Quyển hai: Hoa rơi còn đa tình hơn nàng
Núi thần
Cảnh vật trên đời vốn không có tình cảm, từng cành cây ngọn cỏ, từng hạt cát hạt bụi, đều là do con người thêu dệt những câu chuyện và truyền thuyết phủ lên trên mới có máu thịt, mới có điểm tựa.Mỗi người đều từng có một thời thanh xuân trẻ trung, đều từng có một cuộc tình rực rỡ như pháo hoa, tuy rằng ngắn ngủi, nhưng suốt đời khó quên. Thế gian này có nhiều việc có thể quay trở lại, nhưng thời gian qua đi và tình cảm bỏ lỡ lại một đi không trở lại. Cho dù như thế, ai cũng không thể xóa đi những thứ từng có được, những đoạn đời ấy được niêm phong trong ký ức, lâu bền không phai. Do đó, chúng ta sẽ luôn trầm tư một hồi lâu vì một tấm ảnh cũ ố vàng, sẽ nước mắt lưng tròng vì tình cờ nghe được một bài hát xưa, sẽ cảm động khôn nguôi vì một cảnh gặp lại sau bao ngày xa cách.
Khi tôi được biết nhiều người vì đọc thơ tình của Tsangyang Gyatso mà lựa chọn sắp xếp hành trang lặn lội đường xa đến Tây Tạng, trong lòng không khỏi nảy sinh muôn vàn cảm xúc. Tôi luôn tin tưởng những người này đi Tây Tạng không đơn thuần là vì tìm kiếm kiếp trước kiếp này của Tsangyang Gyatso. Họ càng muốn biết, trên mảnh đất phong tình lãng mạn đó, rốt cuộc đã từng có mối tình duyên không giống người phàm ra sao. Rốt cuộc là một vị Đạt Lai Lạt Ma thế nào mới có thể viết ra câu thơ: “Thế gian sao có đôi đường vẹn, Chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng.” Mà những người khách qua đường vội vã đó, đều là người chí tình, sở dĩ họ ngàn dặm xa xôi tìm hiểu câu chuyện thần kỳ của người khác, là vì đáy lòng họ cũng cất giấu một chuyện xưa không ai hay biết.
Chỉ có những ai từng yêu mới dễ dàng cảm động bởi tình yêu của người khác. Cảnh vật trên đời vốn không có tình cảm, từng cành cây ngọn cỏ, từng hạt cát hạt bụi, đều là do con người thêu dệt những câu chuyện và truyền thuyết phủ lên trên mới có máu thịt, mới có điểm tựa. Nếu không có công chúa Văn Thành năm xưa gả đi, không có thơ tình của Tsangyang Gyatso, cao nguyên Tây Tạng hoang vu kia có lẽ sẽ thiếu đi nhiều sắc thái lãng mạn. Cung Potala tráng lệ cũng chẳng qua là ảo ảnh của thời gian, cằn cỗi vì thiếu những mẩu chuyện xưa. Giờ đây, vì có sự tồn tại của chúng, dù trải qua bao nhiêu năm tháng, đều không đến nỗi bị thời gian bòn rút sạch trơn.
Tình cảm chân thật và tư tưởng phong phú có thể khiến một mảnh đất hoang vu trong nháy mắt nở đầy hoa. Khi chúng ta đi lại ở mỗi chốn xưa Tsangyang Gyatso từng sống, dạo bước trên mỗi nẻo đường Ngài từng đi qua, đều không nhịn được tự hỏi: Ngài thật sự đã từng ở nơi này ư? Phải chăng có thể bước trùng lên dấu chân của Ngài? Trên lan can kia, liệu có còn lưu lại hơi ấm bàn tay Ngài? Hết lần này đến lần khác đọc thơ tình của Ngài, chỉ cảm thấy cỏ cây nơi đây đều thông hiểu tâm linh, hiểu được tình cảm. Chúng từng chứng kiến tình yêu đẹp đẽ của Tsangyang Gyatso, từng nghe những lời âu yếm Ngài cùng cô gái mình thương đã nói, nhớ lại mỗi lời ước hẹn Ngài đã trao.
