Chương 3: Bi Thương
Dương Cẩm Trình mệt mỏi ngẩng đầu lên khỏi bàn làm việc trong văn phòng, ông cảm thấy đau nhức ở phía sau gáy. Cú vươn vai cho dãn gân cốt đang tiến hành được một nửa bỗng dừng lại, ông khom lưng cúi xuống ngây người nhìn vào màn hình rồi cầm cốc nước đã nguội lạnh từ bao giờ uống một hơi.
Chiếc cốc rỗng không vẫn còn nặng trịch trong tay. Dương Cẩm Trình đứng dậy, đi đi lại lại mấy bước trong văn phòng, khi đến cạnh cửa ra vào, ông thuận tay đẩy cửa bước ra ngoài.
Vừa bước ra khỏi cửa, mọi nỗi mệt mỏi trên khuôn mặt Dương Cẩm Trình bỗng nhiên biến mất. Trông ông như luôn luôn tràn đầy sinh lực, một chủ nhiệm Dương khoan dung mà không mất đi vẻ anh minh, dí dỏm nhưng không mất đi vẻ uy nghiêm.
Dương Cẩm Trình bước chậm chạp dọc theo hành lang được trang trí rất cầu kỳ, bước đi chậm rãi, không phải vì tuổi tác mà ông muốn cho mọi người cảm nhận thấy sự ung dung đĩnh đạc. Bên cạnh, chốc chốc lại có người dừng bước cúi chào, rồi vội vàng bỏ đi. Dương Cẩm Trình nhìn kính cửa sổ ở hai bên, tuy đã sắp 8h30 tối rồi, nhưng trong các văn phòng sáng đèn vẫn còn rất nhiều nghiên cứu viên đang bận rộn. Hình ảnh nhộn nhịp trước mắt khiến Dương Cẩm Trình rất mãn nguyện. Ông giống như một vị nguyên soái đang duyệt binh, đang dạo bước trước đội quân nghiêm trang, tề chỉnh, một mình hưởng thụ cảm giác ưu việt hơn hẳn người khác.
Sau khi kiểm tra một số phòng ban, vỗ vai một số người này, nhận lời chào của một số người khác, Dương Cẩm Trình thong thả quay trở lại phòng làm việc của mình. Ông ngồi vào chiếc ghế to nhất, rộng nhất, thoải mái nhất viện nghiên cứu, sự mệt mỏi vừa biến mất nay đang từ từ quay lại cơ thể. Dương Cẩm Trình ngồi rất lâu trong tư thế co quắp cho đến khi ông đặt cánh tay tê dại lên mặt bàn.
Ngón tay đè phải con chuột máy vi tính, màn hình tự động phát ra một tiếng tách, khuôn mặt của Dương Cẩm Trình dần dần bị ánh sáng ở màn hình soi vào. Ánh mắt của ông nhìn vô thức vào màn hình máy tính đang càng ngày càng sáng lên. Bỗng nhiên hình như nghĩ ra điều gì đó, Dương Cẩm Trình ngồi thẳng người di chuột vào “My Computer”, vào phần ổ cứng. Sau khi kích chuột liên tục vào các folder một cách thành thạo, một file văn bản ở rất sâu trong máy được mở ra. Dương Cẩm Trình cẩn thận nhìn khắp văn phòng trống không một lượt rồi nhanh tay gõ một dòng mật mã. Tiếp đó ông cúi sát mặt vào màn hình nhìn không chớp mắt. Dần dần trên khuôn mặt Dương Cẩm Trình hiện lên một nụ cười. Nụ cười ấy từ từ hiện lên từ khóe môi đến hai má. Cuối cùng, từng sợi lông mày cũng nhảy dựng lên vì sung sướng.
Dương Cẩm Trình lần lượt đọc những văn bản này, mỗi khi đọc đến một văn bản mới, trên mặt ông ta lại hiện lên một biểu hiện rất lạ, giống như vội vàng xem một đồ vật mà mình quá quen thuộc từ lâu. Ông ta như đang chơi trò bịt mắt bắt dê với chính mình. Vừa tự hỏi: Cái này có đặc sắc không? Vừa cố tình quên đi những văn bản và sơ đồ đã thuộc lòng. Khi mở ra một văn bản thì cố tình lừa mình, dối người bằng tiếng kêu kinh ngạc: Ôi, cái này còn đặc sắc hơn này.
Dương Cẩm Trình chơi không biết mệt trò chơi này. Đây có vẻ như là số mệnh, là linh hồn của ông ta, cứ như cuộc đời sau của ông ta chính là nó vậy.
10h30 tối, chiếc xe Audi màu bạc của Dương Cẩm Trình từ từ tiến vào khu chung cư “Trí - Uyển”. Đây là khu nhà ở cao cấp của thành phố. Đúng như tên gọi của nó, chủ nhân những căn hộ ở đây phần lớn đều là những phần tử trí thức cao cấp. Dương Cẩm Trình dừng xe, vội vã đi về khu chung cư nhà mình. Chưa đến dưới lầu đã nhìn thấy một bóng người nhỏ bé ngồi trên bậc lên xuống. Dương Cẩm Trình đang nghi ngại xem đây là con cái nhà ai mà muộn thế này vẫn chưa về nhà. Đèn điện trước cửa chung cư đã bật sáng. Dương Cẩm Trình giật mình. Đây chẳng phải là Dương Triển con trai mình sao?
Dương Cẩm Trình vội vàng chạy tới đẩy vào vai Dương Triển, “Ơ, sao con lại ngủ ở đây?”
Dương Triển mơ mơ màng màng ngẩng đầu lên, nhìn chằm chằm vào Dương Cẩm Trình một lúc lâu cứ như không nhận ra đây là bố mình. Dương Cẩm Trình nắm cánh tay Dương Triển nhấc nó đứng dậy, vừa móc chìa khóa ra vừa hỏi: “Chìa khóa của con đâu? Lại mất rồi à?”
Dương Triển “vâng” một tiếng, đưa tay dụi mắt. Nó ngoắc cặp sách ở khuỷu tay, cánh tay nặng quá kéo lệch cả đầu. Dương Cẩm Trình dùng tay nhấc cặp sách lên đeo qua loa lên vai nó. Dương Triển đang ngái ngủ bị động tác của bố làm cho loạng choạng. Nó nhanh chóng đứng thẳng người dậy ngoan ngoãn đi theo bố vào cầu thang máy.
Trong căn hộ tầng 18, Dương Cẩm Trình cởi giầy, vứt áo vét lên sofa định đi nghỉ ngơi cho thoải mái chợt có tiếng chuông điện thoại bất ngờ vang lên.
Ông chửi khẽ một câu rồi đứng dậy cầm ống nghe.
