
loại tất xuất khẩu sang Nga, mấy trăm nghìn một đôi, tôi đã mua liền một lúc mấy chục đôi.
- Chàng thấy ấm không? Mùa đông đi tất này sẽ không bị nứt nẻ nữa.
- Ừ.
Chàng ngẩng lên nhìn tôi, bật cười:
- Thật không ngờ ta lại được sử dụng đồ vật của một nghìn năm sau.
Tôi còn mang theo mấy chục hộp lưỡi dao lam, mười mấy chiếc dao cạo râu. Khi
Tuyết Tuyết nhìn thấy chiếc ba lô to uỳnh của tôi, cô bé đã giật mình hoảng hốt. Tôi đưa tất cả cho Rajiva, chàng mỉm cười, lôi trong tủ ra một vật gì đó được quấn bọc rất cẩn thận bằng khăn tay. Thì ra là một chiếc dao cạo râu đã gỉ sét, là chiếc dao mà năm xưa tôi mang cho chàng.
Sống mũi cay cay, tôi rút khăn tay chấm nước mắt:
- Gỉ sét như vậy còn giữ lại làm gì nữa, số dao cạo râu mới này đủ cho chàng dùng
mấy năm liền.
Chàng không đáp, chỉ lặng lẽ cười, bọc lại cẩn thận rồi cất vào tủ. Chàng xỏ tất lông cừu, đeo kính lão, kéo tôi vào lòng, xiết chặt eo tôi, vùi đầu vào tóc tôi, hơi thở ấm áp của chàng phà vào cổ tôi. Tôi khẽ hắng giọng, nhìn cuốn tập trên bàn, hỏi
chàng:
- Chàng đang viết gì vậy"
- Ta đang viết "Thực tướng luận" theo yêu cầu của Bệ hạ, sách này gồm hai quyển.
Ta viết ròng rã gần một tháng nay, cũng sắp xong rồi.
Chàng ghé sát vào tôi, dịu dàng nói:
- Đại tướng Diêu Hiển và Tả tướng Diêu Tung nhiều lần ngỏ ý mời ta đến chùa Đại
Tự ở Trường An thuyết giảng kinh văn mới, đợi sau khi ta hoàn thành cuốn sách này, chúng ta sẽ lên đường.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên:
- Em cũng đi ư?
- Tất nhiên rồi!
Chàng vẫn xiết chặt eo tôi, đặt một nụ hôn lên cổ tôi:
- Trong nửa năm nàng ở đây, ta không muốn xa nàng một ngày nào cả.
Chàng tháo kính, đặt lên bàn, sau đó bế tôi lên:
- Con trai căn dặn ta phải giám sát việc thuốc thang và nghỉ ngơi của nàng mỗi
ngày.
Chàng đặt tôi lên giường, hơi thở gấp gáp:
- Ta già mất rồi, sắp bế không nổi nàng nữa.
Tôi vội vã an ủi:
- Tại em mập lên đấy.
Chàng đổ người lên mình tôi, cười rạng rỡ:
- Đúng là nặng hơn đôi chút
Đại sư Buddhayassa chỉ ở lại với chúng tôi một buổi tối, sau đó ngài dọn đến chùa
Thảo Đường, vì không cầm theo hết số kinh văn tiếng Phạn, Rajiva phải nhờ đại sự Buddhayssa chép lại cuốn "Thập trụ kinh", để sau khi chàng từ Trường An trở về, hai người sẽ cùng nhau nghiên cứu và phiên dịch cuốn kinh này.
Đại sư Buddhayassa không tỏ thái độ bài xích cuộc sống vợ chồng của tôi và Rajiva, nhưng tôi biết, ngài rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, cả tôi và chàng lâu nay đã không còn bận tâm đến việc người khác đánh giá về chúng tôi ra sao. Chúng tôi đâu còn thời gian để bận lòng về việc đó, thời gian dành để tận hưởng dư vị hạnh phúc mà chúng tôi đang có còn chẳng đủ nữa là.
Trung tuần tháng ba dương lịch, hoa đào nở rộ. Sắc hồng rực rỡ phủ kín cả khu vườn. Gió xuân thổi qua các cành cây, những cánh hoa cuộn bay trong không trung, la đà đậu khẽ trên bờ vai gầy guộc của chàng. Chàng nhìn tôi, nụ cười rạng rỡ giữa trời hoa bay, thần thái ấy hệt như một tiên ông giữa chốn bồng lai tiên cảnh.
