Chương 27: Câu chuyện của anh H
Nghề nghiệp của tôi tin rằng mọi người đều đã rõ. Tôi là một tài xế xe tải. Văn hóa của tôi không cao, so với mọi người, tôi là một người thô tục. Trước kia tôi cảm thấy chỉ có những phần tử trí thức mới mắc bệnh tâm lý, nhưng ngày nay đầu óc của bất cứ ai cũng có thể xảy ra vấn đề.
Câu chuyện xảy ra cách đây hai năm. Lúc đó tôi lấy vợ chưa được ba năm. Vợ tôi cũng giống như tôi, không có văn hóa, nhưng là người hiền lành, lương thiện. Đời sống của chúng tôi không được rộng rãi lắm nhưng vợ chồng sống rất hòa thuận, vui vẻ. Lúc đó chúng tôi định sinh một đứa con. Ở công ty, tôi cố gắng chăm chỉ làm việc, hy vọng cho hai mẹ con họ một cuộc sống tốt đẹp.
Buổi sáng một ngày tháng 6, tôi bỗng nhiên nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ, vừa nhấc ống nghe đã thấy vang lên một giọng nói khác thường: “Anh đang ở đâu? Mau đến tiểu khu Phù Dung ngay! Mau lên!”
Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, vội vàng hỏi: “Anh là ai?”
“Tôi là chồng của Trần Băng, Trần Băng cô ấy… nhảy lầu tự sát rồi!” Nói xong, điện thoại bị ngắt ngang.
Tôi sợ quá, vội quay lại số điện thoại, nhưng điện thoại di động của anh ta không thể liên lạc được. Tôi nghĩ một lúc rồi quyết định lái xe đến tiểu khu Phù Dung xem sao. Trên đường đi, tôi cố gắng nhớ lại cái tên Trần Băng, cuối cùng nhớ ra cô ta là một người bạn học cùng lớp hồi phổ thông trung học. Nhưng sau khi ra trường không hề gặp lại, bình thường cũng không có gì thân thiết, chồng cô ta sao lại có số điện thoại di động của mình? Vì sao vào lúc này lại gọi cho mình đầu tiên?
Tôi phóng xe đến tiểu khu Phù Dung, nhìn thấy bên ngoài có xe cảnh sát đỗ, ở trong sân bên dưới căn chung cư đã tập trung rất đông người. Tôi chạy đến, nhưng chưa chạy đến nơi thì đã thấy mọi người “Ồ” lên một tiếng rồi dãn cả ra để lại một khoảng trống, mấy nhân viên cứu hộ khiêng một cái cáng chạy ra, nằm trên cáng là một người được đắp vải trắng. Dưới tấm vải lộ ra một mái tóc đen dài, đó là một phụ nữ. Tôi sợ quá, lẽ nào đây lại là Trần Băng, lẽ nào cô ta lại tự sát thật?
Khi tôi đang đứng ngây ra thì một người đàn ông từ trong đám đông xông đến, kéo tôi đến dưới một căn chung cư khác, anh ta gọi thẳng tên tôi. Tôi thật khó có thể vùng thoát khỏi anh ta. Anh ta giơ tay, thẳng cánh nện cho tôi một cái tát. Tôi bị đánh, tay ôm mặt kêu lên rất to: “Anh là ai? Sao lại đánh tôi?”
Anh ta gầm lên với tôi: “Tao là chồng của Trần Băng! Mày, chính mày thằng khốn, chính mày đã giết chết Trần Băng của tao!” Nói xong, anh ta ném vào người tôi một túi đồ rồi quay người chạy. Lúc đó có rất nhiều người nhìn về phía chúng tôi. Lúc đó tôi nghĩ chỉ còn cách mau chóng chạy ra khỏi chỗ này. Tôi chẳng kịp nghĩ đến việc bị đánh rách cả miệng, tôi cúi nhặt túi đồ lên rồi vội vàng lái xe bỏ đi.