“Chào anh... dạ, vâng đúng ạ. Tôi là bố của cháu Dương Triển... vâng, anh Hạ, chào anh... cái gì cơ? Không thể nào... Cặp sách của con anh bao nhiêu tiền... À, thôi được rồi, tôi sẽ làm rõ việc này... À à, xin lỗi anh Hạ, hôm khác tôi sẽ đến nhà anh để xin lỗi. Chào anh!”
Dương Cẩm Trình đặt ống nghe xuống, quay người quát một tiếng thật to: “Dương Triển!”
Dương Triển đang từ từ đứng lên ở cửa, nó vừa mới bước vào nhà, vẫn chưa kịp bỏ cặp sách, cũng chưa kịp cởi giày và cũng không kịp bỏ chạy nữa.
Dương Cẩm Trình xách con trai như xách con gà con lôi vào giữa phòng khách, vội vàng kéo cái cặp sách xuống nhìn ngắm một cách kỹ lưỡng.
Đây là một cái cặp bình thường, bên trên in hình siêu nhân sặc sỡ. Đường may rất kém, trên mặt đã có chỗ bị tuột đường chỉ, chỗ nào cũng dính đầy vết mực.
“Đây là cặp của con à?” Dương Cẩm Trình dốc tung cái cặp, sách vở bút mực trong cặp bắn tung tóe ra đất.
Dương Triển cúi đầu không nói gì.
“Nói mau, có đúng không?” Dương Cẩm Trình đẩy mạnh vào vai Dương Triển một cái.
Dương Triển khẽ trả lời: “Không phải ạ!”
“Vì sao lại bắt bạn đổi cặp? Sao? Mày có biết cái cặp sách của mày bao nhiêu tiền không? Cái này à?” Dương Cẩm Trình tức giận ném cái cặp xuống nền nhà. “Có phải mày bị điên rồi không?”
Dương Triển bỗng ngẩng đầu lên, tỏ ra bình tĩnh, thậm chí còn cười một cái: “Bố có nhận ra cặp sách của con không?”
Dương Cẩm Trình bị hỏi vặn ngay lập tức cảm thấy các cơ trên mặt của mình như đều dồn tụ lại một chỗ.
“Bốp!” Một cái tát thật mạnh giáng vào mặt Dương Triển.
Thân hình bé nhỏ của Dương Triển bị đánh rung lên. Lại bịch một tiếng nữa ngã sõng soài ra sàn nhà. Dương Cẩm Trình trong cơn giận dữ lại lôi Dương Triển dậy muốn đánh tiếp.
Máu mũi Dương Triển chảy ra. Nó nằm bất lực trong tay bố, không thể vùng vẫy ra được, liều mạng quay đầu ra, hướng về phía bức tường phòng khách kêu ầm lên: “Mẹ ơi... Mẹ ơi...”
Tiếng kêu thảm thiết của Dương Triển khiến Dương Cẩm Trình dừng tay lại giữa chừng. Ông bất giác nhìn về phía bức tường. Vợ ông đang đứng trong bóng tối nhìn hai bố con, đôi mắt dịu dàng như ẩn chứa sự cầu xin.
Dương Cẩm Trình buông tay, Dương Triển đổ gục xuống sàn nhà, nằm co quắp miệng rên hừ hừ không thành tiếng: “Mẹ ơi... mẹ ơi...”
Dương Cẩm Trình sau khi buông tay vẫn đứng im tại chỗ thở dốc cho đến khi hơi thở trở lại bình thường, ông chỉ tay: “Về phòng ngay! Tối nay đừng có mà ăn cơm!”
Dương Triển lồm cồm bò dậy chạy nhanh về phòng, “rầm” một tiếng, cánh cửa đã đóng lại.
Thằng bé không bật đèn, ngồi lặng lẽ trong phòng, thỉnh thoảng lại khịt khịt mũi. Nó đã ngừng khóc từ lâu, nước mắt trên mặt đã cạn khô, hai má nứt nẻ. Ngồi một lúc, nó thận trọng xoa nhẹ lên bộ mặt sưng phồng, có thể cảm nhận thấy có mấy vết hằn của ngón tay.
Thằng bé tỏ ra rất bình tĩnh, không chịu khuất phục, cũng không tức giận, chỉ luôn tay sờ lên mặt đồng thời chú ý lắng nghe mọi động tĩnh bên ngoài phòng khách.
Cuối cùng nó nghe thấy tiếng cọt kẹt ở sofa, hình như có người đứng lên, tiếp đó là tiếng bước chân nặng nề của bố nó. Tiếng động đó kéo dài cho đến phòng ngủ của ông, tiếp theo là tiếng đóng cửa.
Thằng bé không động đậy, nó thận trọng lắng nghe cho đến khi chắc chắn rằng bố nó đã ngủ. Nó trượt theo mép giường xuống đất, chui xuống gầm giường, một lúc sau ôm một chiếc hộp sắt chui ra.
Thằng bé mở hộp sắt, ngồi dựa vào thành giường. Trong hộp sắt là rất nhiều đồ ăn, phần lớn là đồ ăn thừa. Có mấy lát bánh mì, mấy miếng bánh gạo đã vụn, nửa chiếc xúc xích, gói bánh quy đã bóc dở, còn có cả mấy viên thạch hoa quả. Dựa vào ánh trăng soi qua cửa sổ, nó chọn mấy thứ cho vào mồm. Nó ăn một cách thong thả, ung dung, ánh trăng chiếu thẳng vào một góc phòng.
Ăn xong thằng bé lại đẩy cái hộp vào gầm giường, phủi bụi trên người, chuẩn bị đi ngủ. Lúc giũ quần áo, tay nó sờ phải một vật cưng cứng. Nó lôi vật đó ra, thì ra là hai chiếc chìa khóa móc vào nhau. Thằng bé xòe chùm chìa khóa trên tay rồi bỗng nhiên đứng dậy mở cửa sổ.
Thời tiết đêm khuya se lạnh khiến thằng bé thấy khoan khoái. Nó hít một hơi thật sâu, một tay nắm chùm chìa khóa ném vào trong bóng đêm. Sau đó nó thò đầu ra ngoài cửa sổ, nhưng dưới lầu tối om om, chẳng nhìn thấy cái gì. Chỉ nghe thấy “cạch” một tiếng. Thằng bé có vẻ thất vọng. Nó nhìn vô vọng vào bóng đêm phía trước. Chung cư trước mặt có mấy nhà còn sáng ánh đèn, thông qua tấm rèm mỏng có thể nhìn thấy bên trong có người đang đi lại.
Một nụ cười nhẹ nhàng hiện trên mặt thằng bé. Nó trèo lên bậu cửa sổ, thân hình bé nhỏ của nó co ro. Nó ôm lấy hai bờ vai lặng lẽ nhìn những ngọn đèn le lói ở chung cư đối diện.