Ba trăm năm, thời gian sao mà dài đằng đẵng, triều đại đổi thay, con người thay đổi, chỉ có cây cỏ vẫn xanh tươi, đá núi vẫn vững chãi như xưa. Nhân gian là kịch trường, biết bao máu lệ chảy thành sông, tràn ngập đến mức không ai thu dọn. Mà chúng ta của hôm nay, vì lẽ gì còn phải tổn thương nhau, vì lẽ gì không thể giống như gió mát trăng thanh, dung chứa lẫn nhau, chung sống yên bình? Tôi tin rằng, những người đã đến Tây Tạng, đã thấy núi tuyết thảo nguyên, đã từng uống nước hồ thánh, lòng của họ từ đó sẽ trong trẻo sáng láng. Sẽ hiểu được người sống trên đời thật chẳng dễ dàng, hết thảy duyên phận đều phải cố gắng trân trọng, tất cả mọi người đều nên chúc phúc cho nhau.
Lịch sử là chân thực, ba trăm năm trước, đích xác từng có một Tsangyang Gyatso, trên mảnh đất Tây Tạng bao la cũng thực sự lưu giữ chút ít vết tích của Ngài. Ngài sinh ra ở nơi này, tâm tình và câu chuyện cả đời cũng giao phó cho nơi này, rất nhiều câu thơ đều chạm khắc trên mảnh đất này. Rời xa Tây Tạng, Ngài sẽ không còn là Tsangyang Gyatso, do đó mỗi người nhớ nhung Tsangyang Gyatso đều sẽ nhớ nhung Tây Tạng. Chúng ta hy vọng mình kiếp này có thể đích thân đến đây, có thể chính miệng hỏi một tiếng, vị tình tăng chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng ấy, ba trăm năm qua, Ngài vẫn khỏe chứ? Linh hồn của Ngài phải chăng thật sự vẫn luân hồi tiếp tục? Giờ đây, chúng ta nên đến chốn nào tìm Ngài?
Tsangyang Gyatso trước mười bốn tuổi, đúng là có thể chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng. Ngài vừa học kinh ở tu viện Basang, vừa nghe những bản tình ca cảm động ngoài cửa sổ, cùng âm thầm hẹn hò với cô gái làng bên. Ngài thậm chí còn cảm thấy vào tuổi xuân xanh, không hết lòng yêu nhau một lần là uổng phí đời người. Ở nơi vốn dĩ trai gái có thể tự do luyến ái, tình yêu của Tsangyang Gyatso như đất trời tháng 4, oanh bay cỏ mọc, không chút e dè. Ngài chẳng mảy may biết bí mật về linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, dù Ngài thông tuệ hơn những thiếu niên khác, tràn đầy linh khí, nhưng cũng chỉ cho rằng mình là một người may mắn, được ông trời quan tâm chiếu cố mà thôi.
Phía xa tu viện Basang, có núi thần Bonri[1] nguy nga hùng vĩ. Trên ngọn núi thần này, có một cây thần cực lớn, trên cây treo đầy kinh phướn phấp phới, cây cao chọc trời, rất có linh tính. Rất nhiều người đi kora quanh núi, từ trời nam đất bắc không nề muôn dặm xa xôi rong ruổi, chỉ để đến ngọn núi thần này dập đầu bái lạy, nguyện một lời thề ước ở dưới cây. Tsangyang Gyatso lúc đó thường hay đứng lặng hồi lâu ở ban công tu viện, nhìn cây thần trên núi thần từ xa, âm thầm cầu khẩn cho ước mơ non nớt trong lòng.
Giờ lành đổi vận đến,
Phướn cầu phúc dựng lên.
Ta nhận lời thục nữ,
Tới làm khách làng bên.
Tsangyang Gyatso đa tình thật sự đã yêu, Ngài và ý trung nhân yêu nhau trong khu vườn hoan lạc mỹ lệ. Ánh nắng cao nguyên cho cỏ dại hoa xuân đầy đủ hơi ấm, cũng kích thích tình cảm rạo rực của những thiếu niên thiếu nữ nơi này. Họ có thể hát đối đáp tình ca để cuồng nhiệt bày tỏ tình yêu trong lòng, có thể không chút e dè phung phí tuổi xuân tràn trề. Đó là quyền lợi mà sinh mệnh trao cho họ, khi tuổi xuân đi xa, những con sóng tình yêu ấy sẽ thật sự trở thành nước chảy cuồn cuộn, một đi không trở lại.
Đỗ quyên bay đến thăm,
Đem hương xuân thơm ngát.
Ta và nàng gặp nhau,
Lòng vui sướng dào dạt.
Miệng cười khoe răng trắng,
Hớp mất hồn ai kia.
Nếu thật lòng thương mến,
Xin thề chẳng chia lìa.