Chàng chìa tay về phía tôi:
- Chúng ta đi Trường An nào
Chương 88: Gặp lại người quen
Vườn Tiêu Dao cách Trường An hơn bốn mươi dặm, chúng tôi đi mất nửa ngày đường mới tới nơi. Tôi vén rèm cửa, nhìn ra ngoài. Kinh đô danh tiếng trải mười tám triều đại vua hiển hiện sống động trước mắt.
Tôi đã đến tham quan cố đô Tây An thời hiện đại, đường đi rộng rãi, bố cục cân đối, giống như một bàn cờ, Tây An bảo tồn nguyên vẹn tường thành từ thời Minh. Lầu chuông lầu trống, tháp Đại Nhạn, tháp Tiểu Nhạn, Bi Lâm (rừng bia đá và mộ chí), phố Hồi Dân (phố người Hồi, phố ẩm thực nổi tiếng của Tây An), Thư Viện Môn (phố đi bộ cổng thư viện Quan Trung), đan xen hài hòa với các trung tâm thương mại, các tòa nhà cao tầng hiện đại, với phố xá nườm nượp xe cộ và người đi lại, tạo nên một bầu không khí rất đặc biệt.
Tây An thời hiện đại được xây dựng từ thời nhà Đường, kế thừa bố cục kinh đô của nhà Minh. Còn thành Trường An trước mắt tôi, hiện nằm ở phía Tây Bắc Tây An, là kiểu kiến trúc đô thành của thời Hán. Kinh đô trải bao bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời này, cũng chẳng được yên ổn trong thời kỳ Thập lục quốc. Cuối thời Tây Tấn, loạn Bát vương đã phá hoại nghiêm trọng thành phố này, sau đó, vua Phù Kiên nhà Hậu Tần phải mất rất nhiều công sức mới khôi phục lại nguyên trạng, nhưng đến khi Mộ Dung Xung bao vây, tấn công Trường An, đã dung túng cho quân lính hoành hành ngang ngược, đốt phá, cướp bóc, giết chóc, khiến cho đất Quan Trung trở thành chốn địa ngục A Tì. Nhưng vào thời điểm này, với nỗ lực của hai đời vua Diêu Trường, Diêu Hưng, tuy chẳng thể so sánh với quy mô thời thịnh Đường ngày sau, Trường An cũng có thể được xem là một thành phố phồn hoa, đô hội.
Xe ngựa chầm chậm lăn bánh qua lầu trống, lầu chuông, dòng người qua lại như mắc cửi, hơi thở đầy sinh khí của cuộc sống ấm no ngập tràn khắp phố phường. Rajiva vòng tay qua eo tôi, yêu chiều để mặc tôi gác cằm lên thành cửa sổ xe ngựa, quan sát mọi thứ, ánh mắt tràn yêu thương. Khi ngang qua khu chợ bán đồ thủ công, chúng tôi thấy bên đường có rất nhiều người ăn mặc rách rưới, trên đầu cắm cọc tiêu
bằng cỏ , ánh mắt thẫn thờ. Rajiva cho dừng xe lại, bước xuống hỏi han. Tôi cũng [ 1]
muốn theo chàng, nhưng ngẫm ngợi một lát lại thôi. Nếu để người ta bắt gặp chàng đi cùng một phụ nữ ra phố, sẽ ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng của chàng. Lát sau, Rajiva quay lại xe ngựa, bảo tôi đưa cho chàng ít tiền, tôi không ngần ngại dốc sạch hầu bao. Chàng cho những người tội nghiệp đó tiền, và lúc quay lại, vẻ mặt chàng trầm buồn.
[1] Cọc tiêu bằng cỏ cắm trên hàng hóa cho biết là hàng để bán.
- Họ là dân lang thang đến từ Lương Châu, không còn đường sống, phải bán thân
làm nô lệ.
Chàng thở dài não nề:
- Ta sẽ khuyên Bệ hạ trả tự do cho họ.
Tôi gật đầu đồng tình. Diêu Hưng không giống Lữ Quang, ngài là một vị vua anh
minh, chắc chắn sẽ nghe lời khuyên của Rajiva.
Xe ngựa đỗ ở cổng phụ của cung Vị Ương để chờ người vào cung thông báo. Lúc
dừng xe, một chàng trai cao lớn đứng ở phía đối diện đã thu hút sự chú ý của tôi. Cậu ta đứng ngoài cổng ngó nghiêng vào bên trong, vẻ mặt đầy lo lắng. Tuổi chừng hai mươi, cao khoảng một mét chín. Nghe thấy tiếng động từ phía sau, cậu ta quay lại
nhìn cỗ xe ngựa. Tôi thầm thốt lên: đẹp trai quá!