Việc tranh chấp quyền điều tra vụ án nhanh chóng được giải quyết. Cảnh sát thành phố J rút khỏi vụ án. Cảnh sát thành phố C được giao điều tra vụ án bao gồm các công việc: hỏi cung, di lý[1] và khởi tố tội phạm. Phương Mộc sau khi nhận được thông tin trên liền đề nghị với cục trưởng Biên Bình cho được thụ lý vụ án. Cục trưởng Biên Bình đồng ý.
[1] Di lý: từ chuyên môn, nghĩa là đưa đối tượng từ nơi này đến nơi khác.
Theo quan điểm của Phương Mộc, động cơ gây án của La Gia Hải rất lạ. Từ vụ án có thể thấy đã có ba người bị hại. Trong đó, nguyên nhân cái chết của Thẩm Tương rất có thể là tự sát, còn nguyên nhân cái chết của Tang Nam Nam và Tần Ngọc Mai không nghi ngờ gì nữa là do La Gia Hải giết. Trên người Tang Nam Nam có nhiều vết dao đâm, còn Tần Ngọc Mai thì cũng chết rất thảm. Nhìn bề ngoài nguyên nhân của cả hai vụ án có thể đều là do thù hận. Nhưng động cơ, nguyên nhân của hành vi giết người của hai vụ án ở hai địa điểm khác nhau cuối cùng là gì? Ngoài ra “mùi vị” mà La Gia Hải nhiều lần nhấn mạnh là gì? Nếu như mùi vị ấy là do tình ái, thế thì đầu đuôi câu chuyện sẽ là như thế nào?
Phương Mộc nghiên cứu các biên bản hỏi cung của vụ án. Tài liệu thể hiện rõ, sau khi La Gia Hải quy án đã thừa nhận hết tội lỗi của mình, nhưng kiên quyết không khai động cơ gây án. Điều đó cho thấy La Gia Hải đã quyết tâm chịu chết. Hình phạt của cậu ta chắc chắn là tử hình. Nhưng theo quy định của luật pháp Trung Quốc: Nếu do lỗi lầm của nạn nhân dẫn đến hành vi kích động phạm tội, thì có thể hoãn tội chết. Giả thiết hành vi giết người của La Gia Hải chính xác có yếu tố vì tình có thể được xem xét thì trên thực tế, cậu ta đã vứt bỏ cơ hội cuối cùng để được miễn tội chết.
Muốn tìm ra chân tướng sự việc từ miệng của một kẻ quyết tâm tìm đến cái chết là một việc rất khó, nhưng Phương Mộc vẫn định thử một phen xem sao, ngoài ra giữa anh và La Gia Hải cũng đúng là có hẹn từ trước.
Tất cả những vật chứng có liên quan đến vụ án đều được chuyển về Sở công an thành phố C, trong đó bao gồm cả hai thi thể nạn nhân. Hôm yêu cầu La Gia Hải đến nhận diện thi thể, Phương Mộc cũng có mặt. Anh đứng trước cửa phòng khám nghiệm. Từ xa đã nhìn thấy La Gia Hải được hai cảnh sát dẫn đến từ đầu hành lang.
La Gia Hải bước loạng choạng, chân nam đá chân chiêu, bởi vì cậu ta bước đi quá vội, cổ chân lại bị đeo một sợi xích to. Cậu ta vừa đi vừa vươn cổ ra, thần thái lo lắng, khi đi đến cửa phòng để xác, những giọt nước mắt đã rơi xuống.
Cậu ta nhìn Phương Mộc, môi run cầm cập, hình như muốn nói điều gì đó cảm ơn.
Phương Mộc thấy hơi ngượng, thực ra anh không hề thực hiện lời hứa với La Gia Hải, để cậu ta đến tạm biệt Thẩm Tương. Hôm nay chỉ là việc công, cho cậu ta đến nhận diện nạn nhân. Nhìn thấy hai cảnh sát đẩy La Gia Hải vào phòng khám nghiệm, Phương Mộc nói: “Lát nữa, sau khi nhận xác xong, trong điều kiện đảm bảo không hủy hoại thi thể, hãy để cậu ta được đứng lại một lúc vậy.”
Rất nhanh, tiếng khóc buồn bã, tan nát cõi lòng vọng ra từ trong phòng khám nghiệm. Người cảnh sát đã rất nể mặt, 15 phút sau, La Gia Hải hai mắt đỏ hoe mới bị đưa ra, trên mặt thể hiện sự pha trộn giữa sự tiếc thương và sự nhẹ nhõm như trút được gánh nặng.
La Gia Hải lấy mu bàn tay lau mũi, đi thẳng đến trước mặt Phương Mộc, nói: “Chúng ta cần nói chuyện.”
Phương Mộc nhìn cậu ta chằm chằm mấy giây rồi nói: “Được!”
“Nhưng tôi có một điều kiện.”
Phương Mộc gật gật đầu: “Cậu nói đi.”
“Khi chúng ta nói chuyện không được có người thứ 3, cũng không được ghi âm hoặc quay phim. Còn nữa, nội dung câu chuyện sẽ không được cho ai biết.”
“Được, điều này không khó.”
Để loại trừ những lo lắng không cần thiết của La Gia Hải, Phương Mộc không đến phòng thẩm vấn mà sắp xếp cuộc nói chuyện ở một phòng họp nhỏ ở tầng 3. Lúc đang chờ thang máy tại đại sảnh tầng 1, khi thang máy đang mở ra, anh nghe thấy phía sau có tiếng bước chân vội vã.
“Đợi một chút!”
Một người dáng vẻ trung niên xách một cái cặp tài liệu vội vã bước tới Phương Mộc cho rằng người này cũng muốn vào cùng liền đưa tay ra ấn nút dừng trên thang máy.
“Xin hỏi cậu có phải là La Gia Hải không?” Người nam trung niên ấy không vội vã bước vào thang máy mà lại hỏi thẳng La Gia Hải.
“Đúng vậy, anh là...” La Gia Hải có vẻ ngạc nhiên.
Người đàn ông đó thở phào, lấy tay lau mồ hôi trên mặt rồi lôi từ trong cặp ra một tờ công văn của văn phòng luật sư: “Tôi là Luật sư Khương Đức Tiên, người của văn phòng luật sư Hằng Đại. Tôi nghe nói đến vụ án của cậu, hy vọng được làm luật sư biện hộ cho cậu.”
Hóa ra là luật sư đến xin tác nghiệp. Phương Mộc vừa bực vừa buồn cười, đồng thời cũng thấy hơi ngạc nhiên. Con người này anh đã nghe tên tuổi. Khương Đức Tiên là luật sư nổi tiếng ở thành phố này. Những vụ án anh ta thụ lý không xuể, sao lại mất thời gian chủ động tìm đến một vụ án nhỏ thế này nhỉ?