Hôm đó tôi không về công ty, cũng tắt luôn điện thoại. Tôi đỗ xe ở bên đường, ngồi trong cabin mở túi đồ ra xem. Bên trong là mấy quyển nhật ký và một tập thư. Qua ngày tháng trong nhật ký và thư cho biết, đều được viết từ mười mấy năm trước cho đến nay. Tôi lật giở những trang nhật ký và những lá thư thì thấy đều là viết cho mình. Cô ta viết trong nhật ký, từ khi còn học cấp hai, cô đã thầm yêu trộm nhớ tôi, nhưng không dám thổ lộ cùng tôi. Sau khi tốt nghiệp mọi người ai đi đường nấy, cô ấy cũng đi lấy chồng, làm vợ rồi nhưng không thể nào quên được tôi. Qua mọi người cô ta biết được số điện thoại và đơn vị công tác của tôi. Thời gian này, cô viết cho tôi rất nhiều thư, nhưng đều không gửi. Về sau, chồng cô ta phát hiện thấy nhật ký và thư của cô, đã nổi cơn tam bành nện cho cô một trận tơi bời. Từ đó về sau anh ta canh cô như canh trộm, có điều gì không vừa lòng lại lôi cô ra đánh. Sau mấy lần bị hành hạ, Trần Băng đã mất đi niềm tin vào cuộc hôn nhân của mình. Một đêm trước ngày cô ta tự sát, chồng cô ta vì mấy chuyện lặt vặt đã bới móc và đánh cô ta. Trần Băng khóa trái cửa phòng ngủ, viết cho tôi bức thư cuối cùng rồi ngồi lên bậu cửa sổ đến sáng, sau đó thì nhảy xuống…
“Anh H bỗng nhiên giấu mặt vào trong hai bàn tay gân xanh chằng chịt, toàn thân run rẩy.”
Từ hôm đó trở đi, cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi cố gắng nhớ lại hình ảnh của Trần Băng, nhưng không thể nào nhớ nổi. Những bức ảnh chụp chúng tôi hồi tốt nghiệp sơ trung không biết vứt đâu mất, về sau tôi liên hệ được với một người bạn học, được anh ta giúp đỡ, mới tìm được một bức ảnh của cô ấy chụp hồi tốt nghiệp cấp 2. Hồi ấy cô ấy rất gầy gò, ít nói. Ba năm học cấp 2 tôi không hề có chút ấn tượng nào về cô ấy. Nhưng bắt đầu từ hôm đó, khuôn mặt ấy luôn luôn hiện lên trước mắt tôi. Tôi không được nhìn thấy xác cô ấy, nhưng tôi cảm thấy như tôi tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình cô ấy nhảy lầu. Cô ấy ngồi trên bậu cửa sổ, ôm khung cửa khóc hu hu, luôn miệng gọi tên tôi, sau đó buông tay nhảy xuống…
(Tiếng nói của anh H bỗng dưng im bặt. Đột nhiên, anh ta nhảy dựng lên, cầm lấy cái khay trước mặt tôi rồi cứ thế đập vào đầu không thương tiếc. Ấm trà, ly trà thay nhau lăn lông lốc trên mặt đất, nước trà nóng bỏng rớt cả lên người anh ta.)
Mọi người xúm lại ngăn, còn anh H thì mặt tái nhợt, răng nghiến kèn kẹt như sắp ngất đến nơi. Anh T bảo mọi người dìu anh H vào đặt nằm trên tấm thảm ở góc phòng, rồi cậy mồm anh ta cho vào hai viên thuốc an thần. Anh H ở trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê giãy giụa không yên, mồm lảm nhảm những câu gì không rõ, một lúc sau động tác của anh ta yếu dần, cuối cùng chìm vào giấc ngủ.
Mọi người trở lại ngồi trước bàn, anh T lại pha một ấm trà mới, ngồi trầm ngâm một lúc, nói: “Phần còn lại tôi sẽ nói hộ anh H.”
