Bí mật
Đi qua thời trai trẻ, năm tháng bắt đầu không khoan dung, mỗi ngày điều ta có thể làm chính là thu thập những hồi ức đã già đi, giả vờ bản thân còn sở hữu cảnh xuân muôn hồng ngàn tía.
Lúc con người còn thơ ấu, luôn cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm, dường như mình là đứa bé không lớn nổi, chẳng có cả khả năng đứng dưới gốc cây rướn người hái quả. Nhưng thật sự đến lúc vĩnh biệt tuổi xuân xanh, mới cảm thấy thời gian quá đỗi vô tình, không cho ta cơ hội quay đầu ôn lại giấc mơ xưa. Đi qua thời trai trẻ, năm tháng bắt đầu không khoan dung, mỗi ngày điều ta có thể làm chính là thu thập những hồi ức đã già đi, giả vờ bản thân còn sở hữu cảnh xuân muôn hồng ngàn tía. Quá trình của sinh mệnh cũng như giương buồm ra khơi, đã không thể xoay chuyển phương hướng con thuyền, lại hà tất để tâm nó có xuôi theo dòng nước mùa xuân cuồn cuộn chảy về đông hay chăng?
Tsangyang Gyatso sinh trưởng giữa non nước Monyu, cho rằng mình có một tuổi thơ hạnh phúc. Là con cả trong nhà, Ngài được cha mẹ hết lòng cưng chiều. Ngài như một chú chim ưng non vui vẻ tự do trên thảo nguyên, tuy chưa đủ lông đủ cánh, nhưng không cần lo lắng gió mưa xâm phạm. Mỗi ngày, Ngài cùng đám bạn trẻ chăn thả đàn cừu, cười nói vui đùa. Có lúc, Ngài lẳng lặng gối đầu lên bãi cỏ, ngắm mây trắng trôi dạt dưới trời xanh, trong đầu thoáng hiện một số chuyện cũ chưa từng xảy ra nhưng lại lờ mờ phảng phất. Ngài yêu mến mảnh đất đã cho mình sinh mệnh này, quyến luyến cỏ dại nhẹ nhàng lay động trong gió, thích thú ngắm mái tóc dài đen mượt của cô gái làng bên.
Tsangyang Gyatso khi còn rất nhỏ đã biết mình và các bạn không giống nhau. Bắt đầu từ khi có ký ức, ngày thường ngoài chăn thả chơi đùa với bạn bè, Ngài còn được định kỳ bí mật sắp xếp học kinh ở một nơi gọi là tu viện Basang. Tu viện Basang tọa lạc tại huyện Cona[1] của Lhoka, là nơi người Monpa tụ tập sinh sống, sùng bái Hồng Giáo, tôn trọng tình yêu. Ở đây, sư sãi có thể kết hôn với phụ nữ ngoài đời, do đó bên ngoài tu viện thường vang vọng những bản tình ca du dương.
Khi Tsangyang Gyatso chưa thôi nôi, gia đình người nông dân bình thường này đột nhiên có khách quý đến thăm, đó chính là sứ giả do Đệ Ba Sangye Gyatso phái đến. Sứ giả đem đến một tin tức động trời, y nói cho cha mẹ Tsangyang Gyatso biết, con trai cả của họ là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso. Vinh hoa từ trên trời rơi xuống này trong khoảnh khắc nhắm trúng họ, khiến đôi vợ chồng thường dân lương thiện ấy luống cuống. Thế nhưng, tin tức này không có nghĩa là Tsangyang Gyatso sẽ phải lập tức rời Monyu, đi đến Lhasa xa xôi, ngồi trên ngai Phật quyền quý của cung Potala, từ đó diễn tiếp cuộc đời Phật sống của Ngài.
Có câu họa là nơi phúc tựa, phúc là nơi họa nấp. Sự đời biến ảo vô thường, khi bạn chìm đắm trong niềm vui sướng tuyệt vời khôn tả, lại đâu hay có tâm tư bi thương đang lặng lẽ chờ bạn.
Cha mẹ Tsangyang Gyatso biết rõ con trai họ chính là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, sẽ bước vào cung Potala rực rỡ huy hoàng trong truyền thuyết, trở thành đức Phật sống chí cao vô thượng, được muôn người tôn sùng, nhưng lại không thể không giữ kín như bưng bí mật lớn lao này, vì dù là dân thường chốn Monyu hẻo lánh, cũng biết trong xã hội tầng trên của Lhasa luôn diễn ra đấu tranh chính trị tàn khốc mà kịch liệt. Họ không thể biết được, con mình trong tương lai bị cuốn vào trong những đấu tranh ấy, sẽ gánh chịu hưng thịnh vinh nhục thế nào. Không biết, ẩn tình giấu diếm này mai kia chiếu cáo thiên hạ, sẽ dấy lên sóng to gió lớn ra sao.
Không ai có thể đoán trước tương lai, cũng giống như ban đầu không thể dự liệu gia đình nghèo nàn trong sạch này lại sẽ giáng lâm một linh đồng chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma. Nếu nói đây là sủng ái của cao xanh đối với họ, lại vì sao buộc họ cố sống cố chết giữ kín bí mật lớn tày trời này, đến nỗi cả ngày hoảng hốt không yên. Khi Tsangyang Gyatso hai tuổi, liền được định kỳ bí mật sắp xếp học kinh ở tu viện Basang. Đứa bé còn chưa tỏ sự đời này không hề biết sứ mệnh gian khó Phật tổ trao cho mình. Chỉ có cha mẹ của bé, ngày tháng từ đó về sau, mỗi ngày đều như đi trên băng mỏng.