Trong giới luật sư có quy định bất thành văn thế này: Những luật sư mới vào nghề có thể nhận một số vụ án hình sự trong đó có những vụ án liên quan đến tội tử hình, hy vọng biện hộ thành công sẽ đánh bóng được tên tuổi. Còn Khương Đức Tiên thì từ lâu đã không cần phải dùng đến phương pháp này để được nổi danh.
La Gia Hải cười đau khổ: “Không cần đâu, tôi không yêu cầu luật sư.”
“Cậu có yêu cầu.” Giọng Khương Đức Tiên rất kiến quyết. “Căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự thì những vụ án liên quan đến tử hình nhất định phải có luật sư...”
“Tử hình” - hai từ này như kích thích Gia Hải, mặt cậu tối sầm lại. “Xin lỗi! Tôi không yêu cầu. Tôi cũng không có tiền để trả cho anh.”
“Không. Hoàn toàn không mất bất cứ loại phí nào.” Khương Đức Tiên vội vàng nói: “Tôi sẽ biện hộ miễn phí cho cậu. Hãy tin tôi, tôi có thể bảo toàn tính mạng cho cậu.”
“Không cần!”
“Hãy cho mình một cơ hội, anh bạn ạ. Hãy nghĩ đến gia đình của cậu, nghĩ đến bạn gái...”
Phương Mộc thấy nghi ngờ về sự tu dưỡng nghề nghiệp của Khương Đức Tiên, thảo luận với một người gần như sắp buộc phải chết về người nhà và tình thân rõ ràng là đã xát muối vào vết thương của cậu ta. La Gia Hải cũng vì chịu sự kích động này nên mất hết cả lý trí.
“Cút!”
Cậu ta lao về phía Khương Đức Tiên nhưng vì quên mất sợi dây xích ở cổ chân nên vừa lao lên được một bước đã ngã quay xuống đất. Khương Đức Tiên sợ quá lùi lại mấy bước, mặt trắng bệch.
Hai cảnh sát chịu trách nhiệm dẫn giải La Gia Hải vội vàng giữ chặt lấy cậu ta. La Gia Hải vừa vùng vẫy vừa hét lên: “Cút, cút ngay! Đừng tưởng có thể lấy chúng tao làm công cụ mua danh cho mày... cút!” Nhìn bộ dạng này cứ như thể muốn cắn cho Khương Đức Tiên một miếng mới hả giận.
Mấy cảnh sát khác nghe tiếng vội chạy đến giúp đỡ, nhìn thấy một cảnh sát móc trong người ra một chiếc dùi cui, Khương Đức Tiên nhảy đến kêu to: “Tôi cảnh cáo các anh, không được dùng vũ lực với đương sự của tôi. Nếu không...”
Phương Mộc vừa buộc người cảnh sát cất dùi cui đi vừ không khách khí đẩy Khương Đức Tiên ra: “Cậu ta không phải khách hàng của anh, hãy im mồm đi!”
La Gia Hải nhanh chóng bị khống chế, một cảnh sát giữ chặt vai hắn, ngẩng đầu lên nói với Phương Mộc: “Xin lỗi đồng chí Phương Mộc, tôi thấy phải đưa cậu ta về thôi.”
Thực ra không cần anh ta phải nhắc, Phương Mộc cũng biết cuộc gặp gỡ hôm nay thế là hỏng bét rồi. Anh bất giác gật đầu ra hiệu đồng ý đưa La Gia Hải về phòng giam.
Nhìn theo La Gia Hải bị hai cảnh sát dẫn về phía sảnh chính, lúc quay người lại, Phương Mộc thấy Khương Đức Tiên cũng đang đi về phía cổng. Hình như cảm thấy Phương Mộc đang nhìn mình, anh ta ngoái đầu lại. Bốn mắt gặp nhau, Phương Mộc nhận thấy một vẻ mặt chưa kịp tan biến trong mắt Khương Đức Tiên. Ngay sau đó đôi mắt ấy lại lấy lại vẻ lạnh lùng mang tính nghề nghiệp.
Phương Mộc nghĩ tiếp tục ở lại phân cục cũng không giải quyết được vấn đề gì, anh cũng đi ra cổng. Đang đi qua cổng chính thì nhìn thấy một chiếc ô tô Audi A6 chạy vụt qua trước mặt. Người ngồi sau vô lăng chính là Khương Đức Tiên. Chiếc xe giống như một con cá mập dũng mãnh lao nhanh vào dòng xe đang cuồn cuộn giữa thành phố. Phương Mộc cất tiếng thở dài rồi bước về phía chiếc xe Jeep của mình.
Lên xe, khởi động máy rồi nhưng Phương Mộc vẫn không đạp chân ga, anh phát hiện mình đang nghĩ đến ánh mắt của Khương Đức Tiên. Đó là một ánh mắt rất hiếm thấy trên mặt một người làm nghề luật sư.
Đó chính là sự bi thương.
Chương 4: Thiên Sứ Đường
Thầy Châu nheo mắt cười, giở mấy gói đồ Phương Mộc mang đến, “Ôi, sao mua nhiều thế!” Phương Mộc đỏ bừng mặt: “Em không biết mua đồ…” Anh nhìn thầy giáo Châu đang giở chiếc quần bò, “… Hy vọng Á Phàm thích.”
“À, cậu chu đáo hơn cả tôi đấy”. Thầy Chấu gấp quần áo lại cho vào túi giấy, “Á Phàm đến tuổi biết làm đẹp rồi, chỉ có điều lần sau mang cho nó ít quà thôi, đối với bọn trẻ ở đây, tốt nhất là đừng làm cho chúng hư sớm.”
Phương Mộc gật đầu, “Vâng ạ!”
“À, lát nữa Á Phàm về, cậu hãy tự tay trao quà cho nó nhé?”
Phương Mộc vội vàng xua tay, “Thôi, thầy đưa cho cô ấy đi.”
“Tôi á? E rằng không hợp lắm.” Thầy Châu nâng gói quà trên tay, “Con nha đầu này cũng ranh lắm, nhìn thấy quà nó sẽ biết ngay đây không phải của tôi mua cho nó. Tiểu Triệu, Tiểu Triệu.”
Chị Triệu hai tay dính đầy bọt xà phòng bước vào: “Gì vậy ạ?”
“Mang cái này đưa cho Liêu Á Phàm và nói là của cô mua cho nó, nhưng đừng đưa cho nó tất cả một lần, hay chia ra nhiều lần nhé!”
Chị Triệu tiến lại gần nhìn vào trong túi giấy rồi ngẩng đầu lên cười với Phương Mộc: “Ha… ha, quần áo còn rất mốt nữa chứ!”. Chị chỉ về phía cửa một căn phòng: “Tiểu Phương, bây giờ chị đang dở tay, không cầm được, em giúp chị mang vào phòng nhé.”
Phương Mộc dạ một tiếng rồi xách mấy túi giấy mang đi.