Thân thể cao lớn, cường tráng, các bắp thịt săn chắc, vạm vỡ. Tuy mặc áo bông thường dân, nhưng cử chỉ nho nhã. Nước da trắng bóc, làn môi đỏ và hàm răng trắng nổi bật. Đôi mắt đen long lanh đang chăm chú quan sát cỗ xe ngựa của chúng tôi đầy vẻ hiếu kỳ. Chiếc cằm thuôn nhọn khiến cho gương mặt trở nên dịu dàng, hiền hậu.
Hách Liên Bột Bột cũng cao lớn, tráng kiện, nhưng gương mặt của hắn quá ư lạnh lùng, dữ dằn, khiến người ta sợ hãi. Chàng trai trẻ này hoàn toàn không có những nét "ác bá" ấy, nên nếu đánh giá về mức độ "đẹp trai", thì cậu ta hơn hẳn Hách Liên Bột Bột. Nước da trắng ngần này chắc chắn không phải huyết thống của người Hán.
Chàng trai giật mình thảng thốt khi nghe thông báo người ngồi trên xe là pháp sư Kumarajiva và phu nhân, kế đó liền rảo bước về chúng tôi. Cả tôi và Rajiva đều băn khoăn khi nhìn thấy chàng trai ấy, gương mặt mày quen thuộc quá, không biết cậu ta là ai? Cỗ xe rời đi khi chàng trai chưa kịp lại gần. Ngồi trên xe, tôi quay lại nhìn, thấy cậu ta có vẻ hụt hẫng, ánh mắt thẫn thờ, ngóng theo cỗ xe đang xa dần.
Sau khi vào cung, chúng tôi được sắp xếp nghỉ ngơi tại một khu nhà chỉ có một cổng ra vào ở vành ngoài cung điện. Rajiva đưa Tăng Triệu đến chào hỏi vua Diêu Hưng, chàng biết bệnh nghề nghiệp của tôi rất "nặng", nên đã cắt cử viên thái giám họ
Trịnh, chức quan Hoàng môn đưa tôi đi thăm thú Hoàng cung trong phạm vi cho [ 2]
phép. Hậu cung là chốn cung cấm, không được tự ý ra vào.
[2] Hay còn gọi là Hoàng môn thị lang, chức quan coi sóc công việc trong cung vua thời xưa.
Nhưng không sao, được tự do thăm thú vòng ngoài thế này cũng đủ vui lắm rồi.
Vua Lưu Bang năm xưa lệnh cho Tiêu Hà giám sát việc xây dựng cung Vị Ương, đây là cung điện dài nhất trong lịch sử Trung Quốc còn giữ lại được đến ngày nay. Từ thời Tây Hán, Tiền Tần, Hậu Tần, đến Tây Ngụy, Bắc Chu thời Nam Bắc triều, các vị Hoàng đế đều đặt cung Vị Ương làm trung tâm hành chính trung ương, qua nhiều lần tu bổ mở rộng, cung Vị Ương chiếm 1/7 tổng diện tích thành Trường An. Vì vậy, dù chỉ được phép đi lại ở khu vực ngoại diên, nhưng diện tích cũng vô cùng rộng lớn, đủ để tôi khảo sát thoải mái. Tôi hào hứng, nhét vào trong người ít bạc vụn, rồi theo
Trịnh Hoàng môn ra ngoài.
Chợt nhớ đến chàng trai trẻ khi nãy, lòng hiếu kỳ trỗi dậy, tôi bèn nhờ Trịnh Hoàng môn đưa ra khu vực cổng phụ khi nãy. Trên đường đi, vị thái giám này giải thích một cách khách sáo để tôi hiểu rằng, trong cung có rất nhiều quy tắc, không được tự ý ra khỏi cung, muốn ra ngoài phải có lệnh bài. Lẽ ra Rajiva không cần phải sống trong cung, nhưng vì Bệ hạ muốn được nghe chàng giảng kinh mỗi ngày, nên không bằng lòng để chàng ở nơi cách xa ngài. Trịnh Hoàng môn giao cho tôi một lệnh bài, nói rằng cầm lệnh bài này có thể tự do ra vào cung.
Tôi vừa lắng nghe vừa cảm ơn, cũng không quên rút ra ít bạc vụn, ý nhị trao cho
Trịnh Hoàng môn, ông ta được nhận hối lộ, càng nhiệt tình dẫn đường cho tôi hơn.