Trong đầu anh H luôn luôn hiện lên cảnh tượng Trần Băng nhảy lầu. Mỗi lần như vậy đều khiến anh ta đau khổ tột cùng. Anh H cho rằng chồng của Trần Băng nói đúng, chính anh là người đã hại chết Trần Băng. Cái cảm giác hổ thẹn, day dứt sâu sắc ấy khiến cho anh ta không thể sống và làm việc bình thường được nữa. Anh ta căm ghét mình tận đáy lòng, cảm thấy chỉ có tiêu diệt chính mình mới có thể làm dịu đi nỗi hổ thẹn, day dứt đối với Trần Băng. Thế là anh H đến bệnh viện yêu cầu được hiến tặng lục phủ ngũ tạng. Bác sĩ phát hiện tinh thần của anh H rất không ổn định, nghi ngờ anh ta có trở ngại về tinh thần nên từ chối. Cứ như thế mấy lần, anh H càng ngày càng phát hiện ra mình căm ghét mình hơn, cuối cùng, vào một đêm anh ta vào phòng vệ sinh dùng dao cạo râu để tự hại mình, may mà lúc đó vợ anh ta phát hiện kịp thời. Anh H không thể nào nói rõ sự việc cho vợ biết chỉ đành dùng những câu điên khùng hò hét ầm ĩ để trả lời vợ. Vợ anh H không hiểu gì, lại bị chồng dọa nên lánh về nhà mẹ ở tạm.
“Thế, thế người phụ nữ tên là Trần Băng kia thì sao?” Cô Q hỏi: “Có thật là cô ta đã vì anh H mà tự sát không?”
“Hà, hà, không phải.” Anh T lật tập hồ sơ trong tay, “Sự việc này cũng giống như những sự việc chúng ta đã gặp, đều là một thí nghiệm đã được thiết kế rất hoàn hảo. Theo như những tài liệu mà tôi nắm được, Trần Băng đúng là có thật, cũng chính xác là bạn học sơ trung với anh H. Nhưng 5 năm trước cô ta bị mắc bệnh trầm cảm nặng, trước sau đã tự sát rất nhiều lần. Chắc chắn tác giả của Giáo hóa trường đã nghiên cứu căn bệnh của Trần Băng, biết chắc cô này sớm muộn gì cũng tự sát thế là người ta đã chọn anh H làm sản phẩm cho thí nghiệm này sau cái chết vì tự sát của Trần Băng.”
“Thế còn những cuốn nhật ký và những lá thư thì sao?” Anh Đ hỏi.
“Tất nhiên là ngụy tạo rồi.” Anh T cười, “Theo tôi được biết, ngay cả tình yêu âm thầm của Trần Băng với anh H cũng chỉ là hư cấu mà thôi.”
“Tất nhiên tất cả đều là giả, nhưng chồng của Trần Băng làm thế nào phối hợp được?” Cô Q lại hỏi.
“Hà hà, đấy cũng là giả nốt!” Anh T rút từ trong tập tài liệu ra một bức ảnh, “Cũng là một tình nguyện viên mà “Giáo hóa trường” chiêu mộ được. Thằng cha này là một diễn viên. Hắn đoán chính xác anh H sẽ không dám đi tìm hắn để làm rõ thật giả, thế thì còn phải kiêng dè gì nữa.”
Mọi người truyền tay nhau xem bức ảnh, không khí trở nên nặng nề.
“Gần đây bệnh của anh H có phần nặng thêm.” Giọng anh T trầm xuống. “Cô Q và Đ đã nhìn thấy rồi, anh H lại bắt đầu tự hại mình.”
“Nhưng, vì sao lại có thể như thế?”