Phòng của chị Triệu không lớn, lại là mặt sau nhà nên rất tối. Phương Mộc vừa bước vào đã ngửi thấy mùi khói hương nồng nặc. Anh đặt những túi giấy lên chiếc giường đơn, rồi đưa mắt nhìn xung quanh. Trong phòng bầy biện rất đơn giản, chỉ có một chiếc giường, một cái tủ năm ngăn, một cái bàn và hai cái ghế. Trên cái tủ thắp hai ngọn đèn, ở giữa là một bát hương, giữa những tàn tro có mấy que hương lúc sáng lúc tối, khói bay nghi ngút. Đằng sau bát hương là khuôn mặt một đứa bé trai được viền trong khung kính màu đen đang nhìn Phương Mộc cười toe toét.
Phương Mộc tiến gần đến trước cái tủ chăm chú quan sát tấm ảnh đứa bé. Thằng bé chưa quá 10 tuổi, trong ánh mắt toát lên vẻ ngượng ngịu và sự cố gắng làm cho mình trưởng thành hơn, khóe môi lộ ra một nụ cười tinh nghịch. Người chụp ảnh chắc chắn phải là người thân của cậu. Có thể là chị Triệu.
“Đó là con trai của cô Triệu.” Không biết từ khi nào thầy Châu cũng đã bước vào phòng. Ông đứng cạnh Phương Mộc chăm chú nhìn bức ảnh trước mặt.
Phương Mộc nhìn ra cửa hạ giọng hỏi: “Cậu bé này… mấy tuổi”
“Tám tuổi.”
“Nó bị bệnh gì ạ?”
“Không, nó tự sát!”
Phương Mộc giật mình: “Tự sát ạ?”
Thầy Châu gật đầu, mắt vẫn chăm chú vào bức ảnh, một lúc sau ông cất tiếng thở dài lấy từ nóc tủ xuống mấy thẻ hương châm vào ngọn đèn rồi cắm vào bát hương. Khói hương vừa mới tản ra phút chốc lại đặc quánh.
Khi trời sâm sẩm tối, thầy Châu mời Phương Mộc ở lại ăn cơm. Lần này anh không những không từ chối mà còn xung phong vào bếp giúp chị Triệu gọt khoai tây. Chị Triệu lúc đầu còn áy này nói không muốn để cho Phương Mộc động chân động tay, Phương Mộc phải năm lần bảy lượt đề nghị chị mới đồng ý. Nhưng Phương Mộc chỉ mới gọt được ba củ chị đã không để cho Phương Mộc làm bất cứ việc gì nữa.
“Em gọt vỏ dày quá, chỗ đấy đã đủ xào một đĩa rồi đấy.”
Phương Mộc bất lực đành đi làm cái việc không cần gì đến kỹ thuật – rửa khoai tây.
“Sao cứ ăn khoai tây mãi thế?” Phương Mộc ngâm từng củ khoai tây đã được rửa sạch vào trong nước. Chậu nước trước mặt nhanh chóng dâng lên gấp đôi.
“Chả có cách nào khác, thứ này rẻ mà!” Chị Triệu lắc lắc mái tóc, “Thầy Châu mua cả miếng đất lớn để làm cô nhi viện, tiền trong người cũng cạn rồi. Còn sự trợ giúp của xã hội cũng có hạn, những người trọ giúp định kỳ như em đã ít lại càng ít. Tiền sinh hoạt, tiền học, tiền chữa bệnh của bao nhiêu đứa trẻ thế này, không tằn tiện một chút thì biết làm thế nào?” “Vâng, cũng phải.” Phương Mộc gật gật đầu: “Thầy Châu thật chẳng dễ dàng gì.” Nói đến đây Phương Mộc ngoái nhìn bốn phía, hạ giọng hỏi chị Triệu: “Sao em chưa bao giờ nhìn thấy vợ thầy Châu nhỉ?”
“Ôi, chị có hỏi ông ấy, ông ấy chưa lấy vợ, độc thân nửa đời người rồi!”
“Thế ạ!” Phương Mộc không giấu được vẻ kính phục, “Xem ra con người này bỏ cả đời cho lũ trẻ.”
“Đúng thế, đấy đúng là là một người phi thường!” Chị Triệu nhìn ra sân, thầy Châu đang ngồi bên bồn hoa, trước mặt là một bé gái đang lau nước mắt, thầy Châu xoa đầu nó, vui vẻ nói gì đó, con bé gật đầu lia lịa.
“Ông ấy rất biết cách an ủi mọi người. Bất kể là gặp chuyện gì phiền muộn, chỉ cần nói chuyện với thầy Châu một lúc thì mọi phiền muộn đều tiêu tan hết.” Chị Triệu quay đầu lại, nói nhỏ nhẹ: “Trên đời này mà gặp được người như thế, lại còn được cùng làm thì không biết sẽ có phúc mấy đời.”
Phương Mộc cười, bất giác quay đầu lại, mặt trời đã xuống dưới đường chân trời, thầy Châu quay lưng lại hướng hoàng hôn, toàn bộ nửa người ông được tráng phủ một lớp mịn màng màu vàng, phát ra thứ ánh sáng lờ mờ trong sắc trời càng lúc càng thẫm lại. Bé gái đã ngừng khóc, một nụ cười ngọt ngào hiện trên đôi má còn ngấn lệ.
Một thiếu nữ bỗng nhảy qua cửa, sự tinh nghịch trên khuôn mặt vừa hé mở đã nhanh chóng bị thu lại vì nhận thấy có người lạ ở trong bếp.
Đó chính là Liêu Á Phàm, trên người đang diện một chiếc quần bò mới. Vừa nhìn thấy Phương Mộc đang rửa khoai tây cô bé chợt “Ồ” lên một tiếng rồi quay người chạy biến.
Chị Triệu cười, mắng yêu: “Con bé này, hậu đà hậu đậu.”
Cô bé hậu đậu Liêu Á Phàm nhanh chóng quay lại. Chiếc quần bò mới đã được thay bằng chiếc quần thể thao cũ. Nó chẳng nói chẳng rằng kéo chậu khoai tây về phía mình cắm cúi rửa.
Phương Mộc thấy hơi ngượng, đứng dậy đi đến bên bể nước rửa tay. Anh đứng nguyên tại chỗ một lát rồi quay người đi ra sân. Trước lúc quay ra anh nghe thấy Liêu Á Phàm hạ giọng nói Chị Triệu: “Cô Triệu, cháu cảm ơn cô!”