Ra khỏi cung, tôi bàng hoàng khi mấy tên lính gác cổng đang đánh đập ai đó. Quan sát người đang co gập người dưới đất, tay ôm đầu chịu đòn kia, tôi nhận ra đó chính là chàng trai hồi sáng. Tôi vội vàng chạy đến can thiệp. Đám lính gác không biết tôi là ai, nhưng thấy tôi đi cùng viên thái giám chức sắc không hề nhỏ trong cung, thì lập tức dừng tay lại.
Tôi đỡ chàng trai trẻ dậy, trán cậu ta sưng tấy, gò má bị toạc da, nỗi căm phẫn ngập trong đôi mắt đẹp mê hồn, nộ khí trùm lên gương mặt tuấn tú. Cậu ta chắp tay vái tôi và nói lời cảm ơn. Hỏi han nội tình mới biết, cậu ta từ Lương Châu tới đây, trên đường đi, chị gái bị đội kị binh bắt cóc, nghe nói bị đưa vào cung làm ca kĩ. Ngày nào cậu ta cũng đến cung Vị Ương ngóng đợi, mong sao tìm được cơ hội cứu chị gái.
Tôi cười buồn, chả trách cậu ta bị đám binh lính kia đánh đập. Hẳn là vì ngày nào cậu ta cũng qua lại chỗ này, thậm chí rất có thể đã cả gan chặn xe của các quan lại trên đường vào cung cũng nên. Tôi hỏi cậu ta về dung mạo và tuổi tác của người chị. Cậu ta mô tả cho tôi nghe về chiều cao của chị gái, và nói rằng cô ấy hai mươi lăm tuổi, tuy không xinh đẹp nhưng hiền thục, đoan trang. Tôi hiểu rồi, thì ra là cô gái ấy.
- Chị cậu tên là Nghiêm Tĩnh phải không?
Cậu ta vui mừng khôn xiết, gật đầu rối rít. Tôi lấy làm khó hiểu, các nét trên gương
mặt cô gái ấy tương đối thô kệch, mắt to, lông mày rậm, giống người Hung Nô, còn chàng trai cao lớn, da trằng như trứng gà bóc này, giống người Tiên Tì hơn, sao họ lại
là chị em?
Nghĩ vậy nhưng tôi không nói ta, chỉ gật đầu bảo cậu ta:
- Tôi đã gặp chị cậu. Cô ấy kết hôn rồi đúng không, vì tối nào tôi cũng thấy cô ấy
khóc nhớ chồng.
Cậu ta lấy làm ngạc nhiên, biểu cảm trong ánh mắt rất phức tạp, hai má hơi đỏ lên.
- Xin chị làm ơn làm phước giúp đỡ, tôi sẽ không bao giờ quên ơn.
Cậu ta quỳ một chân xuống, chắp tay lại, đưa lên cao, đầu cúi thấp.
Tôi hơi khó nghĩ. Diêu Hưng khi đó đã lệnh cho Vương ma ma đưa các cô gái về
đội ca múa của triều đình, sự việc diễn ra được một tháng rồi, không biết tình hình của họ bây giờ ra sao. Bước vào cửa quan đã khó ra, huống hồ là cửa cung.
Nhìn vẻ mặt đầy hi vọng của chàng trai, tôi thấy không đành lòng:
- Cậu cứ về đi, đừng ở đây dò la tin tức nữa. Hãy cho tôi biết tên và địa chỉ nhà
cậu, nếu có tin gì tôi sẽ cử người đến thông báo cho cậu.
Cậu ta vui mừng cảm ơn tôi, và cho biết:
- Tôi tên Mục Siêu, nhà tôi ở phường Hoài Viễn.
Tôi giật mình ngẩng lên. Cuộc sống lam lũ không hề làm sạm đi nước da trắng bóc
của cậu ta, mái tóc dài đen bóng, một nửa quấn gọn trong khăn vải, một nửa thả xuống ngang vai. Mục Siêu ư? Nhiều năm trước cũng có một chú bé lém lỉnh tự xưng như vậy. Có phải chàng thanh niên cao lớn này chính là chú bé ấy, hay đây chỉ là sự trùng hợp? Tôi suy nghĩ thêm một lát, Nghiêm Tĩnh phải chăng là Diên Tĩnh, cha cô bé từng nhận tên mình là Nghiêm Bình. Mộ Dung Siêu năm nay hai mươi tuổi, trùng khớp với độ tuổi của chàng trai này. Và gia đình họ lại có cả người Hung Nô và người
Tiên Tì
Cậu ta bối rối trước ánh mắt chăm chú của tôi, hai má bỗng nhiên ửng đỏ. Tôi hỏi
khẽ:
- Hồi cậu ba, bốn tuổi, có từng sống ở Guzang không?