Thật ra tâm nguyện của Tsangyang Gyatso rất đỗi bình thường, Ngài chẳng qua chỉ muốn kề cận cùng người yêu trên mảnh đất lãng mạn quen thuộc, cùng một dòng suối, một đám mây, một bãi cỏ, mấy con bò con cừu nương tựa lẫn nhau, sống bình lặng, yên ổn vô sự. Họ cùng chăn thả, cùng làm thơ, sinh đôi trai gái dễ thương, sở hữu hạnh phúc bình thường nhất trên đời. Tâm nguyện nhỏ nhoi biết bao, lại không đáng kể biết bao, đây là hạnh phúc mà một làng quê nhỏ của Tây Tạng, thậm chí bất cứ một làng quê nhỏ nào trên thế gian đều có thể cho họ.
Hỏi người tình trong mộng,
Có gần gũi trọn đời?
Đáp: Trừ phi tử biệt,
Sống - mãi chẳng chia rời.
Nếu nàng vì học đạo,
Rời bỏ ta ra đi,
Thiếu niên ta nhất định,
Theo vào chốn tu vi.
Đúng vậy, điều Ngài muốn chính là một người bạn tình ngọt ngào, sống chết có nhau cả đời như thế. Ngài không hề biết rằng thảo nguyên rộng lớn này, làng quê chất phác này lại không thỏa mãn được tâm nguyện nhỏ bé của Ngài. Bất cứ người nào cũng có thể mưu cầu niềm hạnh phúc đơn giản ấy, duy chỉ có Ngài - Tsangyang Gyatso, định sẵn không có duyên với phàm trần. Một cuộc tình bình thường lại là kiếp nạn số mệnh dành cho Ngài. Đích thực như thế, khi một ngày kia Ngài đứng trên đỉnh cao không ai với tới nhìn xuống chúng sinh, Ngài sẽ hiểu rõ, thì ra “cao ngất lạnh lùng sao[2]” là thế nào.
Tình yêu, trước khi đến, bạn không biết là gì, sau khi đến rồi, bạn sẽ không còn là chính mình nữa. Biết bao người cả đời đều đang tìm tìm kiếm kiếm, mong mỏi tìm được người mình yêu và người ấy cũng yêu mình, song thực tế thường trái với nguyện vọng. Thế nhưng khi thật sự có được, lại có bao nhiêu người sẽ cố gắng trân trọng? Những hứa hẹn đã trao ấy, phải chăng thật sự có thể vĩnh viễn? Những người từng yêu ấy, phải chăng đến cuối cùng đều thành khách qua đường? Sống hết cuộc đời dài đằng đẵng, người và việc đáng để chúng ta hồi tưởng, còn có thể sót lại bao nhiêu?
Dù Tsangyang Gyatso từng có tình yêu, nhưng cuối cùng không thể cùng người thương bầu bạn lâu dài, do đó Ngài sẽ chìm đắm một đời trong dòng sông tình ái. Nếu Ngài trọn vẹn mơ ước, kết hôn sinh con với cô gái mình yêu, lại phải chăng thật sự sẽ trọn đời hạnh phúc? Đời người biết bao câu chuyện khiến ta sinh lòng tiếc nuối trước những lệch lạc sai sót, chúng ta đạo diễn từng màn kịch, nhìn hết sống chết ly biệt, lại bất lực không thể làm gì. Tình cảm của con người, nếu có thể thu phát như ý, nói bắt đầu là bắt đầu, nói kết thúc là kết thúc, chẳng có lưu luyến, cũng không vương vấn, thế thì tốt biết dường nào?
Bao nhiêu người đứng nơi đầu sóng ngọn gió khăng khăng làm theo ý mình, đến sau chót, chung quy cũng không chống chọi nổi vận mệnh cố chấp. Thấy đời người thịnh suy, chúng ta luôn trách năm tháng quá ép người, xưa nay chưa hề hỏi xem, bản thân đã gieo nhân trước ra sao. Suy cho cùng, thời gian cũng như đám thổ phỉ, dọc đường đánh cướp chúng ta. Tsangyang Gyatso, linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, gánh vác bí mật của mười bốn năm, rốt cuộc vẫn là bị bức bách đến bước đường cùng.
Xem tiếp:
-------Phụ lục-------
[1] Núi thần Bonri: Núi thần được đạo Bon nguyên thủy ở Tây Tạng tôn sùng, cao khoảng 4.500m.
[2] Nguyên văn là “Cao xứ bất thắng hàn”, một câu trong bài từ “Thủy điệu ca đầu” của Tô Đông Pha thời Tống.
0 comments :
Post a Comment