Ngoài sân phút chốc đã đầy ắp bọn trẻ. Phần lớn bọn chúng đều gầy yếu, ăn mặc đơn giản, nhưng khuôn mặt vô tư chẳng khác gì những đứa trẻ được bố mẹ đùm bọc. Đây có lẽ là lúc náo nhiệt nhất trong ngày ở cô nhi viện. Những đứa trẻ vừa tan học không hề tiếc rẻ phần sức lực cuối cùng trong ngày. Những đứa bé bị tàn tật chỉ có thể ở lại trong cô nhi viện đã thể hiện toàn bộ sự nhiệt tình tích tụ trong suốt cả ngày của mình với lũ bạn mới trở về. Đâu đâu cũng đầy những nụ cười hoan hỉ, tiếng tranh cãi và đuổi bắt nhau ầm ĩ.
Phương Mộc ngồi bên bồn hoa thong thả hút thuốc, cảm thấy vô cùng thư thái. Anh nhìn theo những đứa trẻ chạy qua chạy lại bên cạnh mình, bụi bay đầy cả lỗ mũi. Phương Mộc nhớ lại ngày thơ ấu cũng hưởng thụ những niềm vui vô tư, hồn nhiên trên đám đất bụi xoàng xĩnh như thế này. Chẳng ngờ ngày nay chỗ nào cũng là phòng chơi game, quán nét, được chạy nhảy tung tăng cũng đem lại niềm vui vô bờ bến cho bọn trẻ.
Phương Mộc chú ý thấy cạnh bồn hoa có một đứa trẻ đang chăm chú nhìn anh xuyên qua những bông hoa và đám cỏ xanh. Qua khuôn mặt béo tròn và đôi mắt lác có thể thấy đây là một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ.
Đứa bé cũng phát hiện thấy Phương Mộc đang nhìn nó, liền cười và giơ một tay ra cố gắng vẫy.
Phương Mộc cười, hướng về nó vẫy vẫy tay. Thằng bé như được cổ vũ, vẫy vẫy tay lại.
Cứ như thế mấy lần, Phương Mộc nhận thấy thằng bé thực ra là đang chơi trò oẳn tù tì với anh, đồng thời anh cũng phát hiện bàn tay của nó chỉ có hai ngón. Phương Mộc nghĩ một lúc, lần nào cũng xoè cả năm ngón ra thành “chiếc lá”.
Thế là chủ nhân của “chiếc kéo” rất phấn khởi, thắng lợi liên tiếp làm cho nó hưng phấn ra mặt. Thậm chí còn chạy đến bồn hoa lộn một vòng rồi vội vàng bò dậy tiếp tục chơi với người đối diện mãi chỉ biết ra “chiếc lá”.
Trời dần tối, trong khóm hoa bóng những đứa trẻ mờ dần. Phương Mộc cũng không nhìn rõ tay thằng bé nữa, chỉ nghe thấy tiếng cười “ha, ha” sảng khoái phía đối diện.
Bỗng Phương Mộc cảm thấy có người ở bên cạnh. Quay đầu lại, trong bóng tối Liêu Á Phàm đứng cách mấy mét đang lặng lẽ nhìn anh.
“Ăn cơm thôi!” Mấy giây sau cô bé nhẹ nhàng nói.
Bữa cơm tối rất đạm bạc, cải trắng xào đậu phụ, khoai tây hầm, tương ớt và cơm trắng. Phương Mộc được xếp ngồi cạnh thầy Châu, đối diện là Liêu Á Phàm.
Liêu Á Phàm chưa vội ăn cơm mà đang bế một đứa bé mồ côi khoảng một tuổi, bón cho nó từng miếng một. Cô bé để đứa trẻ tựa vào lòng mình, tay phải cầm thìa, tay trái cầm một chiếc khăn ăn, sẵn sàng lau thức ăn đứa trẻ làm vương vãi ra. Nhân lúc đứa bé đang nhai, Liêu Á Phàm vội xúc mấy thìa cơm canh cho vào mồm. Giữ được Phương Mộc ở lại ăn cơm, thầy Châu rất vui. Có lẽ áy náy vì bữa cơm quá đạm bạc, thầy Châu đặc cách rót hai ly rượu trắng, coi như là bù đắp.
Rượu là loại rượu ngon. Ngay cả người không hiểu nhiều về rượu như Phương Mộc sau khi uống xong cũng cảm thấy vị êm dịu, đậm đà. Thầy Châu thấy Phương Mộc chép miệng tận hưởng, cười nói:
“Ngũ lương dịch[1]!”
[1] Một loại rượu khá nổi tiếng của Trung Quốc.
“Ôi! Em chưa bao giờ được uống loại rượu ngon thế này.”
“Thế để tôi rót thêm cho cậu một chén nữa.”
“Thôi ạ, thôi ạ!” Phương Mộc vội vàng xua tay, “Lát nữa em còn phải lái xe. Với lại, rượu ngon thế này thầy còn phải để tiếp khách quý, cho loại ngoại đạo như em uống khác nào uống nước lọc.”
Thầy Châu bưng ly rượu lên, nhấp một ngụm, ngậm một lúc trong miệng rồi mới nuốt.
“Ồ, hồi trước thầy uống ngũ lương dịch cũng giống như uống nước lã vì có biết thưởng thức vị ngon của nó đâu!” Ông xoay xoay cái chén trong tay: “Bây giờ những dịp để uống rượu ít đi rồi thì mới biết thưởng thức hương vị của nó. Xem ra cơ hội tốt nhất để hồi tưởng lại một sự việc chính là lúc đã bị mất nó.”
“Khục, khục,” chị Triệu mồm đầy cơm lúng búng cười. “Lúc còn đang nhiều tiền chắc ông già chẳng để ý đến mấy trò này đâu nhỉ?”
“Hà, hà. Đúng thế.” Thầy Châu đặt ly rượu xuống, mắt nhìn nền nhà, “Bây giờ nghĩ lại mới thấy hồi ấy phung phí tiền quá.”
“Ông Châu à,” một đứa bé trai nhanh tay gắp một miếng thịt mỡ trong bát canh đưa lên miệng, vừa ăn vừa nói: “Hồi trước ông nhiều tiền lắm à?”
“Ừ!”
“Có bao nhiêu tiền ạ?”
“Hà, hà!” Thầy Châu cười hà hà lấy tay vẽ lên không trung một vòng, “Rất nhiều, rất nhiều tiền!”
“Thế ông đã được đi máy bay chưa hả ông?” Một bé gái khác hỏi.
“Đi rồi!”
“Có tuyệt không ạ?”
“Tuyệt. Nhưng lần đầu tiên đi máy bay ông phát hoảng. Một cái nhà bằng sắt thật to, lờ đờ một lúc rồi bay lên. Ông nghĩ bụng, nếu mà nó rơi xuống thì mình tan xác.”
Bọn trẻ đều cười.
“Thế ông đi nước ngoài chưa ạ?” Một bé gái hỏi.
“Đi rồi!”
“Đi Mỹ chưa ạ?”
“Đi rồi!”
“Nước Mỹ trông như thế nào ạ? Thầy giáo chúng cháu nói nước Mỹ đẹp lắm.”