Cậu ta nhìn tôi kinh ngạc, sau đó quan sát tôi rất kỹ rồi lặng lẽ gật đầu. Tôi hỏi
tiếp:
- Khi ấy, cậu sống ở đâu?
Cậu ta tiếp tục nhìn tôi không chớp mắt, mấp máy môi:
- Nhà của pháp sư Kumarajiva.
Tim tôi đập mạnh:
- Mẹ cậu họ Đoàn, tên Sính Đình, phải không?
- Cô cô là ai?
Thiếu chút nữa thì cậu ta nhảy dựng lên, khuôn ngực phập phồng.
Tôi bật cười khanh khách, đây đúng là duyên trời, cậu ta quả nhiên là chú nhóc
đáng yêu ngày đó. Tôi lôi ra một nắm bút chì giấu trong tay áo:
- Cậu có nhận ra vật này không?
- Cô cô!
Cậu ta kêu lớn, ôm chặt lấy vai tôi, vui mừng khôn xiết:
- Cô chính là cô cô!
Nhưng cậu ta ngay lập tức lùi lại, vẻ mặt đầy hồ nghi:
- Nhưng cô cô hơn tuổi mẹ tôi kia mà, vì sao trông lại trẻ hơn cả chị Tĩnh? Hơn
nữa, tôi nghe nói, cô cô đã
- Tên ranh, không được trù ẻo cô cô. Cô cô là tiên nữ, trẻ mãi không già. Cô chỉ về
nhà mẹ đẻ một thời gian thôi, sao dám bảo cô chết hả?
Tôi trêu đùa cậu ta, cố ý làm cho vấn đề kia trở nên mơ hồ.
- Siêu à, cháu lớn nhanh quá, cao hơn cả cô rồi.
Tôi ngẩng lên nhìn cậu ta, vóc dáng cao lớn, lại đẹp trai ngời ngời thế này, nếu ở
thời hiện đại, không làm người mẫu, diễn viên thì quả là phí của trời. Tôi vui mừng
nắm tay cậu ta:
- Đi nào, đưa cô đến thăm mẹ cháu.
Sính Đình nheo mắt lại quan sát tôi hồi lâu dưới bóng hoàng hôn ảm đạm lọt vào
căn nhà mái lá tồi tàn, sau đó mới kêu lên:
- Chị Ngải Tình, chị là chị Ngải Tình!
Cô ấy kéo tôi ra ngoài cửa, mượn chút ánh nắng cuối ngày để nhìn tôi cho rõ hơn,
sau đó thì hết sức ngạc nhiên:
- Chị Ngải Tình, vì sao chị không hề già đi? So với mười sáu năm trước, còn đẹp hơn rất nhiều.
Tôi chỉ cười không đáp. Mười sáu năm trước sống trong cảnh đói khổ triền miên như vậy, làm sao mà đẹp nổi. Mấy năm qua, nhờ ăn uống đủ chất, và các loại mỹ phẩm chăm sóc da của thời hiện đại, nước da của tôi không còn khô héo, vàng vọt như xưa nữa, cơ thể cũng béo tốt, mỡ màng ra nhiều. Trước mắt tôi lúc này là một người phụ nữ ăn mặc rách rưới, tiều tụy, héo hon, sắc mặt úa vàng, dáng người gầy gò, còm cõi, không nhận ra vẻ đẹp của cô gái Sính Đình năm xưa nữa. Mười sáu năm trước, cô ấy hai mươi hai tuổi, bây giờ mới chưa đầy bốn mươi hai, nhưng trông cô ấy còn già nua hơn cả phụ nữ năm mươi tuổi. Tôi cảm thấy xót xa, hẳn là, mười sáu năm qua, gia đình họ đã phải chịu đựng rất nhiều nhục nhằn, kham khổ.
Tôi quan sát căn nhà mái là thấp bé, rách nát, tồi tàn, trong nhà không có đồ đạc gì đáng tiền. Mộ Dung Siêu vội vã dùng tay áo lau sạch bụi trên chiếc sạp nhỏ và mời tôi ngồi xuống. Tôi bảo Trịnh Hoàng môn về trước, nhắn với Rajiva rằng tôi gặp lại người quen, ăn tối xong mới về cung. Sau đó, ngăn hai mẹ con Sính Đình đang cuống quít, sốt sắng lo tiếp đón tôi lại, mời họ ra ngoài ăn tối.