Anh T nhìn La Gia Hải một cái, “Trong quá trình cứu La Gia Hải, anh H đã phối hợp với anh K tạo ra một vụ va chạm giao thông. Anh ta tận mắt nhìn thấy thảm cảnh của vụ đụng xe ấy, vô tình làm tăng thêm cảm giác hổ thẹn day dứt. Đây cũng là nguyên nhân phát bệnh mà PTSD thường gặp nhất. Cho nên,” anh T chuyển sang nhìn La Gia Hải, “Chúng ta đề nghị ưu tiên giúp anh H trước, cậu chắc không có ý kiến gì?”
La Gia Hải nhìn anh H đang ngủ say trong góc phòng, lắc đầu.
“Không có ý kiến gì!”
Chương 28: Thực nghiệm
Sở Công an thành phố theo đề nghị của Phương Mộc đã quyết định cho tiến hành điều tra gộp ba vụ án: vụ giết người ở mê cung, vụ án mạng ở siêu thị Phú Sĩ Mã và vụ án mạng ở trường trung học số 11. Và thành lập tổ Chuyên án chuyên trách điều tra các vụ án trên. Trịnh Lâm được phân công làm tổ trưởng tổ Chuyên án, Phương Mộc và Biên Bình đều là thành viên của tổ này.
Sở dĩ có quyết định này là vì bệnh thích khoe khoang của một trinh sát viên.
Thằng cha này trực ban ở đơn vị liền mấy ngày, mấy đêm nên bị cô bạn gái mang bộ mặt giận dỗi trực tiếp đến cục tìm. Để làm cho người yêu vui lòng, anh ta đã biểu diễn quá trình đối chiếu DNA cho người yêu xem. Anh ta đã lấy tóc lấy được trong con gấu bông đồ chơi làm mẫu. Sau đó tiện tay lấy một vật bất kỳ ở kho dữ liệu để tiến hành đối chiếu. Thực ra anh này chỉ muốn có một kết luận không phù hợp, nhưng sau khi đối chiếu xong, kết quả khiến anh ta giật mình: hai dữ liệu giống nhau đến 99,99%! Anh ta vội vàng lật tìm lại dữ liệu vừa lấy để đối chiếu thì phát hiện thông tin này lấy từ dữ liệu của La Gia Hải. Trong những tội danh La Gia Hải bị khởi tố có tội cưỡng hiếp, để xác định tên này phạm tội giữa chừng hay tội phạm đã hoàn thành đã lấy mẫu máu của La Gia Hải cho đối chiếu với dịch thể lấy trong âm đạo người bị hại. Không ngờ sau khi La Gia Hải trốn thoát, thông tin này đã phát huy tác dụng.
Để có thể gộp ba vụ án làm một cùng tiến hành điều tra là một sự đột phá lớn. Đối với Phương Mộc về mặt này chứng tỏ những suy đoán của anh trước đây là đúng, nhưng về mặt khác, điều tra gộp án cũng mới chỉ bắt đầu. Đúng như Biên Bình đã từng nói, Phương Mộc sở trường về miêu tả quỹ đạo biến hóa tâm lý của kẻ bị tình nghi trong những vụ án giết người liên hoàn và vẽ ra được đặc trưng diện mạo, bối cảnh nghề nghiệp của kẻ đó nhưng trước mắt ba vụ án này không đơn giản như thế.
Sở dĩ vụ án giết người liên hoàn có những dấu vết có thể lần theo nguyên nhân là do hung thủ thường xuyên để lại những dấu hiệu trong quá trình gây án. Mà những dấu hiệu này thông thường là những mô tả rõ nét về hành vi và thuộc về một trong những đặc trưng tính cách của hung thủ. Trong trạng thái thông thường, những loại dấu hiệu hành vi này không bắt buộc phải thực hiện trong quá trình gây án nhưng nếu như thực hiện những hành vi này thì sẽ thỏa mãn một đặc điểm tâm lý hoặc yêu cầu tình cảm nào đó của hung thủ. Nhưng dấu hiệu trong ba vụ án này rất kỳ lạ.