“Đúng là rất đẹp. Nhưng ông vẫn thích nước mình hơn.”
“Vì sao ạ?”
“Bởi vì ở nước Mỹ không có những cục cưng đáng yêu này.” Thầy Châu đưa tay quệt mũi bé gái. Bé gái chun mũi cười.
“Kể chuyện nước ngoài cho chúng cháu nghe đi ông Châu!”
“Nước ngoài có gì hay mà kể.”
“Kể đi, kể đi mà ông…” Bọn trẻ tranh nhau yêu cầu. Thầy Châu nhìn mười mấy đôi mắt đang hau háu chờ đợi cũng cảm thấy hưng phấn.
“Được, thế thì ông sẽ kể chuyện ông đến một trường đại học. Trường đại học này có tên là trường Đại học Harvard, là một trong những trường đại học tốt nhất trên thế giới. Khi đó, hàng ngày ông đều đi nghe giảng ở trong một toà nhà màu trắng cao nhất…”
Bọn trẻ lắng nghe một say sưa, trong đó Liêu Á Phàm lắng nghe chăm chú nhất, thậm chí quên cả bón cơm cho đứa bé đang ngồi trong lòng. Mặt nó ửng đỏ, trong ánh mắt tràn đầy khung cảnh như trong cõi mộng, vừa mong ngóng, vừa ghen tị.
Cô bé này hoàn toàn có sẵn năng lực tư duy của một người trưởng thành. Phương Mộc nghĩ.
Liêu Á Phàm không thể không so sánh cuộc sống hiện tại với những câu chuyện giống như trên thiên đường qua lời kể của thầy Châu. Mà cô bé lại đang trong độ tuổi dễ sinh ra những ưóc mơ nhất, nhưng thực tế sao mà tàn khốc. Ánh mắt Phương Mộc bỗng dừng lại trên chiếc quần thể thao cũ rích của Liêu Á Phàm, trong lòng đau nhói.
Đứa bé ngồi trong lòng bị bỏ quên quá lâu, cất tiếng khóc oe oe. Liêu Á Phàm giật mình như bừng tỉnh khỏi cơn mơ, vội vàng bón cơm cho nó. Chẳng may đứa bé bị sặc, nó ho sặc sụa. Thầy Châu dừng kể, vội bảo chị Triệu mau đến chăm sóc đứa bé. Liêu Á Phàm sau khi giao đứa bé cho chị Triệu, hai mắt lại nhìn chăm chăm vào thầy Châu như hy vọng ông sẽ tiếp tục câu chuyện.
Song thầy Châu lúc này chỉ quan tâm đến đứa bé. Sau khi chờ cho thằng bé oẹ ra một miếng khoai tây, dứt cơn ho thì ông cũng quên mất mình đã kể đến đoạn nào, thế là ông vẫy tay bảo mọi người tiếp tục ăn cơm. Liêu Á Phàm hơi thất vọng, cô chậm chạp lùa từng chút cơm canh còn sót trong bát vào miệng.
Ăn cơm xong, thầy Châu lại pha một ấm trà, kéo Phương Mộc ngồi xuống nói chuyện tiếp. Bọn trẻ mỗi đứa tìm một chỗ để làm bài hoặc chơi, Liêu Á Phàm bê một chậu to đựng bát đũa vừa ăn xong đi theo chị Triệu xuống bếp.
Trà cũng là trà ngon, Phương Mộc vừa thong thả thưởng thức vừa ngầm đoán về thân phận và nghề nghiệp của thầy Châu ngày trước. Có lẽ vì uống chút rượu trong bữa cơm tối nên thầy Châu nói chuyện rất hưng phấn.
“Nếu mai kia điều kiện khá lên một chút tôi sẽ xây ở đây một phòng đọc sách… đằng kia dựng một khu tập thể chuyên dành cho nữ sinh...”
Thầy Châu vừa nói vừa lấy tay chỉ ra ngoài sân, làm như trước mắt là những căn nhà ngăn nắp và sáng sủa.
Phương Mộc vừa cười vừa lắng nghe, không ngắt lời. Thầy Châu cứ nói mãi, bỗng tự mình cất tiếng cười.
“Nói cứ như thật ấy,” ông lắc đầu, “Chỉ là nghĩ như vậy thôi, có thể giúp được bọn trẻ có giáo dục, có sức khoẻ để bước ra xã hội xong thì có lẽ tôi cũng thành tro rồi.”
Phương Mộc hỏi, “Thầy xây dựng cô nhi viện này tốn nhiều tiền lắm nhỉ?”
“Ừ.” Thầy Châu gật đầu, “Tích lũy nửa đời người của tôi đều ở cả đây!”
Phương Mộc nhẩm tính, 800 m2 sân, lại thêm căn nhà hai tầng này đã là một số tiền lớn lắm rồi. Lại còn tiền ăn, tiền mặc, tiền ở và nhiều chi phí khác của ngần ấy con người thì dù cho tài sản hàng vạn tệ cũng chẳng còn bao nhiêu.
“Tại sao thầy không tìm kiếm sự trợ giúp của xã hội?”
“Hà, hà, có không ít người muốn đầu tư với tôi để trợ giúp lũ trẻ này.” Thầy Châu cười, “Nhưng tôi không đồng ý, vì ngoài mục đích tài trợ ra họ đều yêu cầu tôi hợp tác với họ làm một vụ tuyên truyền, tay bên này cầm tiền còn tay kia cầm máy quay phim.”
“Nếu như...”, Phương Mộc cân nhắc tìm từ, “… Có thế giải quyết một phần khó khăn trước mắt sao lại không phối hợp với họ một lần?”
“Không!” Thầy Châu hạ giọng nhưng giọng điệu rất kiên quyết, “Bọn họ muốn lũ trẻ phải bày tò sự cung kính trước ân huệ của người khác. Đúng là họ bỏ tiền nhưng tôi không muốn bọn trẻ của mình từ nhỏ đã có cảm giác thấp kém hơn người khác một bậc. Thầy Châu ngoảnh đầu sang Phương Mộc, “Cần phải biết cảnh ngộ của một con người thời niên thiếu có ảnh hưởng rất lớn trong suốt cuộc đời.”
Ánh mắt của thầy Châu chuyển tới những ô cửa sổ nho nhỏ vẫn còn sáng đèn, “Bọn trẻ đã bị người ta vứt bỏ, cái mà tôi muốn là cố gắng hết sức giảm bớt những tác hại mà quá trình này mang lại. Hy vọng sau khi gia nhập vào xã hội, chúng có thể quên đi những gì đã gặp phải trong giai đoạn này.”
Phương Mộc đã hiểu, thầy Châu sáng lập cô nhi viện này xem ra không chỉ là mang lại cuộc sống cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Mục đích của ông là muốn bọn trẻ gia nhập lại xã hội với một nhân cách hoàn chỉnh, kiện toàn. Điều này khiến cho Phương Mộc không thể không tràn đầy kính phục ông già dung mạo bình thường này.