Tsangyang Gyatso thơ bé học tập kinh văn ở tu viện Basang, thầy dạy kinh sách cho Ngài là mấy vị cao tăng đắc đạo do Đệ Ba Sangye Gyatso cử đến. Một ngày kia, nếu bạn đến Tây Tạng, đi qua tu viện Basang cũ kỹ vắng vẻ, phải chăng sẽ nảy sinh nỗi buồn da diết đối với nơi từng khóa chặt tuổi thơ của Tsangyang Gyatso? Kỳ thực sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta, lẽ nào lại không mềm yếu như thế, luôn bị một chút tình cảm êm đềm nho nhỏ làm cảm động đến bối rối. Khi ngoài cửa sổ vang vọng một bản tình ca uyển chuyển, chúng ta muốn biết, năm xưa Tsangyang Gyatso dựa bàn đọc kinh, phải chăng sẽ bị tình ca bay bổng cắt đứt suy nghĩ sâu lắng, gợi mở tưởng tượng xa vời vô tận đối với tình yêu của Ngài?
Ta và nàng gặp gỡ,
Trong rừng nam Monpa.
Ngoài chim vẹt dẻo miệng,
Chẳng một ai biết qua.
Chim vẹt biết nói à,
Đừng lộ bí mật ra.
Xin anh vẹt nhà ta,
Lặng yên thêm chút nữa.
Chị họa mi rừng liễu,
Muốn hát một khúc ca.
Tsangyang Gyatso ba trăm năm trước đã lớn lên trong tiếng đọc kinh văn và những bản tình ca. Mười bốn năm đằng đẵng trôi qua, Ngài đã trở thành một thiếu niên tiêu sái như cây ngọc trước gió. Ở miền đất tự do luyến ái và kết hôn này, chàng trai trẻ Tsangyang Gyatso vẫn luôn cho rằng mình có thể cùng cô gái nhà bên mắt qua mày lại, bày tỏ tình cảm. Lúc ấy, cha Tsangyang Gyatso sớm đã qua đời, chỉ có người mẹ hiền một mình vất vả giữ kín bí mật không ai biết kia, sống ngày tày năm. Bà nhìn thấy con cưng tình xuân nảy nở, chìm đắm trong ảo tưởng ngọt ngào, chỉ có thể âm thầm than thở. Bà không biết ngày nào cảnh tượng trước mắt sẽ bỗng nhiên tan biến, khi bí mật sáng tỏ trên đời, đứa con này có thể chịu đựng tổn thương mà vinh quang muôn trượng mang lại hay không?
Trên đời này chẳng ai hiểu rõ con mình bằng một người mẹ, mẹ Tsangyang Gyatso biết rõ con mình từ nhỏ đã có một trái tim đa cảm. Trên khuôn mặt tuấn tú của Ngài thiếu đi khí thế lẫm liệt nhả khói phun sương, dư nhu tình quyến luyến ôn hòa như nước. Trong đôi mắt sâu thẳm kia mang một nỗi ưu sầu bẩm sinh. Một thiếu niên cảm thương rơi lệ vì hoa cỏ, thì thầm trò chuyện cùng bò cừu, si mê tình ca, định sẵn là tình lang đẹp nhất trên thảo nguyên. Có lẽ chúng ta nên tha thứ cho một đứa trẻ ngây ngô không biết thân thế thật sự của mình, đứa trẻ ấy chẳng mảy may kiêng dè theo đuổi tình yêu, tịnh không phạm phải lỗi lớn tày trời gì cả.
Chính những khúc tình ca ngân nga cảm động lòng người khiến Ngài mê hoặc sâu sắc, chính mảnh đất nảy nở hoa tình này đã chôn xuống hạt giống lãng mạn trong đáy lòng Ngài. Khi bí mật chưa công bố với đời, tình yêu của Tsangyang Gyatso thật là vô tôi. Ngài ôm ấp niềm vui của tình xuân, viết nên văn chương hoa mỹ của mộng mơ, trái tim khát vọng tình yêu ấy của Ngài đâu thấy tóc bạc ngày càng nhiều thêm của mẹ, thấy được ưu tư đè nặng đáy lòng mẹ? Ngài không có tội, nhưng nhiều năm sau, Ngài lại chịu sự trừng phạt vô tình bởi thói đa tình của mình. Đây chẳng lẽ cũng là nhân quả đời này Ngài phải nhận? Nếu phải, sẽ dùng tu hành một đời để xóa bỏ hết thảy nghiệt trái tiền duyên.
Đều nói người trong cuộc mê, người ngoài cuộc tỉnh, một người quá tỉnh táo, có lẽ sẽ sống mệt mỏi hơn bất kỳ ai khác. Có lẽ chúng ta đều nên hồ đồ một chuyến, đối với nhiều người nhiều việc, giả vờ không nhìn thấy, như vậy phải chăng sẽ sống nhẹ nhõm hơn? Tsangyang Gyatso trước mười bốn tuổi, chính là người ở trong cuộc nhưng lại không biết câu đố. Đời người thật khéo trêu cợt, khi một người quyết ý thề chết không hối vì tình yêu, bạn làm sao nhẫn tâm cho người đó biết, thật ra cả đời này, người đó định sẵn ngồi trên ngai Phật, cô độc đến chết.
Xem tiếp:
-------Phụ lục ---------
[1] Cona (Thác Na): một huyện của địa khu Lhoka, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.
0 comments :
Post a Comment