Cả ba vụ án đều có điểm chung rất rõ ràng: Nhiều người thực hiện; sử dụng phương tiện cơ động; hiện trường giết người và hiện trường vứt xác là hai nơi khác nhau; hiện trường có tính chất nghi thức rõ rệt, đặc biệt là điểm cuối cùng: Đó là căn cứ quan trọng tồn tại trong ba vụ án mà Phương Mộc kiên trì theo đuổi. Nhưng tinh thần biếu đạt trong ba vụ án ngược lại lại không đồng nhất. Tượng trưng cho nghi thức trong vụ giết người ở mê cung là “Báo thù”, tượng trưng cho nghi thức vụ án giết người ở siêu thị Phú Sĩ Mã là “Chứng minh”, còn tượng trưng cho nghi thức vụ án giết người ở trường trung học số 11 là “Cứu vãn”. Sự phức tạp về tinh thần như thế không thể đồng thời xuất hiện ở một con người. Trước tình hình có nhiều người kết hợp gây án như vậy Phương Mộc mạnh dạn đưa ra một giả thiết: ba vụ án này rất có thể là do ba người có quan hệ qua lại với nhau nhưng chia nhau ra thực hiện.
“Ý của anh là…”, Biên Bình nhíu lông mày, “Tổ chức hỗ trợ giết người?”
“Tôi cảm thấy có thể là như vậy.”
“Thế bọn chúng vì sao phải liên kết với nhau, mục tiêu là gì?”
“Điều này em chưa nghĩ ra!” Phương Mộc ngồi đối diện với Biên Bình, “Cho nên phải nhờ sư huynh giúp đỡ.”
Từ những tài liệu, chứng cứ đã có cho thấy người bị hại ở cả ba vụ án đều không phải do hung thủ ngẫu nhiên chọn lựa mà đều là những người có quan hệ từ trước với hung thủ. Như vậy có thể hình thành một tổ hợp dị thường: Tưởng Bái Nghiêu – Đàm Kỷ; Thân Bảo Cường – La Gia Hải; Mã Xuân Bồi – Khương Đức Tiên.
“Cho nên chúng ta không ngại ngùng gì mà không tiến hành theo hướng này, hãy xác minh xem giữa Tưởng Bái Nghiêu, Thân Bảo Cường, Mã Xuân Bồi có quan hệ gì với nhau không. Nếu như có đầu mối thì quan hệ giữa Đàm Kỷ, La Gia Hải và Khương Đức Tiên cũng sẽ sớm sáng tỏ thôi.”
Phương Mộc cảm thấy kiến nghị của Biên Bình rất có lý nhưng anh cũng có những ý kiến không đồng nhất. Anh cảm thấy quan hệ giữa Thân Bảo Cường và La Gia Hải không phải là quan hệ đối ứng. Nếu như La Gia Hải muốn giết người, người bị hại chắc chắn phải là người năm đó đã làm hại Thẩm Tương. Từ hiện trường vụ giết người ở siêu thị Phú Sĩ Mã cho thấy không giống kiểu giết người báo thù vì bị xâm hại, ngoài ra, trong vụ án Thẩm Tương không có tình tiết nào liên quan đến con gấu đồ chơi nhồi bông. Nhưng điều đó cũng dẫn đến một kết luận khác: nếu như La Gia Hải chỉ là người tham gia, chứng tỏ hung thủ đối ứng với Thân Bảo Cường phải là một người khác. Tổ chức hỗ trợ giết người này có thể gồm có bốn người, thậm chí nhiều hơn!
“Cũng có thể như vậy.” Biên Bình nghĩ. “Cậu còn nhớ tư liệu ghi hình mà siêu thị Phú Sĩ Mã cung cấp không, nó cho biết dưới tấm vải đó có ít nhất bốn người.”
Một sự thật ngày càng rõ ràng đã bày ra trước mắt: Đã có thể xác định được có nhiều người tham gia tổ chức này, thế thì án mạng có khả năng sẽ còn xảy ra.