Lúc ăn cơm, Sính Đình đã kể cho tôi nghe cuộc sống của họ mười sáu năm qua.
Họ bỏ trốn đến Thiên Thủy, thuê một mảnh đất, cả gia đình mai danh ẩn tích, làm ruộng sống qua ngày, đời sống thanh bần, kham khổ, họ cũng không nhớ đã vượt qua những ngày tháng ấy bằng cách nào. Bà Công Tôn lâm bệnh qua đời khi Mộ Dung Siêu lên mười. Hô Diên Bình cũng đã ốm bệnh mà qua đời một năm trước, trong trận đói kinh hoàng ở Lương Châu.
Nhắc lại cái chết của Hô Diên Bình, mắt Sính Đình đỏ hoe, nước mắt giàn giụa. Khi ấy họ không còn tiền để bốc thuốc, lại gặp phải trận đói, nên đành bất lực, giương mắt nhìn Hô Diên Bình chầm chậm đi đến cái chết. Điều an ủi duy nhất với anh ta là Mộ Dung Siêu và Hô Diên Tĩnh đã bái đường thành thân ngay trước giường bệnh của anh ta. Sau khi Hô Diên Bình qua đời, gia đình họ cũng không mua nổi quan tài, chỉ bọc thi thể trong một chiếc chiếu cói rồi an táng.
Những ngày sau đó, vì không thể gắng gượng thêm nữa, lại đúng lúc nhà Tần thôn tính Hậu Lương, họ đã hòa vào dòng người chạy nạn đến Trường An tìm kế sinh nhai. Nào ngờ, trên đường đi, Hô Diên Tĩnh bị bắt, hiện không biết sống chết ra sao. Sính Đình vừa khóc vừa kể, bát cơm chan đầy nước mắt. Cô ấy vốn là một tiểu thư con nhà quyền quý, sống trong nhung lụa, văn chương thơ phú, cầm kỳ thi họa đủ cả, vậy mà số phận lại trở nên trớ trêu, thê thảm nhường ấy.
Chúng tôi chuyện trò, hàn huyên rất lâu, sau khi ăn xong, ra khỏi quán ăn thì trời đã sẩm tối. Mộ Dung Siêu đề nghị chủ quán gạt hết đồ ăn thừa vào một chiếc đĩa sứ để cậu mang về. Thấy họ tằn tiện như vậy, tôi không đành lòng, nên đã dốc hết số tiền mang theo bên mình đưa cho Sính Đình, đồng thời an ủi họ rằng, tôi nhất định sẽ nghĩ cách cứu Hô Diên Tĩnh ra.
- Siêu à, cháu cưới chị Tĩnh làm vợ rồi, vì sao vẫn gọi là chị?
Tôi hỏi Mộ Dung Siêu khi cậu ta đưa tôi về cung.
Phố xá vắng lặng, trên đường chỉ có tiếng bước chân của tôi và cậu ta vang lên lạo
xạo. Không có đèn đường, chỉ có ánh sáng leo lắt của những ngọn nến hắt ra từ khe cửa các căn nhà ven đường.
Tôi nghe trong giọng nói của cậu ta có chút gì đó buồn bã. Cậu ta không muốn thừa nhận mối quan hệ vợ chồng với Hô Diên Tĩnh trước mặt mọi người, phải chăng vì đối với cô gái hơn mình năm tuổi ấy, cậu ta biết ơn nhiều hơn là yêu? Chuyện tình
cảm rất khó nói, tôi chỉ khuyên nhủ một cách tế nhị:
- Cô ấy là một cô gái tốt
- Cháu biết chứ.
Cậu ta tiếp tục bước đi, cất giọng nhẹ nhàng:
- Xin cô yên tâm, chị ấy là vợ cháu, cháu sẽ không bao giờ bỏ rơi chị ấy.
Chúng tôi đến cổng một dinh cơ bề thế, cổng lớn cao ngất, bậc cửa lạnh ngắt, trên
biển đề: Phủ tướng quân kỵ binh. Tôi giật mình, thì ra đây là phủ đệ của Hách Liên
Bột Bột
- Ối!
Mải ngắm nghía cánh cổng vĩ đại nhà Hách Liên Bột Bột, nên tôi đã vấp phải bậc
thềm nhà hắn ta. Tôi đau đớn co cẳng nhảy lò cò, miệng không thôi xuýt xoa. Mộ Dung Siêu giữ tôi lại và đỡ tôi ngồi xuống bậc thềm. Cậu ta ngồi bên cạnh, cúi xuống nhấc cổ chân tôi lên, vặng sang trái vặn sang phải và hỏi tôi có bị trẹo chân không. Tôi đoán là không, có lẽ chỉ bị thương nhẹ, nhưng vẫn rất đau, tôi bực mình nguyền rủa Hách Liên Bột Bột và bậc thềm chết tiệt nhà hắn.