“Em…có thể làm chút gì cho thầy được không ạ?”
“Hà, hà, hà…”, thầy Châu cười lớn, vỗ vỗ mấy cái vào vai Phương Mộc, “Cậu đã giúp tôi rất nhiều rồi!”
“Em đã làm được gì đâu!” Phương Mộc vội nói, mặt đỏ lên.
“Không! Cậu là người duy nhất giúp đỡ tôi mà không cần hồi đáp.” Thầy Châu nhìn ánh mắt chân thật của Phương Mộc nói: “Tôi đã mất đi lòng tin với nhiều người, còn cậu đã giúp tôi lấy lại nó.”
Mặt Phương Mộc càng đỏ. Thực ra sự báo đáp của thầy Châu đã có từ nhiều năm trước. Đó là sinh mệnh một con người. Đem so sánh, sự giúp đỡ của mình quả là nhỏ bé. Phương Mộc nhìn căn nhà nhỏ hai tầng, nó đã hoàn toàn bị bóng tối bao phủ, từ trong các cửa sổ nhỏ lọt ra chút ánh sáng yếu ớt, phảng phất như những đôi mắt ấm áp pha chút tinh nghịch đang nhìn Phương Mộc và thầy Châu.
Phương Mộc thấy động lòng, “Thưa thầy, em có một đề nghị.”
“Ừ, cậu nói đi!”
“Thầy hãy nghiên cứu đặt cho cô nhi viện này một cái tên.”
“Đặt tên à? Vì sao? Tôi không có ý định quảng cáo nơi này.”
“Không phải để quảng cáo, tuyên truyền!” Phương Mộc nghiêm túc nói, “Là vì những đứa trẻ ở đây. Nếu như gọi là cô nhi viện e rằng những đứa trẻ ở đây sẽ không thể quên chúng đã ra đi từ cô nhi viện.”
“Có lý!” Thầy Châu rất phấn khởi, “Cậu nói tiếp đi!”
“Những đứa trẻ này hoặc mồ côi, hoặc đã từng mất đi sự đùm bọc che chở, có đứa bị cha mẹ bỏ quên. Chúng nó nhất định sẽ mặc cảm về thân phận mình.” Phương Mộc dừng lại một lát, “Nếu sau này khi chúng trưởng thành mà vẫn nhớ đến những kỷ niệm đẹp đẽ trong thời gian sống ở đây, chúng ta phải đặt cho nó một cái tên để tạo cảm giác ấm cúng, thân thuộc.”
Thầy Châu đứng vụt dậy, “Phương Mộc, không ngờ tấm lòng của cậu lại rộng lớn như vậy!” Ông chụm tay làm loa: “Tập hợp, tập hợp, mọi người lại đây nào!”
Sau một lúc yên ắng, căn nhà nhỏ lại ồn ào náo nhiệt trở lại.
Năm phút sau, bọn trẻ từ căn nhà kéo đến, chị Triệu và Liêu Á Phàm cũng chạy theo phía sau, vừa chạy vừa lau tay vào váy.
Thầy Châu đứng bên cạnh bồn hoa, ra hiệu cho mọi người vây quanh.
“Vừa nãy, ông đã bàn với chú Phương Mộc.” Ông lấy tay chỉ vào Phương Mộc. “Chúng ta cần phải đặt tên cho ngôi nhà của chúng ta, mọi người thấy thế nào?”
Bọn trẻ phấn khởi ra mặt, tranh nhau nói. Chị Triệu cũng mỉm cười, xem ra cho dù thầy Châu muốn làm gì thì chị ấy đều nhiệt tình ủng hộ.
“Thế mọi người nói thử xem, chúng ta sẽ đặt tên là gì?”
Tất cả lập tức im lặng, đứa nào cũng chau đôi mày nhỏ tập trung suy nghĩ, ngay cả thằng bé thiểu năng trí tuệ cũng bắt chước những đứa khác làm bộ vắt óc suy nghĩ. Sau một hồi im lặng, nhiều cái tên dồn dập vang lên:
“Trường tiểu học ái tâm!”
“Cô nhi viện hy vọng!”
“Viện phúc lợi ngày mai tươi sáng!”
“Viện từ thiện ông Châu!”
Bọn trẻ thảo luận, tranh cãi với nhau, đứa nào cũng cho rằng cái tên mình đặt là hay nhất. Thầy Châu cười ha hả nhìn tất cả mọi người, thỉnh thoảng cổ vũ những đứa trẻ mạnh bạo phát biểu, thỉnh thoảng lại trầm tư nhìn lên trời đêm.
“Tôi thấy chẳng cần phải tranh luận nhiều thầy Châu ạ, cô nhi viện này do một tay thầy lập lên, thế thì lấy họ tên của thầy đặt tên cho nó là tốt nhất!” Chị Triệu phẩy tay, “Sẽ gọi tên là Viện phúc lợi Châu Quốc Thanh.”
Bọn trẻ vỗ tay rào rào.
“Không!” Ánh mắt của thầy Châu từ từ rời khỏi màn đêm. Một biểu hiện trịnh trọng mà ấm áp hiện lên trên khuôn mặt ông, khoé miệng vẫn ẩn chứa một nụ cười.
“Thiên sứ Đường!” Ông nhẹ nhàng nói.
Ngay lập tức mọi người có mặt đều lặng đi, như bị ba chữ kia mê hoặc. Hai tay chị Triệu dừng lại ngang trán giống như đang vỗ tay trên màn ảnh thì bị đứng hình.
“Thiên sứ Đường...” Chị Triệu nói to, sắc mặt hơi đỏ lên, “Thiên sứ Đường…”
Những giọng nói non nớt vang vọng lên từ mọi phía:
“Thiên sứ Đường…”
“Thiên sứ Đường…”
Hình như mỗi người đều nhắc đi nhắc lại, suy ngẫm về ba chữ này, hưởng thụ khoái cảm khi ba chữ đó được phát ra qua khe hở giữa răng và làn môi, thưởng thức ý nghĩa sâu sắc chứa đựng bên trong nó.
Một bé gái nhỏ giật giật gấu quần của thầy Châu: “Ông Châu, ý ông là tất cả chúng cháu đều là thiên sứ ạ?”
Thầy Châu cúi xuống bế đứa bé lên. “Đúng thế!” Ông nhìn vào những cặp mắt đang chờ đợi: “Các con, mỗi đứa đều là một thiên sứ.”
Phương Mộc bỗng cảm thấy trước mặt rất sáng, như nhìn thấy rất nhiều thiên sứ nhỏ bé, chúng đang vỗ những đôi cánh trắng tinh khiết, nghiêng đầu nhìn anh nở nụ cười trong trẻo nhất trên thế gian.
0 comments :
Post a Comment