Tổ chuyên án bắt đầu bắt tay vào xác minh những người bị hại có hay không quan hệ đan chéo nhau. Đồng thời, xét thấy những đối tượng hiềm nghi có thể đã cảnh giác với động thái của cảnh sát cho nên quyết định tạm thời dừng các hoạt động điều tra trực tiếp những người này. Mặc dù vẫn duy trì hoạt động trinh sát bí mật. Nhiệm vụ của Phương Mộc là tiếp tục nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có liên quan đến ba vụ án, cố gắng tìm cho được một chút manh mối. Trên tấm vách ngăn trong phòng làm việc của anh dán đầy những ảnh và bản photocopy, trong đó, vị trí dễ nhìn nhất là ảnh La Gia Hải.
La Gia Hải là nhân vật then chốt chắp nối ba vụ án, ở anh ta còn có rất nhiều những đầu mối có thể khai thác được.
Thứ nhất, có rất nhiều hiện tượng cho thấy La Gia Hải vẫn còn lẩn tránh trong thành phố. Vòng vây của cảnh sát thành phố C đối với cậu ta không còn nghiêm ngặt như giai đoạn trước, mặt khác thời gian này là vào dịp cuối năm nên lượng khách từ các bến tàu, bến xe, sân bay tăng lên nhiều. Dịp này mà bỏ trốn là thời cơ thích hợp nhất. Cậu ta không muốn trốn khỏi thành phố đương nhiên là có mục đích. Nếu đúng như giả thiết của Phương Mộc, La Gia Hải là người có ý chí báo thù rất mãnh liệt thì việc cậu ta ở lại rất có thể là để báo thù cho Thẩm Tương.
Thứ hai, La Gia Hải sở dĩ có thể lẩn trốn ở thành phố C một thời gian dài như thế thì khả năng có người bí mật che chở cho cậu ta là rất lớn. Điều đó buộc phải nghi ngờ kế hoạch quá chu đáo bố trí cho La Gia Hải vượt ngục, Khương Đức Tiên có nhiều khả năng là tác giả của kế hoạch này, chí ít cũng là người tham gia. Ngay cả Hoàng Nhuận Hoa – người lái chiếc xe tải dẫn đến sự cố đụng xe hàng loạt cũng có thể là một trong những người liên quan. Khương Đức Tiên đã hết sức tranh thủ cơ hội biện hộ cho La Gia Hải, cố gắng làm cho cậu ta thoát khỏi tội chết, sau khi biện hộ thất bại đã rất mạo hiểm cứu La Gia Hải ra, tất nhiên phải xuất phát từ một nguyên nhân rất quan trọng, càng có khả năng đây là tâm nguyện ban đầu của tổ chức hỗ trợ giết người này.
Đồng nghiệp ở bộ phận hộ tịch đưa đến một tấm ảnh. Phương Mộc dán nó bên cạnh ảnh của La Gia Hải. Trong ảnh là một cô gái thanh tú, lộ vẻ hơi buồn – Thẩm Tương.
Tình hình vụ án phát triển đến nay, Thẩm Tương cũng có khả năng là một nhân vật then chốt. Cô gái đáng thương này vì bị xâm hại tình dục mà để lại một vết thương tâm hồn khó xóa nhòa. Cho dù có được sự an ủi của tình yêu trong một thời gian ngắn nhưng cuối cùng nỗi đau của cô cũng bị công khai trước mọi người, sau khi hoàn toàn tuyệt vọng với cuộc sống, cô ta và La Gia Hải đã giết chết kẻ đã để lộ bí mật của mình hồi ấy. Khi người yêu rơi vào cảnh khốn cùng nguy hiểm thì đã cầm dao để tự kết liễu đời mình.
Nghĩ đến đây, Phương Mộc bỗng nhiên thấy động lòng. Giả sử La Gia Hải vì muốn báo thù cho Thẩm Tương đã tham gia tổ chức hỗ trợ giết người, thế thì người có liên quan đến những người tham gia tổ chức này có thể là Thẩm Tương, chứ không phải là La Gia Hải.