Chợt nghe thấy tiếng cười thậm thụt bên cạnh. Tôi tức quá, đưa tay cốc cho cậu ta một cái. Đây là hành động tôi thường làm khi xưa, mỗi lần cậu ta nằng nặc đòi tôi kể chuyện.
- Tên ranh, không được cười!
Tiếng cười ngày một lớn và sảng khoái:
- Cháu không ngờ cô vẫn trẻ con như vậy!
Tôi định nghiêm mặt nạt nộ cậu ta, nhưng chợt nhớ ra là tôi chưa bao giờ biết dạy
bảo người khác, nên sau đó cả tôi cũng bật cười, nhớ lại chuyện xưa, không khỏi bùi
ngùi:
- Cháu còn nhớ chuyện cháu bắt chuột cống ngày xưa không?
Tiếng cười tan đi, lúc lâu sau mới nghe tiếng cậu ta khe khẽ vang lên:
- Cháu làm sao quên được.
Ngừng lại rất lâu, giọng nói thâm trầm, lành lạnh mới lại cất lên:
- Sau chuyện đó, cháu hiểu ra rằng, khi anh yếu thế, bất kể kẻ nào cũng có thể
hiếp đáp, bắt bạt anh. Muốn không bị kẻ khác chèn ép, cách duy nhất là làm cho bản thân mình trở nên lớn mạnh.
Cậu ta quay lại, ngước nhìn dinh cơ đồ sộ, bề thế kia. Đèn lồng chiếu sáng cả một góc phố, chiếu rọi cả dã tâm và hào khí dâng lên trong mắt Mộ Dung Siêu. Tôi bỗng
cảm thấy rất đỗi bất an khi nghĩ về kết cục bi thương của cậu ta ngày sau
Rajiva đã về nhà từ lâu. Tôi đem chuyện hôm nay tình cờ gặp lại Đoàn Sính Đình và Mộ Dung Siêu kể lại cho chàng. Sau đó, bàn bạc với chàng làm cách nào để cứu Hô Diên Tĩnh.
Rajiva trầm tư giây lát, nói:
- Ngày mai gặp Bệ hạ, ta sẽ tâu với ngài rằng con gái một người quen đã bị bắt và
đưa vào cung, ta tin Bệ hạ sẽ thả cô ấy ra thôi, ngài là một vị vua anh minh. Hôm nay, khi ta cầu xin ngài trả tự do cho các nạn dân Lương Châu bán mình làm nô lệ, ngài đã
lập tức hạ chỉ trả tự do cho họ, đồng thời cấp phát đất đai cho họ khai khẩn
Tôi gật đầu. Bây giờ khác với khi còn ở Lương Châu, sức ảnh hưởng của Rajiva ở Trường An rất lớn.
Chàng ra ngoài và bưng vào một bát thuốc:
- Nàng về muộn quá, bát thuốc này đã phải hâm đi hâm lại nhiều lần.
Chàng thổi bớt bọt khí, tự mình nhấp môi kiểm tra nhiệt độ, rồi mới đưa cho tôi.
Sau khi tôi uống hết bát thuốc trong trạng thái nhăn mặt, khó khăn, chàng lau miệng
cho tôi:
- Bệ hạ còn nói, hiện đã có mấy vị tăng sĩ đến Trường An, họ muốn bái ta làm sư
phụ và trợ giúp ta dịch kinh.
Tôi vừa bóp vai cho chàng, vừa hỏi chuyện:
- Họ là những ai thế?
Chàng vui mừng đáp:
- Ba người học rộng biết nhiều nhất trong số họ có pháp danh là Trúc Đạo Sinh,
Đạo Dung, Tăng Duệ.
Tôi "a" lên một tiếng. Chàng giữ tay tôi lại, quay đầu hỏi:
- Ngải Tình, nàng biết họ, phải không?
Tôi lè lưỡi tinh nghịch, đáp:
- Ba vị đó, cộng với Tăng Triệu được người đời sau mệnh danh là "Thập môn tứ
thánh", là những đệ tử đắc lực nhất của chàng.
Tôi nhớ lại những tài liệu lịch sử từng đọc, thuật lại cho chàng nghe một cách tỉ mỉ về lai lịch của họ.