Hướng suy nghĩ này làm cho Phương Mộc bỗng cảm thấy phấn khởi, anh nhấc điện thoại định gọi đến Sở để lấy hồ sơ lưu trữ của vụ án, nhưng vừa bấm được hai số thì bỏ máy xuống. Anh nhớ ra vụ án này năm ấy không báo cảnh sát, tất cả những tình tiết của vụ án đều nghe từ La Gia Hải.
Phương Mộc lấy giấy bút bắt đầu ghi lại chi tiết từng câu từng chữ từ đầu đến cuối vụ án qua lời kể của La Gia Hải. Trang giấy nhanh chóng lấp đầy những dòng chữ ngắn dài, dập dập xóa xóa. Dần dần trong đó có hai đoạn được Phương Mộc khoanh vòng tròn đỏ.
Căn cứ vào lời kể của La Gia Hải, kẻ hiếp dâm đã nói với Thẩm Tương: “Trong cơ thể mày từ nay sẽ lưu lại tinh dịch của tao, cả đời mày sẽ mang theo mùi vị của nó.” Câu nói ấy tuy nghe qua lời kể lại của La Gia Hải nhưng Phương Mộc không hề hoài nghi tính chân thật của nó. Bởi vì đó là một cuộc gặp gỡ suốt đời Thẩm Tương không thể quên, mỗi một chi tiết trong đó đều có thể ghi xương khắc cốt. Thế mà câu nói đó lại khiến cho Phương Mộc có một cảm giác kỳ lạ.
Đúng thế, nó như xuất phát tự đáy lòng, lại giống như một câu nói đã được chuẩn bị từ trước. Câu nói như thế bắt nguồn từ miệng một kẻ hiếp dâm thật sự là một sự kỳ lạ vô cùng. Nếu như nói đây là một dạng bộc lộ sự chân thật của một sự biến thái tâm lý của kẻ phạm tội, thế thì trong cùng một thời gian sẽ phát sinh một vụ án giống như thế. Phương Mộc tính toán sơ qua một lúc rồi đề nghị Sở Công an thành phố cung cấp cho hồ sơ lưu trữ của những vụ án hiếp dâm đã được lập án từ 7 đến 10 năm trước. Phương Mộc ngồi trước bàn đọc hồ sơ hết trọn nửa ngày nhưng không phát hiện ra vụ án nào tương tự vụ án này. Thế thì khả năng kẻ phạm tội có tâm lý dị thường là không lớn. Cứ cho là như thế thì giả thiết kẻ phạm tội nói câu ấy là cố tình, thế thì câu nói đó có thể là một ám hiệu, kẻ phạm tội hy vọng Thẩm Tương khi nghe đến chữ “mùi vị” sẽ phản ứng cực kỳ mạnh mẽ.
Một đoạn khác La Gia Hải nói là mỗi lần Thẩm Tương đi tắm hoặc đi mua sắm đều cảm thấy có người đi theo. Nếu như nói Thẩm Tương thời gian đầu sau khi gặp kẻ xâm hại mà sinh ra bệnh hoang tưởng thì Phương Mộc không hề cảm thấy kỳ lạ. Cảm thấy có người đi theo mình có lẽ là ảo giác hoặc hoang tưởng của Thẩm Tương. Nhưng nếu như kết hợp với giả thiết kẻ phạm tội cố ý khiến cho Thẩm Tương hình thành phản ứng tinh thần đối với “mùi vị” thì cảm giác bị theo dõi của Thẩm Tương có lẽ không phải là ảo giác hoặc hoang tưởng của cô ta. Hay nói một cách khác, chính xác có người đã theo dõi Thẩm Tương mà mục đích theo dõi là để quan sát và quay phim những phản ứng quá khích của cô.