Trúc Đạo Sinh sinh cùng năm với Đạo Dung, cả hai chỉ kém Rajiva năm tuổi. Đạo Sinh xuất thân con quan, rất có tài biện luận, hồi trẻ đã nổi danh khắp vùng vì khả năng đó.
Đạo Dung xuất gia năm mười hai tuổi, là người có trí nhớ phi thường. Hồi nhỏ, vào một ngày nọ, sư phụ sai Đạo Dung vào trong thôn mượn cuốn "Luận ngữ", Đạo Dung không mang sách về mà nói rằng mình đã đọc thuộc. Sư phụ không tin, liền lấy cuốn "Luận ngữ" ra đối chiếu và bảo Đạo Dung đọc thuộc, Kết quả, nhà sư đã đọc không sai một chữ.
Tặng Duệ trẻ hơn hai người kia, nhưng năm nay cũng đã ngoài ba mươi. Trước kia, Tăng Duệ là đệ tử của ngài Thích Đạo An, vị cao tăng rất được vua Phù Kiên trọng
dụng. Người này rất chăm chỉ, năng lực lĩnh hội rất cao.
Rajiva vừa nghe giới thiệu vừa hết lời khen ngợi, và nói rằng ngày mai sẽ bẩm tấu với Diêu Hưng, để ba người đó vào sống trong chùa Thảo Đường, trợ giúp chàng dịch thuật kinh Phật. Có được ba đệ tử tài giỏi như vậy, Rajiva rất vui. Tôi rót trà cho
chàng, hỏi:
- Chàng định sẽ dịch cuốn kinh nào trước?
- Tất nhiên là
Chàng nhấp một ngụm nước, mỉm cười:
- Cuốn "Kim cương bát nhã ba la mật kinh".
Tôi hết sức ngạc nhiên. Chàng đặt cốc nước lên bàn, ôm tôi vào lòng, ghé tai tôi thì
thầm:
- Nàng thích những bài kệ trong cuốn kinh văn này nhất kia mà
"Tất cả các pháp hữu vi
Như bóng bọt nước có gì khác đâu
Như sương như điện lóe mau
Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng".
Chàng lầm rầm đọc lại, giọng chàng trầm ấm, đưa hồi ức của tôi trở về buổi tối
mùa hạ năm đó. Khi ấy chàng một mực ép tôi ra đi, tôi đã đau lòng biết bao khi đọc
những câu kệ này. Chớp mắt, đã ngần ấy năm trôi qua
Chàng cúi xuống, gác cằm lên vai tôi, khẽ thở dài:
- Ngải Tình, ta vẫn nhớ như in cảnh tượng lần đầu gặp nàng. Khi ấy nàng rất mệt
mỏi và lo lắng, mắt tròn xoe, miệng há hốc. Nàng không nhớ nổi tên ta bằng tiếng Phạn, cứ nhẩm đi nhẩm lại một cách vất vả. Lúc đó ta thầm nghĩ, cô gái này rất thật
thà, chất phác, không màu mè, kiểu cách. Ngày tháng qua đi, càng ở gần nàng, càng bị
nàng hấp dẫn bởi tính cách đặc biệt và trí tuệ của nàng. Kể từ đó, trái tim ta không còn dành riêng phụng thờ Phật tổ nữa, mới đây mà đã bốn mươi năm, đúng là "như sương,
như điện, như chiêm bao"
Giọng chàng ấm áp, êm như gió xuân, lướt qua tim tôi, làm rung động những con sóng cảm xúc, tôi thấy mũi mình cay cay. Trong bốn mươi năm của đời chàng, mười năm của đời tôi, nếu cộng cả nửa năm ở Trường An, chúng tôi cũng chỉ được sống bên nhau vỏn vẹn bốn năm. Thời gian còn lại là nỗi khắc khoải chờ đợi mỏi mòn. Ông trời có bất công với chúng tôi không? Không đâu, tôi lắc đầu, xua đi những suy nghĩ bi quan. Nếu không trải qua những năm tháng đợi chờ dằng dặc ấy, làm sao biết quý trọng những khoảnh khắc ngắn ngủi bên nhau.
Tôi xoay người lại, nép vào ngực chàng, hai cánh tay vòng qua, xiết chặt lấy chàng, như kẻ chết đuối chới với ghì chặt lấy khúc gỗ cứu mạng giữa đại dương mênh mông. Tôi thầm nhủ với chính mình: đừng mong cầu gì nhiều, được ôm chàng trong vòng
tay như thế này, là đủ rồi
------------------------
>> Đọc tiếp: Chương 89 - 90
0 comments :
Post a Comment