Phương Mộc bỗng cảm thấy rùng mình, lẽ nào lại là một thí nghiệm tâm lý? Không, không thể, như thế thì quá tàn nhẫn. Nếu như dùng hành động cưỡng hiếp làm thủ đoạn thí nghiệm thì nó không chỉ phản lại vấn đề luân lý trong nghiên cứu tâm lý học mà là phạm tội!
Nhưng nếu như giả thiết này thành hiện thực thì những người khác trong tổ chức hỗ trợ giết người có liên quan đến thí nghiệm tâm lý này không? Phương Mộc chăm chú nhìn bức ảnh Thẩm Tương. Đây là bức ảnh đăng ký hộ tịch. Khi ấy Thẩm Tương khoảng độ 17, 18 tuổi. Đôi mắt sớm phủ một lớp đượm buồn, trong nụ cười hơi e thẹn có vẻ căng thẳng và gò bó. Nhưng tất cả đều không che đậy được vẻ thanh tú và trẻ trung. Nghĩ đến việc cô ta kinh sợ mùi người mình và gần như che giấu sự tự hành xác, Phương Mộc bất giác cảm thấy buồn bã nhưng đồng thời anh cũng ý thức một cách mãnh liệt rằng thực ra phản ứng quá khích của Thẩm Tương chính là trạng thái của Hội chứng chấn thương tâm lý.
“PISD…”, Phương Mộc bất giác lẩm bẩm. Nếu như hồi ấy cô ta gặp được tiến sĩ Dương Cẩm Trình thì có lẽ sẽ chẳng xảy ra chuyện gì.
Dương Cẩm Trình theo lệ thường tiến hành thị sát lần cuối cùng trước khi ra về. Như mọi ngày tất cả đều khiến cho ông ta rất thỏa mãn. Dương Cẩm Trình bước ra ngoài, tất cả đều đang làm việc rất bận rộn và gọn gàng ngăn nắp. Ông ta thích như vậy, chỉ có phấn đấu không ngừng thì mới có được thu hoạch, nỗ lực thêm một chút thì càng gần thành công thêm một bước. Trong lòng vui vẻ, chân bước đi tất nhiên sẽ nhẹ nhàng, Dương Cẩm Trình kết thúc thị sát trước năm phút so với thường lệ, ông ta quyết định trở lại phòng làm việc để thay quần áo về nhà.
Vừa đẩy cửa phòng làm việc Dương Cẩm Trình phát hiện căn phòng làm việc lúc nãy không có ai nay có một người đang đứng sau bàn làm việc của ông.
Trần Triết gật đầu cười và cất tiếng chào: “Dương chủ nhiệm!”
Dương Cẩm Trình nhìn ra ngoài, “Cậu đến lúc nào?”
“Tôi vừa đến.”
“Có việc gì à?”
“Ầ, là thế này ạ. Mẹ của bệnh nhân Hạ Thiên mới gọi điện thoại đến muốn anh cho một cái hẹn để lần sau đưa con đến chữa.” Trần Triết chỉ vào cuốn lịch bàn trên bàn làm việc, “Anh không có ở phòng nên tôi đã tranh thủ xem lịch làm việc gần đây của anh, để sớm trả lời cho mẹ Hạ Thiên.”
“Ồ.” Dương Cẩm Trình đứng nguyên tại chỗ lạnh lùng nhìn Trần Triết. Trần Triết vội vàng từ sau bàn đi vòng về đằng trước, kéo chiếc ghế bành ra để cho Dương Cẩm Trình ngồi, sau đó duỗi tay đứng một bên.
Dương Cẩm Trình xem lịch làm việc đã ghi trên lịch bàn, nói: “Hẹn thứ 3 tuần sau, 9 giờ sáng.”
“Vâng, thưa chủ nhiệm Dương, tôi xin phép!” Trần Triết quay người lùi ra khỏi phòng làm việc, còn cẩn thận khép của lại.
Dương Cẩm Trình bần thần nhìn ra cửa như người mất hồn, một lúc sau, ông ta đưa tay ra mở máy tính.
0 comments :
Post a Comment